Hội doanh nghiệp huyện Gia Lâm được thành lập theo Quyết định số 3754 ngày 11/10/2022 của UBND thành phố Hà Nội. Kể từ khi ra đời cho đến nay, Hội Doanh nghiệp Gia Lâm đã trở thành cầu nối gắn kết, chia sẻ kinh nghiệm và hợp tác cùng phát triển cho các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội. Trải qua nhiều thử thách chông gai nhưng cũng đầy tự hào, Hội Doanh nghiệp Gia Lâm đã, đang và sẽ tiếp tục cùng chung tay xây dựng cộng đồng Doanh nhân lớn mạnh, đầy bản sắc và đóng góp vào sự phát triển giàu mạnh của đất nước.
Báo cáo tổng kết của Hội DN huyện Gia Lâm, cho biết: được thành phố Hà Nội giao là tổ chức đầu mối của cộng đồng doanh nghiệp huyện Gia Lâm. Hội DN huyện Gia Lâm hiện có 90 hội viên đang sinh hoạt tại 3 khu vực, KV1- Bắc Đuống (gồm các xã Ninh Hiệp, Yên Viên, Yên Thường, Hapro và khu vực lân cận; KV2 gồm các xã Bát Tràng, Kiêu Kỵ và khu vực lân cận; KV3 gồm các Phú Thị, Cổ Bi và khu vực lân cận. Ban Chấp hành Hội Hội DN huyện Gia Lâm có 19 đồng chí luôn là một tập thể đoàn kết, đồng thuận, nhiệt tình, trách nhiệm để xây dựng Hội ngày càng phát triển.
Có thể khẳng định, Hội DN huyện Gia Lâm đã không ngừng lớn mạnh, có những đóng góp tích cực vào việc thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của huyện; giải quyết việc làm cho người lao động và các vấn đề an sinh xã hội; thu hút hơn 90 hội viên, hầu hết các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả.
Hội DN huyện Gia Lâm đã trở thành “ngôi nhà chung” của cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn huyện và các vùng lân cận; làm tốt vai trò là cầu nối giữa doanh nghiệp với các cơ quan quản lý Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội; đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp thường xuyên trao đổi, hỗ trợ, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng; tổng hợp những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp để đề xuất các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết.
Hội DN huyện Gia Lâm đã thực hiện được các hoạt động hỗ trợ, kết nối và xúc tiến thương mại…; kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng, phát triển các chuỗi giá trị sản xuất, nâng cao uy tín, thương hiệu sản phẩm.
Điểm nhấn trong hoạt động là các chương trình “Đi thăm, kết nối, giao lưu các doanh nghiệp hội viên” tại 3 khu vực, qua hoạt động này đã tạo điều kiện cho các hội viên trao đổi kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh, kết nối giao thương và mở rộng giao lưu, hợp tác giữa các doanh nghiệp có cùng ngành nghề có nhu cầu liên kết.
Vị thế, vai trò của Hội trong cộng đồng doanh nghiệp, trong hội viên, trong lãnh đạo huyện và các cơ quan nhà nước tiếp tục được củng cố và nâng lên rõ rệt, thể hiện qua sự phát triển về quy mô tổ chức hội và kết nạp hội viên mới, sự đồng hành hỗ trợ của lãnh đạo các ban ngành, các xã; sự tin cậy hỗ trợ, tạo điều kiện của lãnh đạo UBND huyện và những nhiệm vụ giao cho Hội, cũng như sự đồng hành hỗ trợ đầy trách nhiệm của Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội.
Tuy nhiên, Hội DN huyện Gia Lâm có những khó khăn, hạn chế nhất định, do: Số lượng doanh nghiệp tham gia tổ chức Hội còn quá ít so với số lượng doanh nghiệp trong huyện. Một số thành viên trong Ban chấp hành chưa phát huy đầy đủ trách nhiệm trong tham mưu, đề xuất các ý tưởng về các hoạt động của Hội cũng như ở các nhiệm vụ được phân công. Các doanh nghiệp hội viên chưa thường xuyên chủ động phản ánh khó khăn, vướng mắc, những kiến nghị đề xuất những vấn đề liên quan đến doanh nghiệp cần được tháo gỡ, đổi mới, tạo điều kiện cho doanh nghiệp và kinh tế xã hội phát triển. Hoạt động Hội doanh nghiệp còn nhiều hạn chế, chưa tương xứng với mong muốn của cấp ủy, chính quyền địa phương và các doanh nghiệp trên địa bàn…
Năm 2024, Hội dự kiến tiếp tục tổ chức ủng hộ các hoạt động an sinh xã hội, vì người nghèo; tập huấn hỗ trợ doanh nghiệp hội viên về nghiệp vụ thuế, xây dựng, tài nguyên môi trường; giao lưu, tọa đàm giữa các doanh nhân; tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại… Hội sẽ thực hiện tốt vai trò người đại diện và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho hội viên, tiếp tục tập trung phát triển hội viên mới; tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ, phát triển phù hợp với quy hoạch và điều kiện kinh tế của huyện; thực hiện chuyển đổi số, áp dụng khoa học - công nghệ, kỹ thuật mới vào công tác quản lý, quản trị, điều hành sản xuất kinh doanh, dịch vụ, tham gia bảo vệ môi trường sinh thái; gắn phát triển kinh tế- xã hội với quốc phòng - an ninh và chấp hành nghiêm chính sách, pháp luật của Nhà nước, thích ứng với nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, xã hội số và chính phủ điện tử…
Hạnh Nguyên