Giải pháp xanh cho nền kinh tế tuần hoàn và quản lý chất thải: Kinh nghiệm Bắc Âu và đề xuất chính sách đối với Việt Nam

16:53 23/03/2023

Theo Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam Nicolai Prytz: "Với truyền thống lâu đời trong việc chung tay tìm kiếm giải pháp cho những thách thức chung, các nước Bắc Âu tự hào được chia sẻ kinh nghiệm và kiến ​​thức của chúng tôi với Việt Nam".

Tọa đàm
Tọa đàm "Giải pháp xanh cho nền kinh tế tuần hoàn và quản lý chất thải" ngày 22/03/2023.

Nhân kỷ niệm Ngày Bắc Âu 2023, Đại sứ quán các nước Bắc Âu tại Việt Nam (Đan Mạch, Phần Lan, Na Uy và Thụy Điển) đã phối hợp với Đại học Fulbright Việt Nam tổ chức một buổi tọa đàm tại TPHCM để cùng chia sẻ kinh nghiệm về các giải pháp xanh cho nền kinh tế tuần hoàn và quản lý chất thải cũng như những khuyến nghị về chính sách cho Việt Nam. Sự kiện nhằm mục đích cung cấp cái nhìn toàn cảnh về các chính sách, sáng kiến ​​và các giải pháp sáng tạo của các nước Bắc Âu trong quá trình chuyển đổi xanh, có thể phù hợp và áp dụng được ở Việt Nam trong việc loại bỏ chất thải và giảm thiểu ô nhiễm, tuần hoàn sản phẩm và tái tạo thiên nhiên.

Đây là lần thứ năm tọa đàm được tổ chức, với sự tham gia của đại diện các cơ quan trung ương và địa phương, các phòng thương mại, các lãnh đạo doanh nghiệp và công ty khởi nghiệp, các nhà hoạt động xã hội dân sự, các nhà nghiên cứu, nhà đổi mới và thanh niên.

Đây là lần thứ năm tọa đàm được tổ chức, với sự tham gia của đại diện các cơ quan trung ương và địa phương, các phòng thương mại, các lãnh đạo doanh nghiệp và công ty khởi nghiệp, các nhà hoạt động xã hội dân sự, các nhà nghiên cứu, nhà đổi mới và thanh niên.
Tham gia của đại diện các cơ quan trung ương và địa phương, các phòng thương mại, các lãnh đạo doanh nghiệp và công ty khởi nghiệp, các nhà hoạt động xã hội dân sự, các nhà nghiên cứu, nhà đổi mới và thanh niên.

Sự kiện lần này sẽ tập trung vào cách mà khu vực Bắc Âu, được biết đến với những cam kết mạnh mẽ đối với môi trường và tính tuần hoàn, đang dẫn đầu trong quá trình đổi mới sáng tạo xanh. Tọa đàm cũng tạo điều kiện để các tổ chức và công ty Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực này học hỏi từ mô hình Bắc Âu, thúc đẩy tăng trưởng và đóng góp cho Chương trình nghị sự 2030, Thỏa thuận Paris cũng như đạt được sự phục hồi xanh và toàn diện sau đại dịch Covid-19.

Theo Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam Nicolai Prytz: "Với truyền thống lâu đời trong việc chung tay tìm kiếm giải pháp cho những thách thức chung, các nước Bắc Âu tự hào được chia sẻ kinh nghiệm và kiến ​​thức của chúng tôi với Việt Nam. Chúng tôi tin rằng việc chia sẻ kinh nghiệm và thực tiễn tốt với các đối tác là yếu tố then chốt để thúc đẩy phát triển bền vững."

Nhấn mạnh về vai trò của khu vực tư nhân trong thúc đẩy các giải pháp sáng tạo xanh, Đại sứ Na Uy tại Việt Nam, bà Hilde Solbakken cho biết: "Ở khu vực Bắc Âu, chúng tôi đã thấy rõ các giải pháp sáng tạo của khu vực tư nhân có thể dẫn đến những cải thiện đáng kể trong quy trình quản lý chất thải và giảm thiểu ô nhiễm nhựa. Chúng tôi tin rằng khi chính phủ có các quy định và cơ chế khuyến khích phù hợp, chúng ta có thể giải phóng tiềm năng của khu vực tư nhân để thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh."

