Gương nhà giáo tâm huyết với công tác bồi dưỡng học sinh giỏi. Bài 1: Chăm đội tuyển như chăm con mọn

23:47 15/03/2023

Cảm xúc trân trọng, ngưỡng mộ về những tấm gương nhà giáo tận tâm, tận lực với nghề đã thôi thúc chúng tôi tìm đến để trò chuyện cùng họ. Có thể nói, đằng sau vinh quang của các thế hệ học trò luôn là sự đóng góp thầm lặng của những nhà giáo ưu tú.

Những con ong chăm chỉ

Như Xuân là huyện miền núi cao của tỉnh Thanh Hóa, sự lam lũ in hằn lên đôi tay chai sạn của các em học sinh. Có khi gần đến ngày thi nhưng các bạn ấy bỏ học đi làm là chuyện bình thường. Đôi khi các thầy cô cũng thấy tủi thân khi ôn thi cho các em đạt giải nhưng phụ huynh cũng không biết mặt cô giáo là ai. Lại có những người là giáo viên hợp đồng lương chẳng đủ sống nhưng sau những buổi dạy chính các thầy cô lại tranh thủ ở lại trường vài tiếng đồng hồ ôn cho đội tuyển của mình.

Cô giáo Phạm Phương Hiếu, trường THCS Bãi Trành, huyện Như Xuân (thứ 2 từ trái sang) trong Lễ tuyên dương, khen thưởng...
Cô giáo Phạm Phương Hiếu, trường THCS Bãi Trành, huyện Như Xuân (thứ 2 từ phải sang) trong Lễ tuyên dương, khen thưởng...

Khó khăn là vậy nhưng các thầy cô miền núi chưa bao giờ hết yêu nghề và yêu học sinh của mình. Yêu trò như con, những tháng ngày học tập quên trưa, quên tối đã giúp thầy trò trường THCS Bãi Trành, huyện Như Xuân (Thanh Hóa) hái mùa quả ngọt. Kỳ thi học sinh giỏi huyện vừa qua, trường THCS Bãi Trành xuất sắc xếp thứ 3/19 trường trong huyện.

Làm nên thành công của ngôi trường là bởi một tập thể sư phạm đoàn kết, trong đó có những thầy cô như cô Phạm Phương Hiếu, giáo viên Ngữ văn. Không được giao nhiệm vụ thì thôi nhưng đã được nhà trường phân công dạy đội tuyển là cô say mê. Làm việc bằng cả trái tim, sự nhiệt huyết cũng như trách nhiệm của mình. Đặc biệt, cô Hiếu luôn định hướng cho các em không chỉ học giỏi mà còn phải rèn luyện phẩm chất đạo đức, kĩ năng sống tốt. 

Cô có dáng người xinh đẹp và nụ cười luôn nở trên môi mỗi khi đến lớp. Bà con lối xóm, đồng nghiệp, học sinh đều khâm phục cô bởi lòng nhiệt tình, say mê nghề nghiệp, sự tận tình trong công tác giảng dạy. Cô Hiếu tâm sự: “Cứ lọ mọ sửa lỗi chính tả, chữ dùng chưa được hay, câu văn bình chưa ổn, viết rồi gạch,... Không kể đầu hôm sớm mai lúc nào cũng muốn chăm chút cho đội tuyển của mình như nuôi con mọn ấy”.

Với cô giáo Nguyễn Thị Thu, trường THCS Lê Đình Kiên, huyện Yên Định (Thanh Hóa) thì quá trình chọn đội tuyển học sinh giỏi môn Ngữ văn là quá trình “Đãi cát tìm vàng”. Bởi thực tế học sinh bây giờ đang “quay lưng” lại với văn học, các em có tố chất đều chọn học những môn “thời thượng”. Do đó cô giáo dạy văn rất vất vả trong việc chọn học sinh vào đội tuyển.

