Giá trị của phát triển bền vững sau ‘sóng gió’ Covid-19

00:00 12/10/2020

Khi Covid-19 ập đến, người tiêu dùng càng thấm thía rằng: Mốt, trend dường như không phải là thứ thiết yếu mà những món đồ chất lượng, có tính bền vững, lâu dài mới thực sự quan trọng…

Mốt, trend chưa phải thứ thiết yếu

Xét riêng với ngành thời trang – một trong những ngành chịu tác động mạnh từ dịch bệnh, chúng ta vốn biết, bản chất của thời trang là sự thay đổi, tới mức xuất hiện hẳn một phạm trù “fast-fashion” ám chỉ mô hình thời trang thay đổi rất nhanh theo từng tuần, từng tháng. Trong khi đó các nhà mốt truyền thống, xa xỉ phải chờ đến các tuần lễ thời trang mới ra mắt bộ sưu tập vẫn được xem là chậm chạp (ví như Chanel ra mắt bộ sưu tập Xuân Hè 2020 trên sàn diễn Paris từ tháng 10 của năm 2019).

Khi Covid-19 ập đến, người tiêu dùng nhận ra rằng: Mốt, trend dường như không phải là thứ thiết yếu mà những món đồ có tính bền vững, lâu dài mới thực sự là quan trọng.

Theo 1 khảo sát nhanh ở Hoa Kỳ, có đến 65% người được hỏi cho biết họ sẽ giảm chi tiêu cho quần áo. Nguồn cung ứng của những hãng thời trang đại trà chủ yếu đến từ các quốc gia thế giới thứ 3 cũng sẽ bị đình trệ bởi chính những đất nước đang phát triển này cũng đang gánh chịu thiệt hại bởi Covid-19. Các hãng thời trang đang cuống cuồng tìm giải pháp cho một bối cảnh thế giới mới, dù cho đến nay cũng chưa ai dám khẳng định 1, 2 tháng tới, cuộc sống sẽ ra sao.

Tuy nhiên, ở bên kia của thị trường, đó chính là thế giới của thời trang cao cấp, xa xỉ, câu chuyện lại có chiều ngược lại. Covid-19 thực sự là cơn địa chấn, nhưng nếu nhìn lại lịch sử nhân loại, đại dịch này chưa nghĩa lý gì so với 2 cuộc đại chiến, những đợt đại suy thoái, sụp đổ thị trường, chiến tranh lạnh…

Các nhà mốt xa xỉ, những thương hiệu cao cấp như Louis Vuitton, Lanvin, Montblanc, Goyard... cho đến nay cũng đã hơn 100 đến gần 170 năm tuổi, họ vẫn tồn tại, vẫn phát triển và những giá trị cốt lõi nhất của từng nhà mốt vẫn được duy trì mà không có bất cứ sự thỏa hiệp nào.

Các học giả của Pháp đánh giá rằng, cao cấp, xa xỉ phẩm là thứ tồn tại lâu dài nên đây có thể xem là món đồ có giá trị bền vững - vốn là điều người tiêu dùng trong bối cảnh đại dịch đang đề cao. Ví như ở Trung Quốc, ngay khi hết giãn cách xã hội, cửa hàng Hermes bán được gần 3 triệu đô trong 1 ngày. Các cửa hàng của LV cũng có hàng dài người mua tới mức báo chí khôi hài gọi đây là cơn “mua sắm trả thù” (revenge-spending) sau khi bị cấm túc.

Bền vững song hành cùng chất lượng

Chủ tịch Tập đoàn Giovanni – thương hiệu thời trang cao cấp tại Việt Nam khẳng định, chẳng cứ trời Tây mà ngay chính thị trường Việt Nam cũng rất đề cao giá trị bền vững. 

Chẳng cứ ở trời Tây, chia sẻ với phóng viên Chất lượng Việt Nam Online về câu chuyện giữa bền vững và chất lượng, ông Nguyễn Trọng Phi – Chủ tịch Tập đoàn Giovanni – thương hiệu thời trang cao cấp tại Việt Nam khẳng định, ngay chính thị trường Việt Nam cũng rất đề cao giá trị bền vững.

“Trong bối cảnh kinh tế, xã hội gặp khó khăn, việc tiêu dùng sản phẩm thời trang sẽ sụt giảm. Nhưng ngược lại, ở bên kia thị trường, cơ hội lại đến với các thương hiệu cao cấp. Người Đức có câu: “tôi hà tiện, tôi mua đồ đắt tiền”, ý nói chính việc mua những món đồ cao cấp sẽ mang lại giá trị lâu bền, giúp tiết kiệm nhiều hơn so với mua đồ rẻ mà nhanh hỏng.

Những thương hiệu đề cao chất lượng sản phẩm, nhất là chất lượng đó đến từ nguyên vật liệu cao cấp, sẽ mang tới những sản phẩm có mức giá cao nhưng lại có chất lượng cực kỳ tương xứng. Giovanni có những chiếc áo được sử dụng 10 năm rồi mà chất liệu vẫn đẹp, màu sắc vẫn mới, đó chính là giá trị bền vững mà Giovanni đã theo đuổi từ khi khái niệm này còn chưa phổ biến tại Việt Nam” - ông Phi cho hay.

Đồng quan điểm, ông Thân Đức Việt - Tổng giám đốc Tổng công ty May 10 cũng cho rằng, đối với việc xây dựng thương hiệu, doanh nghiệp cần lưu ý, thương hiệu không đơn giản chỉ ở một cái tên, mà trong đó phải hàm chứa chất xám về chất lượng, mẫu mã, công dụng… của sản phẩm. Nếu không coi chất lượng sản phẩm là yếu tố tiên quyết quan trọng nhất, là nền tảng phát triển thì rất khó để xây dựng được thương hiệu. Thậm chí nếu xây dựng được cũng sẽ đánh mất trong một sớm một chiều.

Dĩ nhiên, câu chuyện bàn ở đây không chỉ đơn giản là hậu Covid-19, người tiêu dùng càng thấm thía việc sử dụng sản phẩm chất lượng thì “đắt hóa rẻ” hay chất lượng là “máu thịt” tạo nên thương hiệu doanh nghiệp. Mà điều quan trọng là với những thương hiệu đi lên bằng chất lượng sản phẩm, bằng tâm và tầm thì giá trị bền vững nhất mà thương hiệu đó đạt được chính là niềm tin bền vững của khách hàng…

Lê Thanh Tùng