Giới trẻ Hàn Quốc: Kẻ “săn tiền” hay người “sống sót” của nền kinh tế Gig

22:24 14/08/2021

Trước đây, những em bé sinh ra tại Hàn Quốc được giáo dục tập trung toàn bộ năng lượng vào một lĩnh thực cụ thể, nơi chúng có thể trở nên xuất sắc và vượt trội hơn người. Khi lớn lên, đây sẽ là lực lượng tiếp tục trau dồi kỹ năng để trở thành người giỏi nhất và có được công việc trọn đời. Tuy nhiên, không giống thế hệ cha mẹ, Millennials và thế hệ Z hay còn gọi “MZ” có xu hướng đảm nhận nhiều công việc để tìm ra lĩnh vực phù hợp nhất.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa. (Ảnh: Bae So-young) 

Đảm nhận nhiều công việc khiến người trẻ không chỉ tập trung vào một nghề. Sống trong nền kinh tế Gig, trong đó mọi người thường làm việc bán thời gian hoặc tạm thời, còn các công ty có xu hướng thuê những người làm việc độc lập và tự do thay vì nhân viên toàn thời gian, giới lao động biết quá rõ về tình trạng mất an toàn trên thị trường việc làm, vì vậy, họ cố gắng chuẩn bị cho tương lai bằng cách đa dạng hóa các nguồn thu nhập. Sự nổi lên của thế hệ trẻ làm nhiều công việc khác nhau đã tạo ra thuật ngữ “N-Jobber”, dùng để chỉ một người làm “N” số công việc.

Freelancer Merry Seo, tên thật là Seo Eu-ra, là một trong những N-jobbers này. Cô hiện làm sáu công việc, gồm tác giả viết sách, một nhà tự xuất bản, dịch giả, họa sĩ vẽ minh họa, giảng viên và là người sáng tạo nội dung với kênh YouTube riêng có 76.000 người đăng ký. Seo chia sẻ với The Korea Times: “Lý do chính khiến tôi có sáu công việc khác nhau là vì tôi muốn làm nhiều hơn một thứ. Trước đây mọi người được khuyên nên làm chuyên một việc nhưng ngày nay, với sự mở rộng của các nền tảng khác nhau và khả năng tiếp cận thông tin nhiều hơn, chúng ta không nhất thiết chỉ làm một thứ”.

Theo một cuộc khảo sát vào tháng trước bởi cổng thông tin việc làm địa phương Albamon, trong số 1.324 nhân viên toàn thời gian hiện tại, 22,3% nói rằng họ có một công việc phụ hoặc tham gia nhiều công việc; 68,9% những người nói rằng họ quan tâm đến hoặc tìm kiếm một công việc bổ sung. Về lý do đằng sau lựa chọn của họ để đảm nhận một công việc phụ hoặc nhiều công việc, gần một nửa số người trong độ tuổi 20 và 30 trả lời rằng muốn “thử các loại công việc khác nhau”.

Seo giải thích rằng, lợi thế lớn nhất của việc làm nhiều nghề là có thể khám phá các lựa chọn khác nhau để tìm ra khả năng của mình và công việc phù hợp nhất với mình. Cô nói: “Có những điều trong cuộc sống mà chúng ta sẽ không bao giờ có thể tìm ra trừ khi trực tiếp thử chúng. Mặc dù ban đầu không chắc chắn nhưng tôi đã phát hiện ra tài năng của mình trong một số lĩnh vực nhất định khi thực sự trải nghiệm”.

Suh Yong-gu, Giáo sư quản lý tại Đại học Nữ sinh Sookmyung, lưu ý rằng tính cách cá nhân hóa công việc, thân thiện với kỹ thuật số của các thành viên thuộc thế hệ MZ đã thúc đẩy xu hướng làm việc phụ hoặc nhiều công việc. Ông cho biết: “Thế hệ MZ có những đặc điểm khác biệt: Họ ít trung thành hơn với công ty hoặc tổ chức, thay vào đó họ có lòng trung thành cao hơn đối với bản thân”. Vị giáo sư giải thích thêm rằng, tình hình kinh tế biến động, tăng trưởng thấp của Hàn Quốc với tỷ lệ lạm phát ngày càng tăng và giá nhà đất tăng chóng mặt, đã làm tăng mức độ lo lắng của thế hệ trẻ.