Cô Thu chia sẻ: “Bằng nghệ thuật sư phạm, tôi sẽ gieo vào lòng học sinh những điều để các em cảm thấy khi học chuyên văn, giỏi môn văn sẽ có ích như thế nào trong cuộc sống. Trong khi dạy nếu phát hiện bạn nào có tố chất tôi sẽ nuôi dưỡng ước mơ cho các bạn ấy bằng những câu chuyện nhỏ, kể những câu chuyện của các anh chị khóa trước. Khi đó, mình sẽ chọn được đồng minh là những em học sinh yêu văn cùng mình”.

“Đặc biệt, đến kỳ thi tôi luôn tạo cho học sinh tâm lý thoải mái. Tôi thường nói với các em: Cô trò mình sẽ cố gắng hết sức, còn kết quả được đến đâu cô cũng ghi nhận tinh thần, ý chí của các em. Nếu đạt kết quả cao thì càng tốt, còn nếu không thì chúng ta vẫn vui, vẫn hãnh diện vì đó là sự nỗ lực lớn của bản thân”.

Kết quả trong kỳ thi học sinh giỏi tỉnh Thanh Hóa năm học 2022-2023 vừa diễn ra, cô Thu có 7 giải tỉnh môn văn và xếp thứ 3 toàn tỉnh.

Ảnh minh họa
Cô giáo Nguyễn Thị Thu, trường THCS Lê Đình Kiên, huyện Yên Định: "Hạnh phúc vỡ òa khi học trò bày tỏ lòng yêu mến, biết ơn cô qua những bài tri ân đầy ý nghĩa".

“Thời gian ôn thi thầy giáo hiệu trưởng cứ gọi chúng tôi là những con ong chăm chỉ. Kết thúc kỳ thi cả cô và trò đều cảm thấy hẫng hụt. Cô nhớ trò, trò viết thư yêu cô giáo. Bởi các em đến trường Lê Đình Kiên ôn thi có nhiều em là học sinh các trường xã, rất xa trung tâm nên phải ở lại trường. Vì vậy, cô trò có nhiều kỷ niệm. Tôi nhớ nhất những buổi tối học trên phòng thư viện của nhà trường, đó là khoảng thời gian tình cảm cô - trò gắn bó, yêu thương nhất. Đúng là nghề dạy học không gì hạnh phúc và tự hào bằng việc học sinh đã mang phần thưởng cũng như tình yêu đến cho mình. Rất nhiều học trò đã bày tỏ lòng yêu mến, biết ơn cô qua những bài tri ân đầy ý nghĩa”- Cô Thu xúc động.

Yêu nghề và luôn tự hào với môn dạy của mình

Trò chuyện cùng chúng tôi, cô giáo Lê Thị Dung, giáo viên Ngữ văn, trường THCS Nhữ Bá Sỹ, huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa) cho biết: “Mình đến với học trò bằng tình yêu nghề, sự nhiệt huyết và trái tim thì học trò sẽ đón nhận và làm theo dẫn đến thành công chứ không có gì là to lớn cả. Còn kiến thức của các thầy cô như nhau thôi, ai cũng giỏi và có những thế mạnh riêng nhưng có lẽ điều làm nên thành công trong nhiều năm qua là mình rất yêu nghề và luôn tự hào với môn dạy của mình”.

Về dạy trường Nhữ Bá Sỹ 6 năm, cô giáo Lê Thị Dung được nhà trường phân công đứng đội tuyển tỉnh 3 năm. Ngay năm đầu tiên ôn thi, đội tuyển của cô đã đứng thứ nhất tỉnh với 3 giải nhất (toàn tỉnh có 4 giải nhất), 10 em đi thi thì 9 em có giải. Năm thứ 2, đội tuyển ôn gần đến ngày thi thì phải dừng do dịch Covid-19. Cô Dung tiếp tục ôn luyện và có 1 em đậu chuyên Lam Sơn (hiện em ấy đang nằm trong đội tuyển Quốc gia). Đến năm nay cô Lê Thị Dung được giao đứng đội tuyển và kết quả học sinh của cô tiếp tục đứng nhất tỉnh với 10 em đi thi 10 em có giải.

Cô Dung cho biết, có được thành quả như vậy chủ yếu là sự hi sinh. Tất cả các thầy cô giáo về trường Nhữ Bá Sỹ làm lãnh đạo hay dạy học đều hi sinh rất nhiều về thời gian, công sức, tạo thành một khối thống nhất, đoàn kết, quyết tâm. Có thể nói không bao giờ đo, đong đếm được những điều mà thầy cô bỏ ra.

