Hàng hóa được xếp tại cảng ở Hong Kong, Trung Quốc. Ảnh: EPA-EFE/TTXVN
Với việc kiên quyết đưa ra một gói thuế nhập khẩu mới nhằm vào hàng nghìn sản phẩm từ Trung Quốc, Tổng thống Mỹ Donald Trump tỏ ra sẵn sàng theo đuổi các chính sách cứng rắn với bất kỳ giá nào. Điều đáng nói là chiến lược mang tính "hiếu thắng" của ông vẫn đang có xu hướng tiếp tục mở rộng cả về phạm vi đối tượng và qui mô lĩnh vực chịu tác động. Tuy nhiên, giới phân tích cảnh báo chiến tranh thương mại có thể khốc liệt hơn nhiều so với một cuộc chiến quân sự.
Trong vài ngày qua, thị trường chứng khoán thế giới đã có những dấu hiệu phục hồi khi những nhà phân tích kỳ cựu đến từ các hãng tư vấn uy tín như JP Morgan hay CFRA đều nhận định rằng những lời lẽ đe dọa của ông Trump vốn chỉ là các "tiểu xảo" trong đàm phán. Nhưng quyết định cuối cùng ngày 10/7 vừa qua cho phép chính quyền Mỹ lên danh sách các sản phẩm nhập từ Trung Quốc với trị giá khoảng 200 tỷ USD bị áp mức thuế 10% sớm nhất là vào tháng 9 tới đã "thổi bay" những suy luận mang tính ôn hòa kể trên và một lần nữa đẩy thị trường chứng khoán toàn cầu vào cảnh bấp bênh trong ngày giao dịch 11/7.
Biện pháp bổ sung được đưa ra sau khi Mỹ đã quyết áp mức thuế 25% với gói hàng hóa trị giá 34 tỷ USD nhập khẩu hàng năm từ Trung Quốc trong khi một gói danh mục nhập khẩu khác từ Trung Quốc trị giá 16 tỷ USD cũng đang được cân nhắc tăng thuế. Cùng với đó là quyết định áp mức thuế nhập khẩu nhôm 10% và thép 25% với tất cả các quốc gia trên toàn thế giới và lời đe dọa áp mức thuế nhập khẩu ô tô mới, chủ yếu nhằm vào Đức.
Phản ứng với những biện pháp cứng rắn của Mỹ, các đối tác chịu tác động như Trung Quốc, Mexico, Canada và Liên minh châu Âu (EU) đều đã có những biện pháp đáp trả riêng. Nhà phân tích kinh tế của Đại học Oxford Adam Slater ước tính thị phần thương mại toàn cầu phải chịu mức thuế mới từ các biện pháp đáp trả lẫn nhau giữa Mỹ và các đối tác sẽ tăng lên 5%. Và điều này được cho là sẽ tạo ra nguy cơ nghiêm trọng đe dọa nền kinh tế toàn cầu bởi nó ảnh hưởng mạnh tới tâm lý đầu tư, tình hình tăng trưởng tại Mỹ và khiến tình trạng thất nghiệp gia tăng.
Tuy nhiên, cho tới lúc này, khi nền kinh tế vẫn đang tăng trưởng ở mức 4% trong quí II và tỉ lệ thất nghiệp duy trì ở mức thấp nhất trong một thế hệ cùng với đó lợi nhuận doanh nghiệp tăng nhờ các biện pháp cắt giảm thuế của chính phủ, Tổng thống Trump dường như vẫn rất thoải mái và bỏ ngoài tai mọi lo ngại kể trên.
Trái ngược với sự "bình thản" này của ông Trump, nhà kinh tế Adam Posen, Viện trưởng Viện Kinh tế quốc tế Peterson, cảnh báo chính quyền Washington đang "dấn thân" vào một cuộc chiến đa phương mà không có một công cụ rõ ràng để đảm bảo phần thắng. Theo chuyên gia từng làm việc trong Ban hoạch định chính sách tiền tệ của Ngân hàng Trung ương Anh, các cuộc chiến tranh thương mại này có thể gây tổn thất nặng nề cho kẻ gây chiến hơn cả một cuộc chiến quân sự bởi những hậu quả của "các đòn tấn công" là khôn lường và khó kiểm soát hơn một cuộc chiến quân sự. Nhà kinh tế lão luyện khẳng định không có kịch bản nào cho thấy việc các đối tác thương mại làm tổn thương lẫn nhau có thể cho ra một kết quả tốt đẹp.
Trong một diễn biến liên quan, phóng viên TTXVN tại châu Phi dẫn lời ông Alexdander Chikwanda (A-lếch-xan-đơ Chích-oan-đa), cựu Bộ trưởng Thương mại của Zambia, cho biết các biện pháp bảo hộ thương mại của Tổng thống Trump sẽ gây tổn hại cho kinh tế toàn cầu cũng như tác động tiêu cực đến Mỹ. Ông Chikwanda cho rằng quyết định của Tổng thống Trump về việc áp dụng mức thuế cao đối với hàng nhập khẩu nước ngoài cũng sẽ làm suy yếu kinh tế của các nước kém phát triển nhất. Chính quyền Mỹ cần nhận thấy rằng các biện pháp áp thuế mới không chỉ khiến các đối tác trực tiếp bị nhắm tới mà cả cộng đồng toàn cẩu bất bình. Ông này cũng nhận định các biện pháp bảo hộ thương mại sẽ gây tổn hại đến kinh tế toàn cầu cũng như kinh tế Mỹ trong tương lai không xa khi các quốc gia sẽ có các biện pháp đáp trả. Về căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, ông Chikwanda cho rằng hai bên cần thương lượng để tìm kiếm một giải pháp cùng có lợi.
TTXVN