Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thái Bình được thành lập ngày 09/7/2007 theo quyết định số 1531/QĐ-UBND của Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình trên cơ sở thống nhất các tổ chức thành viên: Câu lạc bộ Giám đốc các doanh nghiệp nhà nước, Hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Thái Bình Hội Doanh nghiệp trẻ, Hội nữ doanh nhân, với mô hình gọn nhẹ, hiệu quả. Từ chỗ, ban đầu chỉ có trên 150 hội viên từ ba tổ chức hợp lại chủ yếu nằm ở khu vực thị xã Thái Bình, đến nay Hiệp hội đã có trên 1.400 hội viên và 14 tổ chức Hội thành viên gồm: 08 Hội Doanh nghiệp huyện, thành phố, Hội Doanh nhân trẻ, Hội Doanh nhân nữ, Hội vận tải, hội nước sạch, Hội xây dựng kinh doanh bất động sản và Trung tâm tư vấn.
Bộ máy hiện tại của Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh có 06 phòng, ban chuyên môn gồm: Ban Tổ chức hội viên; Ban Kinh tế, Tài chính; Ban thi đua khen thưởng và xúc tiến đầu tư thương mại; Ban đối ngoại từ thiện; Ban Thông tin tuyên truyền, Văn hóa thể thao và Văn phòng Hiệp hội. Ban chấp hành với 51 ủy viên, Ban kiểm tra 03 ủy viên; Ban Thường vụ 19 ủy viên và 08 thành viên Ban lãnh đạo (gồm 01 chủ tịch, 06 Phó chủ tịch và 01 Tổng thư ký) phụ trách các Ban chuyên môn, Văn phòng và các tổ chức hội trực thuộc).
Hoạt động nổi bật của Hiệp hội DN Thái Bình
Tham gia xây dựng, tuyên truyền pháp luật, đào tạo, tư vấn và hỗ trợ doanh nghiệp
Hiệp hội đã nghiên cứu tham gia đóng góp ý kiến đối với nhiều văn bản pháp luật quan trọng như Các dự án luật, các đề án, kế hoạch, cơ chế, chính sách phát triển kinh tế của Trung ương; tham gia ý kiến bằng văn bản vào các dự thảo Báo cáo, đề án, kế hoạch của tỉnh liên quan đến SXKD của doanh nghiệp, đã tổ chức và phối hợp tổ chức các lớp tập huấn, hội nghị tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách, pháp luật cho cán bộ lãnh đạo quản lý và chuyên môn của các doanh nghiệp giúp các doanh nghiệp nắm vững các quy định của pháp luật để tổ chức SXKD đúng quy định.
Hỗ trợ doanh nghiệp, đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng cho doanh nghiệp
Làm tốt nhiệm vụ cầu nối giữa chính quyền và doanh nghiệp tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong tháo gỡ khó khăn trong đầu tư phát triển
Thúc đẩy công tác chuyển đổi số trong doanh nghiệp để thích ứng với kinh tế số và hội nhập. Hoạt động điều hành của Thường trực hiệp hội. Ban Thường vụ Hiệp hội đều thông qua Email, Zalo... theo nhóm Thường trực, Thường vụ, Ban chấp hành và Hội thành viên hiệp hội, tuyên truyền vận động doanh nghiệp hội viên sử dụng trang thông tin Thái Bình đồng hành cùng doanh nghiệp trên ứng dụng Zalo, các hoạt động này đã giúp cho các doanh nghiệp nắm bắt thông tin kịp thời để chủ động trong chỉ đạo sản xuất kinh doanh.
Tháo gỡ kịp thời khó khăn cho doanh nghiệp với các nội dung thiết thực thông qua hội nghị đối thoại tháo gỡ khó khăn, chương trình cà phê doanh nhân hàng tuần, thông qua trang zalo Thái Bình đồng hành cùng doanh nghiệp.
Khuyến khích doanh nghiệp khởi nghiệp, hộ kinh doanh lên doanh nghiệp góp phần đưa số doanh nghiệp của tỉnh lên 10.000 doanh nghiệp như hiện nay và số lượng doanh nghiệp tham gia là thành viên hiệp hội lên trên 1.500 hội viên.
Thực hiện thành công Bộ chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở ngành, huyện thành phố góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nâng cao năng lực cạnh tranh tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh và đầu tư.
Xây dựng văn hóa doanh nghiệp và các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao
Hiệp hội luôn quan tâm đến việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp, coi đây là điều kiện quan trọng quyết định sự thành công bền vững của doanh nghiệp. Hiệp hội đã định hướng cho các Hội thành viên không ngừng tuyên truyền cho các hội viên xây dựng các chuẩn mực đạo đức và văn hóa kinh doanh, trong đó đặc biệt quan tâm định hướng kinh doanh phải tuân thủ theo pháp luật, phải quan tâm đến đời sống người lao động và có trách nhiệm với cộng đồng;
Hàng năm, nhân dịp kỷ niệm ngày doanh nhân Việt Nam 13/10 Hiệp hội đã chỉ đạo các hội thành viên phát động phong trào văn hóa, văn nghệ, thể thao trong các doanh nghiệp, nhằm động viên, khuyến khích người lao động hăng say lao động.
