Văn minh – kỷ cương – sẻ chia đang trở thành “kim chỉ nam” trong chiến lược phát triển bền vững của nhiều doanh nghiệp tại TP. Huế. Bằng cách đưa các giá trị văn hóa vào vận hành, quản trị và xây dựng quan hệ lao động, nhiều doanh nghiệp đang từng bước tạo dựng môi trường làm việc lành mạnh, gắn bó và nhân văn.
Nơi làm việc là không gian của sự kết nối
Tại Công ty TNHH MSV (Khu công nghiệp Phú Bài), một ngày làm việc không đơn thuần là chuỗi giờ vận hành máy móc, mà là quá trình vun đắp tinh thần đoàn kết giữa công nhân và ban lãnh đạo. Xưởng sản xuất được duy trì sạch sẽ, gọn gàng; nhà ăn được trang bị hệ thống làm mát hiện đại, thức ăn đảm bảo vệ sinh và đa dạng theo lựa chọn của người lao động (NLĐ).
Mọi quy trình đều hướng đến tiêu chuẩn hóa và lấy con người làm trung tâm. “Ở đây, chúng tôi không chỉ làm việc mà còn được học hỏi, phát triển qua các buổi tọa đàm pháp luật, sinh hoạt chuyên đề, rèn luyện kỹ năng mềm…”, chị Lê Thị Diệu, công nhân chuyền may 5 chia sẻ. Không khí làm việc bởi vậy nghiêm túc nhưng không gò bó, luôn có sự lắng nghe và động viên.
Theo ông Lê Quý Hoàng - Chủ tịch Công đoàn Công ty MSV, văn hóa doanh nghiệp được định hình từ những điều tưởng chừng nhỏ nhặt: giữ gìn vệ sinh nơi làm việc, đúng giờ, cư xử lịch thiệp giữa cán bộ quản lý và công nhân. “Sự kỷ luật đi kèm tinh thần sẻ chia đã trở thành nếp nghĩ, nếp làm”, ông Hoàng nói.
![]() |
Một góc Khu công nghiệp Phú Bài (TP. Huế) |
Không khí thân thiện, đề cao sự tôn trọng cũng là điểm sáng tại Công ty Scavi Huế. Ông Nguyễn Ngọc Quang - Chủ tịch Công đoàn công ty - cho biết, doanh nghiệp luôn duy trì văn hóa đối thoại thay vì mệnh lệnh, đồng thời khuyến khích NLĐ chia sẻ quan điểm, kiến nghị từ vị trí của mình. “Chúng tôi xem đó là cách hiệu quả nhất để giữ chân người lao động và gia tăng hiệu quả sản xuất”, ông Quang nhấn mạnh.
Ngoài giờ làm việc, Scavi Huế còn khuyến khích NLĐ tham gia các câu lạc bộ thể thao, đội văn nghệ, tạo nên các sân chơi kết nối nội bộ. Những hoạt động bóng đá, văn nghệ giữa các tổ, các xưởng đã trở thành thông lệ, góp phần làm giàu bản sắc doanh nghiệp.
Từ nhận thức đến hành động
Theo bà Trần Thị Minh Nguyệt - Phó Chủ tịch Thường trực Liên đoàn Lao động TP. Huế, một doanh nghiệp được đánh giá đạt chuẩn văn hóa không chỉ dựa vào việc tuân thủ pháp luật, mà còn ở cách họ chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho NLĐ, minh bạch trong trả lương, sẵn sàng tiếp nhận phản hồi từ cơ sở.
Tuy nhiên, theo ông Hoàng Trọng Lam - Trưởng ban Chính sách pháp luật và Lao động, Liên đoàn Lao động TP. Huế, không ít doanh nghiệp vẫn xem nhẹ vai trò của văn hóa trong sản xuất – kinh doanh, ông cho rằng “Khi lãnh đạo chưa nhận thức đầy đủ về giá trị lâu dài mà văn hóa mang lại, họ dễ coi đó là chi phí hơn là đầu tư”. Chính vì vậy, Liên đoàn Lao động thành phố đang triển khai nhiều chương trình tập huấn, truyền thông tại các khu, cụm công nghiệp nhằm nâng cao nhận thức và lan tỏa tinh thần xây dựng doanh nghiệp văn hóa.