Hà Nam ban hành kế hoạch chuyển đổi số năm 2025 Công bố nghị quyết thành lập thị xã Kim Bảng, tỉnh Hà Nam |
![]() |
Các đại biểu thực hiện nghi thức động thổ Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ song hành Vành đai 5, Vùng thủ đô Hà Nội (giai đoạn 1). |
Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ song hành đường Vành đai 5 - Vùng thủ đô Hà Nội (giai đoạn 1) được UBND tỉnh Hà Nam phê duyệt đầu tư tại Quyết định số 875/QĐ-UBND ngày 01/7/2024 với điểm đầu tại nút giao kết nối vào Quốc lộ 21B (phía bờ hữu sông Nhuệ) thuộc địa phận phường Tân Hiệp, thành phố Phủ Lý, điểm cuối tại nút giao với đường nối hai cao tốc thuộc địa phận xã Bình Nghĩa, huyện Bình Lục.
Tuyến đường có tổng chiều dài 8,372km, quy mô đường cấp 3 đồng bằng; xây dựng mới 3 cầu gồm cầu Tiên Tân, cầu vượt qua kênh thủy lợi và cầu Tiên Phong; đầu tư xây dựng các nút giao bằng với Quốc lộ 1, đường sắt Bắc-Nam...; tổ chức giao thông bằng đảo xuyến, vạch sơn kết hợp đèn tín hiệu giao thông; hệ thống thoát nước, trồng cây xanh, điện chiếu sáng, phù hợp với kết cấu hạ tầng và cảnh quan. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2024-2027.
Tuyến đường được đầu tư hoàn thiện sẽ hình thành trục động lực Đông-Tây của tỉnh, kết nối liên thông hạ tầng khung dọc hai bên tuyến đường Vành đai 5 và các vùng lân cận thông qua hệ thống giao thông địa phương, góp phần từng bước hình thành tuyến đường song hành Vành đai 5. Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy thu hút đầu tư phát triển kinh tế-xã hội của địa phương; tạo tiền đề hoàn thiện mạng lưới giao thông theo quy hoạch của tỉnh, đặc biệt là kết nối thông suốt giữa các vùng huyện, thành phố, thị xã một cách thuận lợi, chống ùn tắc, giảm chi phí vận chuyển, đảm bảo vệ sinh môi trường.
![]() |
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam Trần Xuân Dưỡng phát biểu tại buổi lễ. |
Phát biểu tại sự kiện, ông Trần Xuân Dưỡng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam nhấn mạnh, việc thực hiện đầu tư xây dựng tuyến đường song hành đường Vành đai 5-Vùng thủ đô đoạn từ nút giao kết nối với Quốc lộ 21B đến nút giao với nút giao đường nối hai cao tốc tại xã Bình Nghĩa, huyện Bình Lục là hết sức quan trọng, góp phần tăng cường năng lực giao thông, đáp ứng nhu cầu vận tải, thông thương trong khu vực, đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của của tỉnh Hà Nam nói riêng và các tỉnh trong vùng kinh tế Bắc Bộ nói chung.
Phó Chủ tịch Trần Xuân Dưỡng đề nghị chủ đầu tư, các nhà thầu triển khai dự án đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng công trình. UBND các huyện, thành phố có dự án đi qua tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tháo gỡ kịp thời những khó khăn vướng mắc, khẩn trương thực hiện giải phóng mặt bằng, tái định cư; đặc biệt là công tác di chuyển mồ mả nhỏ lẻ về nghĩa trang tập trung theo quy hoạch, phục vụ thi công dự án đảm bảo tiến độ; đẩy mạnh công tác vận động, tuyên truyền các hộ dân có đất bị thu hồi phối hợp, tạo sự đồng thuận cao với việc triển khai thực hiện dự án, đảm bảo quyền lợi chính đáng của các hộ dân bị ảnh hưởng theo đúng quy định pháp luật.
Các sở, ngành chuyên môn của tỉnh tiếp tục nâng cao vai trò quản lý Nhà nước, chủ động kiểm tra, hướng dẫn, phối hợp với chủ đầu tư, nhà thầu thi công, nhà thầu tư vấn giám sát triển khai thực hiện dự án; hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để các đơn vị triển khai dự án đúng tiến độ, chất lượng kỹ thuật được phê duyệt, sớm hoàn thành đưa công trình vào khai thác, sử dụng có hiệu quả.
Dự án do liên danh 7 nhà thầu là Binh đoàn 12 (Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn), Công ty TNHH Hà Phương; Công ty Cổ phần Đường sắt Hà Ninh; Công ty Cổ phần Đường sắt Hà Thái; Công ty Cổ phần Tập đoàn Thành Huy; Công ty Cổ phần Tập đoàn xây dựng Miền Trung; Công ty Cổ phần Xây dựng và thương mại dịch vụ 555.