Nghĩa vụ với ngân sách nhà nước và hoạt động an sinh xã hội, nhân đạo từ thiện
Hàng năm cộng đồng doanh nghiệp đều nộp vượt kế hoạch dự toán tỉnh giao với năm sau cao hơn năm trước chỉ tính riêng nhiệm kỳ 2017-2022 số nộp ngân sách của cộng đồng doanh nghiệp năm 2018 là 3.570 tỷ đồng thì 11 tháng năm 2022 nộp số tiền là 5.623 tỷ đồng; Hàng năm giải quyết việc làm cho bình quân 200.000 lao động một năm.
Chung tay cùng địa phương làm tốt công tác chống dịch covid 19 trong doanh nghiệp và trong tỉnh với sự đóng góp hàng trăm tỷ đồng.
Thực hiện công tác an sinh xã hội nhân đạo từ thiện mỗi năm trên 10 tỷ đồng.
Công tác thi đua khen thưởng, tôn vinh doanh nghiệp, doanh nhân
Làm tốt hoạt động tôn vinh khen thưởng doanh nghiệp doanh nhân trong trong thực hiện các phong trào thi đua rất nhiều doanh nhân được khen thưởng các phần thưởng cao quý của nhà nước và của địa phương. HHDN tỉnh vinh dự được Chủ tịch nước tặng Huân chương lao động hạng Nhì.
Kết quả những hoạt động của Hiệp hội nêu trên đã mang lại hiệu quả thiết thực cho các doanh nghiệp và góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Thái Bình và ngày càng khẳng định vị trí, vai trò trách nhiệm của Hiệp hội trước cộng đồng doanh nghiệp của tỉnh; Hiệp hội luôn xứng đáng với sự tin tưởng của các cấp lãnh đạo và nhân dân trong tỉnh và sự tin cậy của cộng đồng doanh nghiệp. Hiệp hội thực sự là ngôi nhà chung của cộng đồng doanh nghiệp và được cộng đồng doanh nghiệp tin tưởng, uy tín và vị thế của Hiệp hội, của cộng đồng doanh nghiệp ngày càng được nâng cao.
Một số cơ hội của cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh
Đảng và nhà nước tiếp tục khẳng định phát triển kinh tế tư nhân là động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN; Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đã và đang đi vào cuộc sống; Luật doanh nghiệp và luật Đầu tư mới vừa có hiệu lực thi hành từ 01/01/2021, các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới tiếp tục là điều kiện cho sự hội nhập kinh tế sâu rộng với thế giới. Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Thái Bình luôn quan tâm chỉ đạo và triển khai thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 01/NQ-TU về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy, tổ chức Đảng trong việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; Chương trình hành động của BCH Đảng bộ tỉnh thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX; Các Chương trình, Kế hoạch hành động để triển khai thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp. Công tác cải cách hành chính được quan tâm chỉ đạo quyết liệt, các giải pháp đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp được triển khai đồng bộ đã tạo động lực thúc đẩy những nỗ lực mới của tỉnh về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính quyền trong tỉnh tạo chuyển biến mạnh mẽ trong xây dựng nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp, năng động, phục vụ tốt người dân và doanh nghiệp. Các cơ chế chính sách hỗ trợ, phát triển lực lượng doanh nghiệp, chính sách ưu đãi đầu tư sẽ là động lực quan trọng và là cơ hội cho sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp Thái Bình trong những năm tới đây.
Các kiến nghị với Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Trung ương Hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam
Quốc hội sớm ban hành Luật về Hội tạo thuận lợi về pháp lý đảm bảo sự công bằng và thuận lợi cho hoạt động của các Hiệp hội.
Đề nghị Quốc hội cần sớm sửa đổi, bổ sung Luật đất đai và một số dự luật khác tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh, trong đầu tư và mở rộng sản xuất kinh doanh.
Thống nhất chỉ đạo hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp đặc biệt là hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định của Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; các biện pháp cụ thể chỉ đạo việc thực hiện các Nghị quyết đã ký kết tại Diễn đàn hợp tác liên kết của các Hiệp hội khu vực phía Bắc được tổ chức hàng năm để tăng cường sự gắn kết tạo thuận lợi trong liên kết SXKD và tiêu thụ sản phẩm hàng hóa của các doanh nghiệp trong khu vực;
Tăng cường hơn nữa vai trò lãnh đạo của Hiệp hội DNNVV Việt Nam đối với việc Hỗ trợ hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp vì hiệu quả và tiến độ công việc này tại các địa phương còn rất chậm.
Việc phối hợp hỗ trợ các Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa các địa phương còn hạn chế ở một số lĩnh vực như hỗ trợ chuyển đổi số, kết nối các doanh nghiệp NVV của các địa phương tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị nhất là với các doanh nghiệp đầu đàn, doanh nghiệp FDI.
Việc hỗ trợ các Hiệp hội doanh nghiệp NVV địa phương trong tiếp cận với các cơ chế chính sách thông qua hoạt động của Hiệp hội DNNVV Việt Nam cần được Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam quan tâm hơn nữa đặc biệt là các hỗ trợ theo quy định của Luật hỗ trợ doanh nghiệp NVV, tiếp cận vay vốn từ nguồn vốn ưu đãi của Quỹ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa...
Đỗ Văn Vẻ - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thái Bình