Ông Nguyễn Xuân Thành, Giảng viên Cao cấp (Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright) bày tỏ sự hào hứng về buổi tọa đàm, cho biết: "Khu vực Bắc Âu đóng vai trò đi đầu trong việc chuyển hướng sang nền kinh tế tuần hoàn bền vững hơn. Chúng tôi hy vọng rằng thông qua việc chia sẻ các giải pháp của Bắc Âu về kinh tế xanh và quản lý chất thải, các doanh nghiệp, cơ quan chính phủ và cộng đồng địa phương Việt Nam sẽ được truyền cảm hứng để cùng hành động vì một tương lai bền vững hơn."

Khu vực Bắc Âu đã triển khai nhiều chính sách và sáng kiến ​​để thúc đẩy phát triển bền vững. Đan Mạch đã thực hiện chiến lược chuyển đổi xanh, tập trung vào việc giảm 70% lượng phát thải khí nhà kính vào năm 2030 so với mức của năm 1990 và tiến tới mức phát thải ròng bằng 0 vào muộn nhất là năm 2050. Phần Lan là quốc gia đầu tiên trên thế giới xây dựng Lộ trình Quốc gia tiến tới Nền Kinh tế Tuần hoàn (2016–2025) nhằm mục đích giảm phát sinh chất thải và thúc đẩy việc tái sử dụng nguyên vật liệu. Na Uy hiện đang khởi động Sáng kiến ​​Công nghiệp Xanh để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi, tạo việc làm, tăng xuất khẩu và cắt giảm phát thải khí nhà kính. Trong khi đó, Thụy Điển đã đặt ra các mục tiêu đầy tham vọng về tính bền vững, bao gồm cả việc không sử dụng nhiên liệu hóa thạch và sử dụng 100% năng lượng tái tạo vào năm 2045.

Việt Nam đặt ra các mục tiêu khí hậu đầy tham vọng. Tại Hội nghị Thượng đỉnh về khí hậu COP26 ở Glasgow tháng 11 năm 2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã cam kết Việt Nam đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Cam kết này cũng đã được tái khẳng định trong cập nhật Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) của Việt Nam tại COP27 2022. Với cam kết này và tiếp nối thỏa thuận với các nước G7++ về Đối tác Chuyển dịch Năng lượng Bình đẳng (JETP) vào tháng 12 năm 2022, Việt Nam đang ở vị thế sẵn sàng để thực hiện các bước tiến quan trọng trong quá trình chuyển đổi xanh. Ngoài ra, với Chiến lược Tăng trưởng Xanh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Việt Nam cũng đặt mục tiêu hướng tới một nền kinh tế xanh và bền vững thông qua thúc đẩy công nghệ xanh, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng và giảm phát thải khí nhà kính. Chiến lược này cũng chú trọng tới quản lý chất thải và giảm thiểu ô nhiễm nhựa. Áp dụng những công nghệ hiện đại và giải pháp sáng tạo, Việt Nam còn có thể trở thành quốc gia dẫn đầu khu vực về phát triển bền vững.

Đại diện của một số tổ chức và công ty Bắc Âu, bao gồm Re:source (Thụy Điển), Quỹ Đổi mới Phần Lan Sitra, Valmet (Phần Lan), SINTEF, TOMRA (Na Uy) và Gehl Architects (Đan Mạch), v.v... đã tham gia Tọa đàm và thảo luận về mô hình kinh doanh tuần hoàn của họ cùng với các cam kết tăng cường việc tái chế, giảm thiểu chất thải và khí thải carbon trong quá trình hoạt động. Các đại diện này cũng nhấn mạnh những nỗ lực trong việc nâng cao kỹ năng, tài chính, áp dụng công nghệ cũng như môi trường pháp lý thuận lợi sẽ là chìa khóa để tận dụng tối đa quá trình chuyển đổi xanh và khai phóng toàn bộ tiềm năng cho tương lai của Việt Nam.

Mị Dung