Một trong nhiều tiết mục đặc sắc của buổi Lễ
Trong tiết trời thu mát mẻ, nắng vàng rực rỡ, mới 6 giờ sáng, hàng vạn người dân địa phương và du khách thập phương đã đổ về Khu di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh (ở xã Xuân Lam, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa) để tham gia lễ hội.
Lễ hội Lam Kinh năm 2019, kỷ niệm 601 năm khởi nghĩa Lam Sơn và 586 năm ngày mất của Anh hùng dân tộc Lê Lợi được tổ chức với quy mô cấp tỉnh, diễn ra trong thời gian 3 ngày 19, 20, 21/9/2019, tức ngày 21, 22, 23/8 năm Kỷ Hợi. Trong khuôn khổ Lễ hội, phần lễ, được tổ chức trang nghiêm theo nghi thức cổ truyền của dân tộc gồm: Lễ khai đền, lễ khai mạc và lễ tạ với các màn biểu diễn đánh trống, rước cờ, rước kiệu, những nghi thức tế lễ được truyền lại từ thời Lê. Phần hội thực hiện theo kịch bản lễ hội của tỉnh, có chất lượng cao về nội dung và nghệ thuật, giảm thiểu sân khấu hóa, tăng cường các hoạt động nghệ thuật dân gian truyền thống. Năm nay, bên cạnh việc đưa Trò diễn Xuân Phả vào lễ hội, các hoạt động giao lưu thể dục thể thao của các địa phương trong huyện, trong tỉnh; Ban Tổ chức đã đưa thêm vào phần hội một số trò chơi, trò diễn dân gian của địa phương nhằm quảng bá đến du khách thập phương như: nhảy sạp, múa Pồn Pôông, trò đánh mảng...
Dòng người khắp mọi nơi về với Lễ hội
Lễ hội Lam Kinh năm 2019 sẽ diễn ra với các hoạt động chính tại Khu di tích lịch sử Lam Kinh và các địa điểm: Khu lăng mộ Lê Thái tổ, Đền thờ Lê Thái tổ, các Tòa miếu di tích lịch sử Lam Kinh; Đền thờ Trung Túc Vương Lê Lai, xã Kiên Thọ (Ngọc Lặc); Tượng đài Lê Lợi, Thái miếu Nhà Lê. Thông qua việc tổ chức Lễ hội nhằm tôn vinh công lao to lớn của anh hùng dân tộc Lê Lợi, các Vua Lê, các tướng sĩ và nhân dân có công lao đóng góp trong lịch sử dựng nước và giữ nước. Từ đó góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, yêu quê hương, lòng tự hào dân tộc trong các tầng lớp nhân dân.
Hàng vạn du khách về dự Lễ hội Lam Kinh năm 2019
“Phát huy hào khí Lam Sơn quật khởi, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa đã và đang phấn đấu vượt qua trở ngại, thách thức nắm bắt cơ hội, tận dụng thời cơ, quyết tâm xây dựng khối đại đoàn kết thống nhất, phát huy trí tuệ, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, lao động sáng tạo. Tập trung đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, áp dụng các thành tựu khoa học tiên tiến của cuộc cách mạng công nhiệp 4.0 tạo đột phát đưa Thanh Hóa trở thành tỉnh khá của cả nước vào năm 2020 và trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2030 như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII đã đề ra. Hào khí Lam Sơn sẽ là mạch nguồn thôi thúc, cổ vũ động viên Thanh Hóa bứt phá vươn lên trong hội nhập và phát triển, xứng đáng với truyền thống vùng đất địa linh nhân kiệt. Sự nghiệp của anh hùng giải phóng dân tộc Lê Lợi sống mãi trong lòng nhân dân, sống mãi với non sông đất nước chúng ta” (ông Phạm Duy Phương, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa, phát biểu tại Lễ khai mạc).
Hiền Minh