Chỉ số thương mại điện tử Việt Nam được tổng hợp từ ba chỉ số thành phần: Nguồn nhân lực và hạ tầng công nghệ thông tin; giao dịch thương mại điện tử giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng và giao dịch thương mại điện tử giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp.
Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục dẫn đầu xếp hạng chỉ số thương mại điện tử Việt Nam 2023 với 89,2 điểm. Đứng thứ hai là Hà Nội với 85,7 điểm. Đứng thứ ba là Đà Nẵng với 39,5 điểm, cách rất xa so với Hà Nội. Đắk Nông và Kon Tum là hai tỉnh ở vị trí cuối bảng xếp hạng với lần lượt là 10,6 và 10,2 điểm.
Sự phát triển của thương mại điện tử không chỉ mang lại tác động tích cực đối với nền kinh tế số nói chung, mà còn thúc đẩy tốc độ phát triển của nền kinh tế số tại các tỉnh thành trong cả nước, đặc biệt tại các đô thị lớn như Hà Nội và TP.HCM.
Theo Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), chỉ số thương mại điện tử đã có sự chênh lệch lớn giữa hai thành phố này so với các địa phương còn lại. Sự khác biệt này được đo lường dựa trên ba chỉ số thành phần: Hạ tầng và nguồn nhân lực, Giao dịch giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng (B2C), Giao dịch giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B). Có thể thấy, việc tập trung gia tăng ba chỉ số thành phần sẽ là nhân tố thúc đẩy kinh tế số phát triển đồng đều giữa các địa phương, góp phần mang đến sự phát triển nhanh và bền vững cho nền kinh tế số Việt Nam nói chung.
Theo báo cáo, điểm trung bình của chỉ số thương mại điện tử Việt Nam năm nay là 19,24 điểm (không thay đổi nhiều so với 20,37 điểm của năm 2022). Kết quả này cũng cho thấy vẫn còn khoảng cách rất lớn giữa hai đầu cầu kinh tế là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh, thành phố còn lại.
Theo Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, sự thay đổi phương pháp tính toán và xếp hạng về chỉ số thương mại điện tử Việt Nam từ năm 2020 nhằm phản ánh chân thực hơn hiện trạng cũng như tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử giữa các địa phương.
Ngoài ra, các chỉ số thành phần được bổ sung từ nhiều nguồn số liệu uy tín có tính chất định lượng và chính xác.
PV