Hội thảo thu hút đông đảo giới quản lý, chuyên gia kinh tế, cộng đồng doanh nghiệp và đại diện các tổ chức quốc tế.
Bảo đảm gỗ hợp pháp trong pháp luật và thực tiễn mua sắm công đồ gỗ
Hiệp định Đối tác Tự nguyện về Thực thi Luật Lâm nghiệp, Quản trị rừng và Thương mại Lâm sản (viết tắt là VPA/FLEGT) được chính phủ Việt Nam và EU thống nhất đã chính thức có hiệu lực vào 01/6/2019. Trọng tâm của Hiệp định là cam kết loại bỏ hoàn toàn gỗ lậu ra khỏi các chuỗi cung ứng gỗ từ thị trường tiêu thị nội địa đến sản phẩm xuất khẩu.
Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập -VCCI, đại diện Nhóm nghiên cứu Trung tâm WTO và Hội nhập nhận định rằng, việc ký cam kết VPA/FLEGT thực thi về gỗ hợp pháp cho thấy Việt Nam có quyết tâm rất lớn trong việc phát triển bền vững ngành chế biến gỗ Việt Nam. Đồng thời, Nhà nước có trách nhiệm đảm bảo tất cả gỗ mua sắm bằng vốn Nhà nước phải là gỗ hợp pháp, nghĩa là gỗ đảm bảo tuân thủ các quy định về pháp luật đất đai, pháp luật lâm nghiệp, pháp luật kinh doanh – đầu tư, pháp luật lao động, pháp luật môi trường, pháp luật thuế, pháp luật thương mại và pháp luật khác như luật sở hữu trí tuệ, luật xuất – nhập khẩu....
Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập -VCCI.
Tiến hành rà soát 13.000 hồ sơ mời thầu trên mạng lưới đấu thầu quốc gia và lọc ra 100 bộ hồ sơ mời thầu sản phẩm gỗ từ 2016- 2018, nhóm nghiên cứu phát hiện trong số này có 11% hồ sơ có yêu cầu mua hàng gỗ quý – loại gỗ có rủi ro cao về nguồn gốc gỗ hợp pháp. Trong khi đó 80% số hồ sơ không có yêu cầu về nguồn gốc gỗ. Từ đó, nhóm nghiên cứu của VCCI khuyến cáo cần bổ sung điều kiện tính hợp pháp của hàng hóa dịch vụ; quy định chi tiết về điều kiện tính hợp pháp của hàng hóa trong mẫu hồ sơ mời thầu và mẫu hợp đồng. Hơn nữa, cần có hướng dẫn riêng cho các đơn vị mời thầu về gỗ hợp pháp trong mua sắm đồ gỗ đồng thời thông tin rộng rãi cho doanh nghiệp, nhà thầu về yêu cầu gỗ hợp pháp.
Cũng theo bà Trang, Báo cáo về mua sắm công bền vững của Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho thấy mỗi năm Việt Nam chi trung bình 20 - 30% ngân sách vào mua sắm công. Tuy đến nay, chưa có bất kỳ con số nào về tỷ trọng ngân sách nhà nước đầu tư cho mua sắm công đối với các sản phẩm gỗ tại Việt Nam nhưng con số ngân sách đầu tư cho mua sắm sản phẩm gỗ là rất lớn. Tại một số nước phát triển, mua sắm công gồm cả các sản phẩm gỗ chiếm từ 16 - 20% GDP. Với khách hàng “Nhà nước” là một khách hàng lớn và cũng đóng vai trò quản lý quan trọng đối với gỗ mua sắm công thì khả năng thúc đẩy doanh nghiệp, nhà thầu sản xuất đồ gỗ hoạt động theo hướng hợp pháp và bền vững trên thị trường nội địa là rất lớn.
Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế liên quan về thực thi gỗ hợp pháp trong mua sắm công, ông Tô Xuân Phúc, chuyên gia phân tích chính sách của Tổ chức quốc tế Forest Trend tại Việt Nam (một tổ chức phi lợi nhuận quốc tế được thành lập năm 1996 với mục tiêu thúc đẩy bảo tồn và quản lý rừng bền vững) cho biết, trong chính sách mua sắm công cấp TW (2014) tại các nước Anh, Đan Mạch, Hà Lan, Đức cũng ưu tiên hai tiêu chí về mặt hợp pháp và về mặt bền vững. Chính sách mua sắm công ở các nước khác có nhiều nét tương đồng với Việt Nam có thể kể đến là Trung Quốc, Ghana, Indonesia... Ông Tô Xuân Phúc nhấn mạnh, Chính phủ thực hiện mua sắm công có trách nhiệm sẽ lan tỏa thông điệp quan trọng tới các nhóm tiêu dùng khác trong xã hội về hành vi mua sắm của mình, từ đó thay đổi nhận thức và thói quen tiêu dùng gỗ theo hướng hợp pháp và bền vững; khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất gỗ tuân thủ yêu cầu pháp luật và áp dụng công nghệ, môi trường sản xuất an toàn và thân thiện với môi trường.
Ông Tô Xuân Phúc, chuyên gia phân tích chính sách của Tổ chức quốc tế Forest Trend.
Cần sự phối hợp tự nguyện giữa Nhà nước và doanh nghiệp
Phiên thảo luận trong Hội thảo Tính hợp pháp của sản phẩm gỗ trong mua sắm công ở Việt Nam.
Thảo luận về thách thức trong thực thi VPA/FLEGT, bà Nguyễn Tường Vân – Phó Vụ trưởng Vụ KHCN HTQT, Tổng cục Lâm nghiệp – Thành viên Đoàn đàm phán VPA/FLEGT Việt Nam cho biết, cam kết cốt lõi của Hiệp định này là “bảo đảm gỗ hợp pháp” - theo đó tất cả sản phẩm gỗ ở Việt Nam, bao gồm cả gỗ xuất khẩu và tiêu thụ nội địa đều phải là gỗ hợp pháp. Không chí việc xuất khẩu ra nước ngoài mà nhập khẩu gỗ vào Việt Nam hiện còn nhiều khó khăn. Vì vậy, các doanh nghiệp phải hiểu biết vấn đề về gỗ hợp pháp, nắm được hệ thống VNTLAS quy định về lâm nghiệp, môi trường, đất đai, luật lao động… và những lô gỗ cần được truy xuất nguồn gốc đầy đủ, chính xác.
Đồng tình với quan điểm này, bà Nguyễn Thị Diệu Phương, Giám đốc trung tâm Hỗ trợ đấu thầu, cục Quản lý đấu thầu, cho biết, hiện chính phủ đã thực hiện các hoạt động nhằm đưa ra các quy định cụ thể về Định nghĩa Gỗ hợp pháp, xây dựng Hệ thống Đảm bảo Tính hợp pháp của Gỗ (VNTLAS). Chính phủ dự kiến hệ thống VNTLAS sẽ được đưa vào vận hành trong vòng 2-3 năm tới. Khi đó, toàn bộ các sản phẩm gỗ nằm trong danh mục của VPA được Việt Nam và EU thống nhất, bao gồm cả các sản phẩm tiêu thụ tại thị trường nội địa và xuất khẩu, sẽ đảm bảo tính hợp pháp. Theo cam kết này, chính phủ cũng cần đảm bảo rằng toàn bộ các mặt hàng gỗ được sử dụng trong mua sắm công phải là hợp pháp. Đây là một thách thức lớn, bởi hiện chưa có cơ sở đầy đủ nào để xác định liệu sản phẩm gỗ mua sắm công ở Việt Nam có phải là gỗ hợp pháp hay không.
Do đó, cần có sự phối hợp tự nguyện giữa Nhà nước và doanh nghiệp để đảm bảo tính hợp pháp của sản phẩm gỗ trong mua sắm công tại Việt Nam. Giải pháp trước mắt là ban hành thông tư hoặc sổ tay hướng dẫn cụ thể hơn việc mua bán sản phẩm gỗ, sau đó bắt buộc các doanh nghiệp triển khai trong thực tiễn.
Mai Linh - Thu Giang