Tại phiên họp giải trình về việc quản lý, đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong các khu đô thị, khu nhà ở trên địa bàn thành phố Hà Nội, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, trong những năm qua, công tác quản lý, phát triển đô thị, nhất là việc đầu tư, xây dựng, phát triển các khu đô thị, khu nhà ở đồng bộ, hiện đại trên địa bàn thành phố luôn được Thành ủy, HĐND, UBND thành phố quan tâm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện.
Tuy nhiên, công tác quản lý, đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong các khu đô thị, khu nhà ở trên địa bàn thành phố vẫn còn nhiều bất cập, tồn tại, hạn chế dẫn tới nhiều dự án khu đô thị, khu nhà ở đã đưa vào khai thác, sử dụng trong thời gian dài nhưng chưa được đầu tư đồng bộ, hoàn chỉnh theo quy hoạch, theo chủ trương đầu tư được duyệt.
Cụ thể, nhiều dự án mặc dù đã được chỉ đạo, kiểm tra, giám sát nhưng việc khắc phục hiệu quả chưa cao, chậm chuyển biến; Công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực đầu tư xây dựng chưa được thực hiện đồng bộ, nghiêm túc và hiệu quả. Công tác giám sát đầu tư thiếu sâu sát, chưa chặt chẽ
Cùng đó, một số đồ án quy hoạch chi tiết khu đô thị, khu nhà ở được phê duyệt không phù hợp với hiện trạng, gây khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện. Một số quy hoạch dự án hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội chậm được điều chỉnh, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án.
Công tác giải phóng mặt bằng tại một số dự án còn nhiều khó khăn, vướng mắc, chưa được thực hiện quyết liệt, chậm được tháo gỡ; Nhiều chủ đầu tư dự án chưa đảm bảo về năng lực, cố tình chây ỳ, không thực hiện, dẫn đến các dự án hạ tầng xã hội chậm được triển khai hoặc không đủ điều kiện để triển khai. Có dự án chậm tiến độ nhiều năm, nhiều vi phạm nhưng chưa được thu hồi, xử lý theo đúng quy định.
Tại Kế hoạch số 258/KH-UBND của UBND TP Hà Nội triển khai Nghị quyết của HĐND thành phố về việc thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công là nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước có nội dung kiên quyết thu hồi, xử lý theo quy định diện tích nhà, đất không sử dụng, sử dụng không đúng quy định, sử dụng kém hiệu quả, nợ nghĩa vụ tài chính về nhà, đất kéo dài để tránh lãng phí….
Mục đích là hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách về quản lý, sử dụng nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước của thành phố, đáp ứng yêu cầu phát triển; phòng, chống thất thoát, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; xây dựng, cập nhật đầy đủ, khoa học cơ sở dữ liệu về tài sản công là nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước của thành phố; xử lý, khắc phục dứt điểm các tồn tại, hạn chế trong quản lý, sử dụng quỹ nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước.
Thành phố yêu cầu rà soát, ban hành, sửa đổi, bổ sung các quy định về quản lý, sử dụng nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước của thành phố theo thẩm quyền, bảo đảm quản lý đồng bộ, chặt chẽ, sử dụng hiệu quả, khắc phục tình trạng thiếu sót, bất cập hoặc chồng chéo trong phân công, phối hợp giữa các cơ quan quản lý. Trong đó, chú trọng đẩy mạnh và hoàn thiện cơ chế phân cấp, ủy quyền nhằm phân định rõ nhiệm vụ và quyền hạn của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, đề cao tinh thần trách nhiệm của từng cấp, ngành, người đứng đầu; tăng cường phối hợp giữa các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã và doanh nghiệp trong công tác quản lý tài sản công.
Cùng với đó là rà soát, thống kê tài sản công là nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước của thành phố làm cơ sở quản lý, sử dụng và khai thác hiệu quả; đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hồ sơ pháp lý về nhà, đất đối với các cơ sở nhà, đất; khẩn trương hoàn thành rà soát, lập và phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc phạm vi quản lý của thành phố.
Đáng chú ý, thành phố yêu cầu thu hồi để xử lý theo quy định các diện tích nhà, đất không sử dụng, sử dụng không đúng quy định, sử dụng kém hiệu quả, nợ nghĩa vụ tài chính về nhà, đất kéo dài và lập phương án sử dụng hiệu quả nhà, đất đã thu hồi; phân loại, xử lý dứt điểm các trường hợp vi phạm (nợ đọng tiền thuê, bị chiếm dụng hoặc tự bố trí cho thuê trái phép, vi phạm trật tự xây dựng, có tranh chấp, khiếu kiện về quyền sử dụng, sở hữu...).
P.V (t/h)