“Thế hệ MZ được hiểu là có một tương lai không ổn định. Ví dụ, họ không thể mua nhà ngay cả khi họ tiết kiệm được 100% thu nhập trong nhiều năm làm việc tại một công ty. Vì vậy, họ không muốn chỉ làm một công việc, bởi vì họ biết rằng nó sẽ không hiệu quả... Họ là thế hệ trải qua thời thơ ấu trong thời kỳ kinh tế phát triển nhanh chóng của Hàn Quốc, có nghĩa là họ có những tiêu chuẩn và kỳ vọng cao về lối sống, cũng như có xu hướng quan tâm đến hàng hóa cao cấp như các thương hiệu xa xỉ. Nhưng những hàng hóa này ngày càng trở nên đắt đỏ hơn”, ông phân tích.

Do đó, để có thể vừa giảm bớt lo lắng kinh tế vừa thỏa mong muốn của bản thân, thế hệ trẻ đang tìm cách đa dạng hóa danh mục công việc, đa dạng hóa rủi ro và thu được lợi nhuận cao hơn từ sức lao động. Theo Giáo sư Suh Yong-gu: “Giới trẻ đang khám phá các công việc khác nhau, tương tự như cách các tập đoàn đa dạng hóa danh mục đầu tư kinh doanh để tăng cơ hội thành công, bởi vì họ không biết công việc nào sẽ đạt được mục tiêu”.

Với dân số thế hệ MZ tìm kiếm nhiều công việc bán thời gian ngày càng tăng, nhiều nền tảng và dịch vụ hợp đồng ngắn hạn ra đời. Ứng dụng giao đồ ăn phổ biến, Baedal Minjok, đã ra mắt dịch vụ Baemin Connect vào năm 2019, cho phép mọi người làm nhân viên giao hàng bán thời gian bằng cách sử dụng các phương tiện giao thông tùy chọn như ô tô, xe đạp, xe điện hoặc đi bộ. Dịch vụ hiện có khoảng 50.000 người đăng ký làm nhân viên giao hàng, gấp 5 lần so với thời điểm trước đại dịch chỉ có 10.000 người vào tháng 12 năm 2019.

Gã khổng lồ bán lẻ Eland đã hợp tác với Công ty công nghệ Kakao bắt đầu nền tảng thương mại điện tử Qual Qual và đã chạy dịch vụ beta từ tháng 2 trước khi ra mắt chính thức. Nền tảng này cho phép người dùng gửi liên kết của một sản phẩm cho bạn bè thông qua ứng dụng nhắn tin của Kakao và thu phần trăm doanh thu nếu có người mua sản phẩm.

Ngoài ra, Kakao đã ra mắt một nền tảng khác là Kakao View trên ứng dụng nhắn tin vào đầu tháng này. Nền tảng cung cấp một trang bao gồm các liên kết đến nhiều nội dung khác nhau, từ tin tức và bài đăng trên blog đến nhạc và video. Seo lưu ý rằng việc tiếp cận dễ dàng hơn với các nguồn thu nhập khác nhau đã góp phần vào sự phát triển của xu hướng này: “Có nhiều công việc đã trở nên dễ dàng hơn nhiều so với trước đây. Việc tìm kiếm thông qua internet hoặc bắt đầu kinh doanh với chi phí cơ bản hoặc ít chi phíthông qua nhiều nền tảng khác nhau, bao gồm cả mạng xã hội phổ biến hơn”.

Giáo sư Suh nói thêm ông tin rằng xu hướng này có thể sẽ ảnh hưởng đến thị trường lao động như một mô hình mới và điều quan trọng là phải đặt ra một số tiêu chuẩn để cân bằng giữa việc làm hợp đồng và việc làm chính một cách hiệu quả.

TL