41% doanh nghiệp không còn tài sản thế chấp đủ pháp lý để vay vốn
Khảo sát của Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố Hồ Chí Minh (HUBA) mới đây cho thấy, mặc dù ngân hàng có nhiều vốn cho vay nhưng doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) vẫn không thể tiếp cận được do không bảo đảm yêu cầu về thế chấp tài sản hoặc không đủ điều kiện vay.
Khảo sát của HUBA cho thấy, có tới 41% doanh nghiệp không còn tài sản thế chấp đủ pháp lý để vay vốn. Trong khi đó, việc định giá tài sản đất nông nghiệp rất thấp. Tài sản đất thuê hàng năm cũng không thế chấp được. Các tài sản khác bị định giá xuống khi lạm phát gia tăng.
Theo HUBA, với tình hình khó khăn như hiện nay, doanh nghiệp không vay vì không có hợp đồng hoặc doanh nghiệp vay vốn không chỉ cho nhu cầu đầu tư mới mà còn là để thanh toán các khoản vay cũ đã đến hạn.
Nhận định về khó khăn trong khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp, ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch HĐQT FiinGroup cho biết: “Khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam hiện nay đấy là minh bạch thông tin, đặc biệt là chất lượng báo cáo tài chính. Đối với DNNVV thì việc tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng thì khá là khó mặc dù các ngân hàng thương mại đang dịch chuyển và có thể cho vay dựa trên tín nhiệm chứ không chỉ dựa trên tài sản mặt bằng. Tuy nhiên, thực tế trên các DNNVV ở Việt Nam thì phần lớn các doanh nghiệp mới thành lập có tuổi đời dưới 5 rất phổ biến (chiếm > 40%) thế nên soi vào tiêu chí thẩm định tín dụng và chấm điểm tín dụng thì chưa được thuận lợi. Đặc biệt là việc minh bạch thông tin về tài chính và chất lượng của báo cáo tài chính, sự thống nhất giữa báo cáo tài chính kê khai thuế với báo cáo tài chính kiểm toán hoặc báo cáo gửi cho ngân hàng thì hiện tại về sự chênh lệch còn rất lớn. Chính điều này đã gây bất lợi cho doanh nghiệp Việt Nam, việc này không chỉ phục vụ cho việc tiếp cận vốn của ngân hàng thương mại mà còn ảnh hưởng tới dịch vụ xuất nhập khẩu bởi vì trong hoạt động xuất nhập khẩu thì các đối tác nước ngoài họ sẽ chấm điểm doanh nghiệp Việt Nam. Điểm chấm càng thấp thì chi phí và mức lợi nhuận cho doanh nghiệp Việt Nam càng gặp nhiều bất lợi”.
Trong khi đó, ông Trần Văn Hiển – Phó trưởng Ban Đào tạo VINASME cho rằng, những khó khăn cụ thể của DNNVV khi tiếp cận nguồn vốn tín dụng bao gồm: Không có tài sản đảm bảo; có tài sản đảm bảo nhưng giá trị tài sản thấp, tỷ lệ được vay trên giá trị tài sản đảm bảo thấp; vay tín chấp rất khó để tiếp cận; cho vay dựa trên dòng tiền và chu kỳ vốn lưu động cũng không khả thi; dự án có tính khả thi thấp; báo cáo tài chính thiếu tin cậy; chưa có kế hoạch kinh doanh và tự báo tài chính 3-4 năm.
Hiện tại các doanh nghiệp nhỏ và vừa đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn và đó cũng là một trong những nguyên nhân đưa đến tăng trưởng tín dụng trong 2 tháng đầu năm của 2024 là "âm".
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tăng trưởng tín dụng của hệ thống tổ chức tín dụng đến giữa tháng 2-2024 vẫn giảm 1% so với cuối năm ngoái, cho thấy khả năng hấp thụ vốn và nhu cầu vốn của nền kinh tế chưa cao.
Giải pháp nào để tăng khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn cho doanh nghiệp
Tại phiên họp thường kỳ Chính phủ mới đây, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà lý giải tín dụng tăng trưởng chậm dù thanh khoản rất dồi dào là do yếu tố mùa vụ hoạt động tín dụng giảm và hoạt động vay vốn cũng không được tăng trưởng như quý IV năm trước.
