![]() |
Hiệp hội Thương mại điện tử: Quy định yêu cầu sàn TMĐT xác minh nguồn gốc hàng hóa vượt quá thẩm quyền |
Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa do Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì đang thu hút sự chú ý đặc biệt của cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là các nền tảng thương mại điện tử (TMĐT). Tâm điểm tranh luận xoay quanh khoản 35 Điều 1 của dự thảo, trong đó yêu cầu các sàn TMĐT phải xác minh và truy xuất nguồn gốc hàng hóa trước và trong quá trình vận hành nền tảng.
Theo lý giải của cơ quan soạn thảo, mục tiêu của quy định là nhằm tăng cường bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, ngăn chặn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.
Tuy nhiên, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam đã chính thức lên tiếng về tính hợp lý và khả thi của quy định này.
Hiệp hội cho rằng, mặc dù mục tiêu bảo vệ người tiêu dùng là cần thiết, nhưng cách tiếp cận hiện tại của dự thảo lại thiếu sự phân định rõ ràng giữa vai trò của nhà nước và doanh nghiệp, cũng như giữa các chủ thể tham gia chuỗi cung ứng hàng hóa.
Đại diện hiệp hội khẳng định: “Sàn TMĐT chỉ đóng vai trò trung gian, cung cấp nền tảng kết nối giữa người bán và người mua. Họ không có công cụ, quyền hạn pháp lý hay năng lực kỹ thuật để điều tra, kiểm định hay giám sát quy trình sản xuất, lưu thông hàng hóa”.
Hiện nay, các sàn TMĐT có thể yêu cầu nhà bán hàng cung cấp giấy tờ chứng minh nguồn gốc, chất lượng sản phẩm và lưu trữ những thông tin này theo quy định. Tuy nhiên, việc chủ động “xác minh nguồn gốc” và “giám sát chất lượng” như yêu cầu trong dự thảo được cho là đã vượt quá chức năng của một nền tảng công nghệ.
Theo phản ánh của cộng đồng doanh nghiệp, trách nhiệm xác minh và giám sát chất lượng hàng hóa cần được phân bổ đúng cho nhà sản xuất, nhà nhập khẩu, cơ quan quản lý chuyên ngành hoặc tổ chức đánh giá sự phù hợp, thay vì đẩy sang các nền tảng TMĐT vốn không có thẩm quyền và chuyên môn để thực hiện.
Hiệp hội Thương mại điện tử nhấn mạnh rằng việc giao trách nhiệm như vậy là khiên cưỡng và thiếu căn cứ pháp lý, gây rủi ro lớn cho hoạt động của các sàn TMĐT nội địa.
Một vấn đề khác được Hiệp hội Thương mại điện tử nêu rõ là sự bất cân xứng trong việc áp dụng quy định giữa các sàn TMĐT trong nước và các nền tảng xuyên biên giới. Các sàn nội địa - do có pháp nhân tại Việt Nam - sẽ phải chịu toàn bộ trách nhiệm theo dự thảo, trong khi các nền tảng nước ngoài cung cấp dịch vụ vào Việt Nam nhưng không có pháp nhân lại khó bị kiểm soát tương đương.
Điều này dẫn đến môi trường cạnh tranh bất bình đẳng, thậm chí có thể bị xem là “bảo hộ ngược”. Trong dài hạn, sự bất hợp lý này có thể đẩy doanh nghiệp nội địa ra khỏi thị trường Việt Nam, tìm đến các quốc gia có hệ thống pháp lý linh hoạt hơn.
Để giải quyết những bất cập, Hiệp hội Thương mại điện tử đề xuất xóa bỏ khoản 34 và khoản 35 Điều 1 của dự thảo luật. Thay vào đó, nếu cần thiết, các yêu cầu liên quan đến truy xuất nguồn gốc nên được quy định theo hướng dẫn chiếu tới các luật chuyên ngành như Luật Thương mại điện tử, Luật Quản lý thị trường, Luật Bảo vệ người tiêu dùng…
Cách làm này sẽ giúp bảo đảm sự thống nhất trong hệ thống pháp luật, đồng thời tránh gây ra sự chồng chéo, mâu thuẫn hoặc áp lực không cần thiết cho các doanh nghiệp TMĐT.
Hiệp hội cũng nhấn mạnh rằng sự phối hợp giữa doanh nghiệp và nhà nước là cần thiết để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, nhưng không nên thông qua cách tiếp cận cực đoan, đẩy trách nhiệm pháp lý vốn thuộc về nhà nước sang khu vực tư nhân.
Dự thảo sửa đổi Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa đang đặt ra những câu hỏi lớn về vai trò, trách nhiệm và giới hạn pháp lý của các sàn thương mại điện tử trong việc quản lý chất lượng hàng hóa. Trong bối cảnh TMĐT ngày càng phát triển mạnh mẽ, việc xây dựng một khung pháp lý minh bạch, hợp lý và khả thi là vô cùng cần thiết để vừa bảo vệ người tiêu dùng, vừa thúc đẩy sự phát triển lành mạnh của thị trường.