Google bị tố độc quyền tại Mỹ

19:07 08/07/2021

36 tiểu bang của Mỹ cáo buộc Google độc quyền trên Android và kho ứng dụng Google Play, Wilson White, Giám đốc cấp cao mảng chính sách công của Google đã có những đáp trả trước những vấn đề cáo buộc trên.

Đơn kiện được Tổng chưởng lý 36 bang và thủ đô Washington D.C của Mỹ đệ trình lên Tòa án Liên bang California hôm 7/7 vừa qua với cáo buộc ông lớn Google đã có hành vi độc quyền đối với hệ điều hành Android cũng như kho phần mềm Play Store của hãng này.

Wilson White, Giám đốc cấp cao mảng chính sách công của Google đáp lại vấn đề này trong một bài viết vào ngày 7/7 rằng vụ kiện “có nhiều ngôn ngữ gây phản cảm", bỏ qua việc Android và Google Play mang lại lợi ích cho người tiêu dùng.

36 tiểu bang của Mỹ cáo buộc Google độc quyền trên Android và kho ứng dụng Google Play
36 tiểu bang của Mỹ cáo buộc Google độc quyền trên Android và kho ứng dụng Google Play.

Theo cáo buộc, các nhà phát triển phần mềm phải bỏ ra một khoản phí hoa hồng lên đến 30% doanh thu để mua và đăng ký trên kho ứng dụng của Google. Mức phí này sẽ giảm xuống còn 15% sau khi các nhà phát triển đạt doanh số 1 triệu USD đầu tiên. Thay vì tìm kiếm sự đồng thuận từ các nhà phát triển, Google được cho đã sử dụng những "thủ đoạn chống cạnh tranh" để ép các nhà phát triển chia hoa hồng theo ý mình.

“Để thu và duy trì khoản hoa hồng này, Google đã sử dụng các chiến thuật chống cạnh tranh để tăng lợi thế trong việc phân phối ứng dụng Android”, trích đơn kiện của 36 tiểu bang.

Google không chỉ nhắm mục tiêu các cửa hàng ứng dụng có khả năng cạnh tranh mà còn đảm bảo rằng bản thân các nhà phát triển ứng dụng không có lựa chọn hợp lý nào khác ngoài việc phân phối ứng dụng của họ thông qua Google Play.

Trước đó, vào năm 2018, Ủy viên châu Âu phụ trách cạnh tranh Margrethe Vestager đã công bố số tiền phạt 4,3 tỷ euro (gần 5 tỷ USD) đối với Google vì các vi phạm cạnh tranh của tập đoàn công nghệ này. Cơ quan quản lý cạnh tranh thuộc EU kết luận Google đã lạm dụng vị thế của hệ điều hành Android dành cho điện thoại thông minh để tăng lượng sử dụng hệ thống tìm kiếm Google Search và trình duyệt web Google Chrome.

Cụ thể, Google đã ép các nhà sản xuất điện thoại thông minh hàng đầu thế giới như Samsung (Hàn Quốc) và Huawei (Trung Quốc) phải cài đặt trước 2 dịch vụ trên. Các công ty này cũng buộc phải đặt Google Search là công cụ tìm kiếm mặc định mới được cấp bản quyền sử dụng một số ứng dụng khác của Google.

PV(TH)