“Bản thân giáo viên, học sinh, phụ huynh có sự gắn kết chặt chẽ. Trước khi thi chừng hơn 2 tháng tôi xin phép phụ huyenh đưa các em về nhà mình ở lại cả ngày lẫn đêm, chăm sóc như con cái trong nhà và hầu như các em ấy đều có giải cao. Thậm chí các em ở gần cũng muốn đến nhưng mình chỉ cho 6,7 em ở lại. Mình cảm nhận rõ các trò ở xã về đây học là các em rất hạnh phúc và có nhiều kỷ niệm với thầy cô, bạn bè dưới mái trường Nhữ Bá Sỹ. Được xếp thứ nhất toàn tỉnh, các em cảm thấy mình đã làm được điều gì đó có ích cho bản thân và cho trường của các em.”

Cô giáo Lê Thị Dung, giáo viên Ngữ văn trường THCS Nhữ Bá Sỹ, huyện Hoằng Hóa nhiều năm có học  sinh xếp thứ nhất toàn tỉnh
Cô giáo Lê Thị Dung, giáo viên Ngữ văn, trường THCS Nhữ Bá Sỹ, huyện Hoằng Hóa nhiều năm có học sinh xếp thứ nhất toàn tỉnh.

Với cô Dung, dạy văn phải có sự sáng tạo. Bởi năm nay khác năm trước, lớp học sinh này khác lớp học sinh khác. Nếu cứ dạy theo kiểu thuyết trình học sinh sẽ không thích nghe. Mỗi một bài mới đến với học sinh phải có những cái mới. Mỗi một năm học mới thầy cô lại phải tự làm mới mình. Không thể bê y nguyên giáo án năm trước cho năm sau. Bởi Ngữ văn là môn xã hội, ngoài phần văn học trong nhà trường còn có phần nghị luận xã hội và phần này nó đổi thay ngày một. Rồi mỗi lớp học sinh sẽ có đặc điểm riêng, mình sẽ theo đặc điểm riêng để có phương pháp dạy phù hợp.

Ví dụ, khi dạy bài thơ Viếng lăng Bác (Ngữ văn lớp 9), tùy theo đối tượng học sinh cô Dung lại có những phương pháp riêng để giảng bình.

“Riêng năm nay mình đang dạy lớp có nhiều em học sinh giỏi mình lại không chọn phương pháp cho các em ghi chép nhiều mà hướng tới nắm những ý chính (vì các em thông minh ngại ghi). Mình chọn phương pháp xây dựng sơ đồ tư duy ngay trong quá trình dạy (chứ không phải ở phần tổng kết bài học). Mỗi một khổ thơ là một sơ đồ. Những học sinh thông minh nhìn sơ đồ trên bảng đã hiểu sâu bài học”.

Phương pháp dạy học này giống như cố nhà văn Phùng Văn Tửu khi thầy dạy môn văn học phương Tây. Nhìn trên bảng không khác gì một tiết hình học nhưng học sinh lại nắm bài rất chắc và yêu thích bài giảng. Nghĩa là dạy văn nhưng không nhất thiết mình phải cho các em viết nhiều. Học sinh chủ yếu là nghe, tư duy chứ không phải viết lại lời bình của cô giáo.

“Mình có được thành công như vậy là được sự quan tâm, động viên rất lớn. Mình nhấn mạnh từ “rất lớn” từ lãnh đạo huyện, các phòng ban. Các đồng chí lãnh đạo trong nhà trường qua các thời kỳ”. (Cô Dung nhấn mạnh).

Có thể nói, với lòng tận tâm trong sự nghiệp, luôn say mê, tìm tòi, đổi mới, sáng tạo, không chấp nhận lối mòn trong công việc, cô giáo Lê Thị Dung thực sự đã tìm được con đường đi riêng cho bản thân, không những luôn làm mới mình mà cô còn có sức lan tỏa tới các đồng nghiệp, tới phụ huynh và tới các em học sinh. 

Minh Hiền