Trong bối cảnh chuyển đổi số mạnh mẽ và yêu cầu minh bạch hóa các giao dịch kinh tế, Chi cục Thuế Khu vực I (thuộc Cục Thuế TP. Hà Nội, quản lý địa bàn Hà Nội và tỉnh Hòa Bình) đã có văn bản chỉ đạo toàn diện nhằm tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn và kiểm soát việc lập hóa đơn điện tử (HĐĐT) của các tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn.
![]() |
Tập trung giám sát, rà soát trọng điểm việc lập hóa đơn bán hàng hóa từ 2024 |
Động thái này được đưa ra trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp còn chưa tuân thủ nghiêm túc quy định về lập hóa đơn, đặc biệt là việc ghi thiếu hoặc sai các nội dung bắt buộc. Chi cục Thuế nhấn mạnh, việc không ghi đầy đủ thông tin, đặc biệt là mã số thuế (MST) của người mua là cơ sở kinh doanh có mã số thuế vào hóa đơn là hành vi vi phạm pháp luật về hóa đơn và sẽ bị xử phạt hành chính.
Theo chỉ đạo, các phòng Quản lý và hỗ trợ doanh nghiệp cùng các đội thuế địa bàn được yêu cầu tổ chức hướng dẫn cụ thể, hỗ trợ người nộp thuế thực hiện đúng quy định về lập và sử dụng hóa đơn điện tử. Đồng thời, công tác giám sát thường xuyên và chủ động cũng được triển khai, nhằm kịp thời phát hiện sai phạm trong quá trình phát hành hóa đơn.
Đáng chú ý, Chi cục Thuế Khu vực I yêu cầu các trưởng phòng, đội trưởng đội thuế truyền đạt trách nhiệm rõ ràng đến từng cán bộ công chức thuế, không chỉ dừng lại ở công tác tuyên truyền mà còn phải thực hiện kiểm tra, giám sát thực tế việc lập hóa đơn của từng người nộp thuế trong phạm vi quản lý.
Chiến lược kiểm tra được định hướng rõ ràng: Tập trung rà soát hóa đơn đầu ra từ năm 2024 trở đi của các doanh nghiệp hoạt động trong các ngành nghề có tính rủi ro cao về thuế và hóa đơn, bao gồm: vật liệu xây dựng, phân bón, thức ăn chăn nuôi, gas và chất đốt, hàng tiêu dùng, bê tông thương phẩm, dược phẩm, vàng bạc, thiết bị nội thất và sản phẩm chăn nuôi.
Cơ quan thuế sẽ sử dụng công cụ kỹ thuật để kết xuất dữ liệu hóa đơn điện tử đầu ra, từ đó rà soát các dấu hiệu rủi ro như: Lập hóa đơn sai hình thức, thiếu nội dung bắt buộc, hoặc gửi hóa đơn cho người mua là cơ sở kinh doanh nhưng không ghi mã số thuế.
Trên cơ sở dữ liệu hóa đơn đã kết xuất có dấu hiệu bất thường, các phòng, đội thuế sẽ xây dựng kế hoạch kiểm tra cụ thể. Quá trình kiểm tra được thực hiện theo trình tự rõ ràng: Gửi thông báo đến người nộp thuế, yêu cầu giải trình, bổ sung tài liệu và thông tin liên quan. Trường hợp doanh nghiệp giải trình hợp lý, chứng minh được việc lập hóa đơn đúng quy định thì sẽ được cơ quan thuế ghi nhận, đồng thời yêu cầu cam kết tuân thủ nghiêm các quy định trong tương lai.
Nếu không giải trình được, cơ quan thuế sẽ tiến hành xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật về hóa đơn. Với các trường hợp có dấu hiệu rủi ro cao, Chi cục Thuế có thể đề xuất kiểm tra trực tiếp tại trụ sở doanh nghiệp để xác minh, làm rõ hành vi vi phạm.
Chi cục Thuế Khu vực I khẳng định, việc chấn chỉnh công tác lập hóa đơn là một phần trong nỗ lực xây dựng môi trường kinh doanh minh bạch, lành mạnh, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển bền vững. Cơ quan thuế không chỉ hướng đến mục tiêu thu ngân sách mà còn đồng hành cùng doanh nghiệp trong thực thi pháp luật một cách đúng đắn và hiệu quả.
Qua đó, Chi cục Thuế cũng khuyến nghị các doanh nghiệp, tổ chức và hộ kinh doanh chủ động rà soát quy trình lập hóa đơn, đảm bảo mọi hóa đơn được phát hành đều ghi đủ thông tin bắt buộc, đặc biệt là mã số thuế của người mua trong các giao dịch B2B (doanh nghiệp với doanh nghiệp).