Gian lận xuất xứ hàng hóa - mối lo lớn đối với doanh nghiệp Việt

14:40 20/04/2021

Việc gian lận, giả mạo xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa không đúng quy định, chuyển tải bất hợp pháp hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, đã và đang ảnh hưởng lớn tới hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp làm ăn chân chính, dễ bị áp dụng biện pháp trừng phạt, mất đi thương hiệu Việt Nam.

Các hành vi gian lận, giả mạo xuất xứ, lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng hóa của Việt Nam liên tục gia tăng, với nhiều hình thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi với 2 nhóm hành vi: (1) Nhóm hành vi gian lận, giả mạo xuất xứ Việt Nam để tiêu thụ trong nước; (2) Nhóm hành vi gian lận, giả mạo xuất xứ Việt Nam, chuyển tải bất hợp pháp để xuất khẩu.

Phân tích rõ hơn về gian lận xuất xứ, Tổng Giám đốc Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai, ông Võ Trường Sơn, cho biết, hàng hóa của các nước lân cận không có lợi thế về mặt thuế suất có thể mượn xuất xứ của Việt Nam để xuất khẩu.

Khi đó, Việt Nam sẽ bị đánh giá gia tăng lượng xuất khẩu, thậm chí xuất siêu và từ đó, các nước khác sẽ gây khó khăn trong chính sách nhập khẩu các hàng hóa từ Việt Nam.

Bên cạnh đó, ông Sơn cho rằng khi để “lỗ hổng” mượn xuất xứ hàng hóa xảy ra, hàng Việt sẽ bị hiểu lầm, thậm chí nếu có liên quan tới các vấn đề về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm..., do đó uy tín hàng Việt trên thế giới sẽ giảm đi rất nhiều.

Theo ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt May Việt Nam, chiến tranh thương mại Mỹ-Trung đem đến nhiều cơ hội cạnh tranh hơn cho hàng Việt, song cũng có thể là nguyên nhân chính cho việc hàng hóa nước khác tìm cách chuyển sản phẩm hoặc bán thành phẩm sang Việt Nam để hoàn tất, xuất khẩu nhằm hưởng lợi. Nếu trong trường hợp, hàng dệt may Việt Nam xuất khẩu vào Hoa Kỳ tăng mạnh, mặt hàng này có thể bị áp thuế cao.

Mới đây, Tổng cục Hải quan đã “lật tẩy” được một thủ đoạn gian lận mới, lần đầu tiên được phát hiện ở Việt Nam. Đó là hành vi doanh nghiệp giả mạo được thẩm quyền cấp chứng nhận xuất xứ để thực hiện cấp C/O cho hàng hóa không đủ tiêu chuẩn "xuất xứ Việt Nam". Cụ thể, Công ty Cổ phần Giám định Đại Minh Việt không có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận C/O nhưng đã lợi dụng danh nghĩa là hội viên của VCCI để thực hiện cho nhiều doanh nghiệp. Điều tra cho thấy, tổng số 33 doanh nghiệp mà công ty trên cấp C/O đều là những doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa, linh kiện từ ngước ngoài về gia công, lắp ráp, không đủ tiêu chuẩn "xuất xứ Việt Nam".

Bộ Công Thương cho biết, trong quá trình kiểm tra, các đơn vị đã phát hiện một số hành vi sai phạm như tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung C/O, điển hình như mặt hàng đồ gỗ xuất khẩu sang Hàn Quốc; hay làm giả C/O, điển hình là mặt hàng túi nhựa PP xuất khẩu sang Hàn Quốc. 

"Điều đáng nói, đa số mặt hàng có nguy cơ bị gian lận xuất xứ cao đều là hàng xuất khẩu chủ lực, mũi nhọn của nước ta. Hơn nữa, thị trường xuất khẩu mà các hành vi gian lận xuất xứ nhằm vào là những thị trường lớn, là đối tác tiềm năng của nước ta như Mỹ, châu Âu, Hàn Quốc...", ông Trần Thanh Hải - Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cho biết.

Theo Tổng cục Hải quan, các nhóm mặt hàng xuất khẩu có nguy cơ cao về gian lận, giả mạo xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp bị giải mạo xuất xứ bao gồm nhóm mặt hàng gỗ và các sản phẩm từ gỗ, trong đó trọng tâm là mặt hàng: gỗ dán từ nguyên liệu gỗ cứng, tủ gỗ, ghế sofa có khung gỗ; nhóm thiết bị: thiết bị thể thao; thiết bị nội thất; nhóm mặt hàng thép: khớp nối bằng thép, bánh xe thép, thép tiền chế, ống đồng; nhóm mặt hàng điện tử... Với hai hình thức gian lận xuất xứ hàng hóa phổ biến là giả mạo xuất xứ hàng hóa Việt Nam, ghi nhãn hàng hóa tại nước ngoài trước khi nhập khẩu về Việt Nam để tiêu thụ và giả mạo xuất xứ hàng hóa Việt Nam, chuyển tải bất hợp pháp để xuất khẩu. Lực lượng hải quan phát hiện rất nhiều hàng hóa nhập khẩu đã ghi sẵn dòng chữ “Made in Vietnam” hoặc nhập khẩu về rồi thay thế bằng “Made in Vietnam”, hay bổ sung nhãn phụ…Các đối tượng cũng dùng đủ mọi thủ đoạn để hợp thức hóa hồ sơ nhằm xin cấp giấy chứng nhận xuất xứ để lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại của các nước. 

Ngoài sản phẩm tôn mạ xuất khẩu và thép cán nguội xuất khẩu từ Việt Nam, nhiều mặt hàng có nguy cơ bị các quốc gia nhập khẩu áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp do nghi ngờ về xuất xứ. Ảnh minh hoạ
Ngoài sản phẩm tôn mạ xuất khẩu và thép cán nguội xuất khẩu từ Việt Nam, nhiều mặt hàng có nguy cơ bị các quốc gia nhập khẩu áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp do nghi ngờ về xuất xứ. Ảnh minh hoạ. 

Để kiểm soát tình trạng gian lận, các bộ, ngành sẽ tiếp tục rà soát, sửa đổi văn bản pháp luật liên quan theo hướng tăng mức xử phạt đối với các hành vi liên quan đến gian lận xuất xứ, giả mạo nhãn hàng hóa nhằm tăng tính răn đe; tăng cường kiểm tra chặt chẽ hồ sơ đề nghị cấp C/O cho hàng hóa xuất khẩu; tăng cường công tác phối hợp kiểm tra, hậu kiểm đối với các mặt hàng xuất khẩu đòi hỏi tiêu chí xuất xứ chặt (xuất xứ thuần túy) hoặc các mặt hàng nằm trong danh sách đang bị điều tra, áp thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp của các nước trên thế giới.

Lâm Nghi