Hàng loạt ngân hàng bắt đầu giảm lãi suất huy động từ ngày 12/5

23:40 12/05/2023

Ngoài 4 ngân hàng vừa giảm lãi suất, các ngân hàng khác cũng đã giảm lãi suất huy động như Agribank, HDBank, Techcombank, OCB, CBBank, ...

Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) vừa công bố biểu lãi suất huy động mới áp dụng với khách hàng cá nhân, trong đó giảm ở nhiều kỳ hạn.

Đối với hình thức gửi tiết kiệm tại quầy, lãi suất kỳ hạn 3 tháng của ngân hàng này giảm từ 5,4% xuống còn 5,1%/năm; lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1-2 tháng giảm từ 4,9%/năm xuống 4,6%/năm.

Đối với hình thức gửi tiết kiệm trực tuyến, lãi suất kỳ hạn 12 tháng giảm 0,2% xuống 7,2%/năm; lãi suất kỳ hạn 1 - 3 tháng vẫn 5,5%/năm, kỳ hạn 6 - 9 tháng vẫn 6,5%/năm.

Cùng với Vietcombank, VPBank và TPBank cũng thông báo giảm lãi suất huy động.

Hàng loạt ngân hàng bắt đầu giảm lãi suất huy động từ ngày 12/5
Hàng loạt ngân hàng bắt đầu giảm lãi suất huy động từ ngày 12/5.

Biểu lãi suất niêm yết mới nhất áp dụng từ ngày 12/5 của VPBank cho các kỳ hạn trên 12 tháng giảm 0,2%/năm. Trong đó, lãi suất cao nhất áp dụng cho kỳ hạn 12-13 tháng chỉ còn 8%/năm, kỳ hạn từ 15 tháng đến 36 tháng giảm còn 7,2%/năm.

TPBank cũng giảm đến 0,2% lãi suất huy động tại các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên. Hiện mức lãi suất huy động cao nhất được nhà băng này áp dụng là 7,8%/năm, dành cho khách gửi tiền trực tuyến kỳ hạn 12 tháng.

Trước đó, một loạt nhà băng khác cũng đã giảm lãi suất huy động như Agribank, HDBank, Techcombank, OCB, CBBank, NamABank, KienlongBank…

Phát biểu tại Hội nghị Ngành ngân hàng góp phần tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh vùng Đông Nam bộ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng cho biết NHNN phải theo dõi sát sao, cân nhắc phối hợp các chính sách để đạt được mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô và tiền tệ.

“NHNN vừa phải giảm lãi suất, vừa phải mở rộng tín dụng, ổn định tỉ giá, ổn định an toàn của hệ thống ngân hàng và mục tiêu nào cũng quan trọng.

Do đó, NHNN phải quan sát rất sát tình hình thực tế, cân nhắc từng giải pháp chính sách, phối hợp giữa các chính sách như thế nào để đảm bảo mục tiêu như vậy và đóng góp vào việc kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô” - bà Hồng nhấn mạnh.

Bốn tháng đầu năm nay, thanh khoản tại các hệ thống tín dụng đã được cải thiện, tỉ giá tương đối ổn định, NHNN Việt Nam đã có 2 lần điều chỉnh giảm lãi suất điều hành. NHNN rất muốn giảm lãi suất điều hành, nhưng giảm đến mức nào và giảm như thế nào để phù hợp với kinh tế vĩ mô là điều quan trọng.

PV (t/h)