Hà Nội: Dịch Covid-19 tái bùng phát, kịch bản xấu có 40% doanh nghiệp bị ảnh hưởng

10:30 20/07/2021

Dự báo thị trường lao động Hà Nội tiếp tục chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19 bùng phát trở lại trên địa bàn. Với kịch bản xấu nhất, số lao động mất việc làm hằng tháng dự kiến khoảng 7 – 8 nghìn người, số doanh nghiệp bị ảnh hưởng có thể lên đến 30- 40%...

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Báo cáo về tình hình thị trường lao động Hà Nội tháng 6 vừa qua của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho thấy, dịch Covid-19 bùng phát trở lại đã ảnh hưởng đến các hoạt động của doanh nghiệp trên địa bàn.

Bất chấp Covid, doanh nghiệp công nghiệp vẫn tăng tuyển dụng

Mặc dù vậy, trong tháng 6 nhu cầu tuyển dụng của một số doanh nghiệp thuộc lĩnh vực công nghiệp vẫn tương đối nhiều, tập trung ở các vị trí kỹ sư, kỹ thuật viên đòi hỏi trình độ chuyên môn kỹ thuật cao cùng với nhiều năm kinh nghiệm (chiếm 48,39%). Tiếp đến là vị trí nhân viên kinh doanh với mức lương từ 5 – 7 triệu đồng/tháng, chiếm 44,6%. Mức lương từ 7 – 9 triệu đồng/tháng và 9 – 11 triệu đồng/tháng lần lược chiếm 31,25% và 18,75%.

Bên cạnh đó, với các kế hoạch mở rộng phạm vi hoạt động và kinh doanh, các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực công nghệ đang nắm bắt xu thế của thị trường, từ đó đẩy mạnh chuyển đổi số mạnh mẽ, áp dụng công nghệ 4.0 nên nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực này vẫn duy trì ở mức cao.

Nhu cầu tập trung ở các vị trí yêu cầu chuyên môn cao, có tay nghề như: lập trình viên, chuyên viên điều tra an ninh, chuyên viên giải pháp công nghệ, với mức lương doanh nghiệp sẵn sàng trả cho người lao động trong lĩnh vực này chủ yếu từ 7 – 9 triệu đồng/tháng.

Với ngành dịch vụ, nhu cầu tuyển dụng trong tháng 6 vẫn khá ổn định và cao đối với các doanh nghiệp lớn thuộc lĩnh vực như: bán lẻ điện tử, điện lạnh, viễn thông, công nghệ thông tin hay bán lẻ hàng tiêu dùng tại một số siêu thị lớn. Tuy vậy, đối với một số doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực khác như bán lẻ vàng bạc, đá quý hay sách, báo, văn phòng phẩm lại có tuyển dụng ít. Mức lương nhóm này chủ yếu từ 5 – 7 triệu đồng/tháng.

Ảnh hưởng của dịch Covid-19 cũng khiến số người đăng ký hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp tại Hà Nội trong tháng 6/2021 tăng 998 người so với tháng 5, tương ứng tăng 13%. Đã có 7.572 người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp.  

3 kịch bản thị trường lao động

Theo lãnh đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, trước tình hình dịch Covid-19 bùng phát trở lại với các ca mắc tăng cao sẽ là thách thức cho quá trình phục hồi tăng trưởng trong những tháng tiếp theo của thành phố. Vì vậy, sự ổn định hay biến động của thị trường lao động trên địa bàn sẽ phụ thuộc vào thành công trong kiểm soát dịch bệnh.

Người lao động tham gia phiên giao dịch việc làm tại Hà Nội. Ảnh - Thu Hiền.

Người lao động tham gia phiên giao dịch việc làm tại Hà Nội. Ảnh - Thu Hiền.

Cụ thể, với kịch bản 1 là dịch bệnh được khống chế, kiểm soát hoàn toàn, không có sự lây lan, bùng phát thêm ca nhiễm mới trong cộng đồng. Một số ngành, lĩnh vực chịu ảnh hưởng lớn nhất do dịch bệnh như: vận tải, du lịch, sẽ dần phục hồi.

Thị trường lao động ấm dần lên, nhu cầu tuyển dụng có những chuyển biến tích cực, đặc biệt ở ngành công nghệ thông tin, thương mại điện tử, sẽ giúp hạn chế tình trạng lao động bị ngừng việc, mất việc. Dự kiến số lao động mất việc làm hàng tháng sẽ khoảng 3 – 4 nghìn lao động, số doanh nghiệp bị ảnh hưởng từ 12 – 15%.

Ở kịch bản 2 là nguy cơ rủi ro bùng phát dịch bệnh, xuất hiện các ca F0 mới nhưng vẫn trong tầm kiểm soát, nhanh chóng khoanh vùng và cách ly kịp thời. Như vậy, tốc độ phục hồi của nền kinh tế tiếp tục bị ảnh hưởng và sẽ phục hồi chậm hơn so với kịch bản 1.

Dự báo số lao động tiếp tục bị ảnh hưởng bởi dịch là các lao động thuộc các ngành như: công nghiệp chế biến, chế tạo, bán buôn bán lẻ, vận tải, du lịch. Dự kiến số lao động mất việc làm hàng tháng sẽ khoảng 5 – 6 nghìn người, số doanh nghiệp bị ảnh hưởng là 20 – 25%.

Với kịch bản xấu là Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng trong những tháng tiếp theo của năm 2021 không kiểm soát được dịch bệnh, số ca mắc ngày càng tăng, đặc biệt xuất hiện các ca mắc tại khu công nghiệp, khu chế xuất.

Khi các biện pháp giãn cách và cách ly xã hội bắt buộc phải thực hiện, nhiều hoạt động sản xuất kinh doanh tạm dừng sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phục hồi của nền kinh tế. Các ngành kinh tế tiếp tục bị tác động mạnh, một số ngành tiếp tục bị ảnh hưởng lớn như: thương mại – dịch vụ; bán lẻ; vận tải; nhà hàng – khách sạn; dịch vụ lưu trú và ăn uống.

Dự báo thị trường lao động sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề, nhiều nhóm lao động sẽ rơi vào tình trạng mất việc làm, giảm giờ làm, giảm thu nhập… đặc biệt là nhóm lao động yếu thế như: lao động di cư, lao động khu vực phi chính thức… Tình trạng thất nghiệp sẽ gia tăng, số lao động mất việc làm hằng tháng tăng cao, dự kiến khoảng 7 – 8 nghìn người, số doanh nghiệp bị ảnh hưởng có thể lên đến 30 - 40%.

Trong bối cảnh đó, đại diện Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết, cơ quan này sẽ tiếp tục chuẩn bị sẵn sàng các biện pháp để ứng phó với các tình huống dịch bệnh. Đồng thời, tăng cường rà soát, thu thập thông tin, cập nhật tình trạng việc làm của người lao động và nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp.

Từ đó, nắm bắt biến động lao động, đưa ra dự báo kịp thời về tình hình lao động việc làm trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch bệnh, làm cơ sở xây dựng phương án kết nối cung cầu phù hợp.

Phúc Minh