"Thanh khoản của hệ thống đang rất dồi dào và phía ngân hàng cũng sẵn sàng nguồn vốn cho nền kinh tế. Tuy nhiên, cần có sự phối hợp chính sách của các cơ quan một cách đồng bộ hơn. Cần nâng cao hiệu quả hoạt động của các quỹ như quỹ bảo hiểm tín dụng cho DNNVV, quỹ phát triển DNNVV, để tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng của các doanh nghiệp này" - Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà nói.
Để tăng khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn cho doanh nghiệp, ông Nguyễn Trí Hiếu - người Việt đầu tiên thành lập ngân hàng tại Mỹ và cũng là một trong những chuyên gia có nhiều ý kiến đóng góp tích cực cho việc phát triển ngành tài chính, ngân hàng Việt Nam đã đề ra 3 giải pháp chính:
Thứ nhất, các doanh nghiệp nhỏ và vừa cần phải có một sự cải tiến trong kế hoạch kinh doanh và đặc biệt là những báo cáo tài chính nên được chuẩn bị, được soạn thảo bởi văn phòng kế toán thì độ tin cậy sẽ cao hơn chứ không phải là một bài báo cáo thuế. Hoặc, có thể dùng báo cáo kiểm toán của các công ty kiểm toán thì đạt được độ tin cậy gần như là tuyệt đối.
Bên cạnh đó thì một trong những vấn đề được phía ngân hàng xem xét độ tín nhiệm cao là một kế hoạch kinh doanh, một phương án kinh doanh của doanh nghiệp cho 1-3 năm và đó là một trong những thiếu sót của doanh nghiệp Việt Nam. Tức là, họ chỉ đưa đến một cái ý niệm rằng là năm sau chúng tôi sẽ tăng trưởng, tăng lợi nhuận, tăng số lượng khách hàng… nhưng tăng bao nhiêu trên cơ sở nào hoặc dự báo trên nền kinh tế vĩ mô về lãi suất, về tăng trưởng kinh tế, về lạm phát thì các doanh nghiệp chưa làm rõ được.
Cùng với những vấn đề trên thì các doanh nghiệp cần sự hỗ trợ của các ngân hàng, đặc biệt là “quỹ bảo lãnh tín dụng”. Đây là quỹ bão bảo lãnh cho các ngân hàng để các ngân hàng cho các DNNVV vay, đó là điều cần phải làm cấp thiết ngay trong năm nay. Chúng ta đã có Nghị định 34 về “quỹ bảo lãnh tín dụng địa phương” nhưng cần phải sửa đổi và không những thế chúng ta còn cần một “quỹ bảo lãnh tín dụng Trung ương” đặt tại Hà Nội và vốn điều lệ của quỹ bảo lãnh tín dụng Trung ương không chỉ 100 tỷ như quỹ bảo lãnh tín dụng địa phương theo Nghị định 34 mà cần có vốn điều lệ lên đến 10.000 tỷ để có thể bảo lãnh cho tất cả các doanh nghiệp trên địa bàn cả nước.
Ngoài ra, theo ông Nguyễn Quang Thuân, để có thể dễ dàng tiếp cận vốn của ngân hàng thương mại, các lãnh đạo doanh nghiệp nhỏ và vừa nên tập trung không chỉ về mặt chuyên môn, sản phẩm dịch vụ quản lý tốt mà còn lưu ý về khâu minh bạch thông tin và chất lượng báo cáo tài chính cũng như nâng thang điểm tín nhiệm hoặc tín dụng.
Về phía ngân hàng, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) Hoàng Mai - bà Nguyễn Thị Bích Hạnh chia sẻ: “Việc tiếp cận thành công nguồn vốn của Ngân hàng, đặc biệt là ngân hàng quốc doanh thể hiện được uy tín của doanh nghiệp. Để tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng, trước hết là phải cần có năng lực pháp lý, mức độ tín nhiệm, năng lực hoạt động và tài sản đảm bảo. Về phía các ngân hàng thương mại, các ngân hàng nên thiết kế các sản phẩm đặc thù đối với DNNVV, xây dựng phương thức thẩm định phù hợp với DNNVV. Bên cạnh đó, cần tăng cường cung cấp các dịch vụ như tư vấn, đào tạo, thông tin hỗ trợ cho đối tượng khách hàng là DNNVV. Khi cả hai phía cùng chủ động về thông tin, kết nối, sẽ dễ dàng gặp gỡ và tiếp cận nhau hơn”.
Bảo Bảo