Ông vua ngành tài chính
Theo các chuyên gia, nói đến ngành Tài chính - Ngân hàng thế giới, là phải nói đến Phố Wall, nước Mỹ. Và nhắc đến Phố Wall, thì không thể không nhắc đến J.P. Morgan và Morgan Stanley thuộc gia tộc Morgan, hệ thống ngân hàng nổi tiếng và bí ẩn vào bậc nhất của nước Mỹ. Đế chế Morgan đã biến nền kinh tế non trẻ của Mỹ thành một cường quốc công nghiệp mạnh nhất thế giới, đưa trung tâm tài chính thế giới dịch chuyển từ London sang New York.
Với danh tiếng là ngân hàng cao cấp nhất, đế chế tài chính Morgan từng phục vụ cho nhiều gia tộc đình đám như nhà Astors, Guggenheims, du Ponts và Vanderbilts; cung cấp tài chính cho nhiều gã khổng lồ trong ngành công nghiệp như U.S. Steel, General Electric, General Motors, Du Pont, Công ty Điện thoại và Điện báo Mỹ. Họ đồng thời cũng tham gia vào hội đồng của những công ty này, làm dấy lên lo ngại về quyền lực gia tăng quá mức cần thiết của ngân hàng.
Tuy nhiên, điều mang lại cho gia tộc Morgan vẻ huyền bí chính là mối liên kết với chính phủ. Tương tự Rothschilds và Barings lừng danh, Morgan dường như có lợi thế trong việc tham gia cơ cấu quyền lực của nhiều quốc gia, đặc biệt là Mỹ, Anh, Pháp và ở mức độ thấp hơn như Ý, Bỉ, Nhật. Đóng vai trò như một công cụ thể hiện quyền lực của Mỹ đối với các nước khác, mỗi động thái của J. P. Morgan & Co. đều ảnh hưởng lớn đến chính sách ngoại giao. Đối tác lâu năm của Morgan thường là những đại sứ tài chính mà công việc hằng ngày có liên quan mật thiết đến quốc gia đại sự.
John Pierpont Morgan sinh ra tại Mỹ. Cha ông là Junius Spencer Morgan – chủ một cửa hiệu chuyên bán sỉ thức ăn khô. Sau này, ông kết hợp cùng bạn mình là một doanh nhân buôn trái phiếu, ngoại tệ nổi tiếng tại Mỹ. Chính vì vậy, sự phát triển của Morgan có một phần đóng góp không nhỏ của cha mình.
Tuy nhiên, Morgan sở dĩ trở thành thống soái trong giới tài chính Mỹ không phải nhờ vào nền tảng gia đình, mà bởi ông là một người giỏi nắm bắt cơ hội và quyết đoán. Chính sự quyết đoán đó đã đưa Morgan dần lên ngôi vị "ông vua tài chính, ngân hàng".
Với sự hậu thuẫn của cha, Morgan đã sớm thành lập một công ty nhỏ và có được vị trí trong sở giao dịch chứng khoán New York - ước mơ của rất nhiều người. Tuy nhiên, tài sản của ông thực sự gia tăng khi nội chiến 2 miền Nam Bắc của Mỹ xảy ra vào năm 1861. Với nhiều người, chiến tranh gắn liền với sự sợ hãi và họ né tránh nhưng với Morgan đây lại là một cơ hội làm ăn lớn.
Mặt hàng mà ông quan tâm tới chính là vàng. Lý do là bởi giá vàng thời điểm này lên hay xuống liên quan tới việc thắng bại của miền Nam, Bắc. Chính vì vậy, để nắm vững những thông tin về cuộc nội chiến, Morgan đã móc nối với một nhân viên điện tín và từ đó ông luôn có được những thông tin chính xác và thức thời hơn những người khác và có những điều chỉnh thích hợp cho việc bán vàng.
au khi tích lũy được một số tiền lớn qua những giao dịch như vậy, hiệu buôn của John Pierpont Morgan trở nên có tiếng tại phố Wall và biến ông trở thành một ngôi sao trong giới tài chính lúc bấy giờ.
Thời kỳ Mỹ trải qua cuộc khủng hoảng năm 1893, John Pierpont Morgan cùng gia đình Rothschild đã hỗ trợ kho bạc nước này 100 tấn vàng để ổn định tài chính. Nắm trong tay nguồn cung cấp vàng cho chính phủ, tiền của Morgan tiếp tục đổ vào các tập đoàn lớn nhất nước Mỹ bao gồm General Electric, AT&T và US Steel.
Có thể nói thời gian này, uy tín và danh vọng của Morgan trong giới xí nghiệp quốc tế còn lớn hơn cả chính phủ Mỹ. Tiếng tăm trong giới tài chính của ông không ai có thể sánh kịp – đây được cho là nhân vật số một trong giới tài chính.
Người khiến trung tâm tài chính thế giới dịch chuyển từ London sang New York
John Pierpont có 4 người con, 3 gái và 1 trai. Trong đó, người con trai J.P Morgan đã sớm tham gia vào công việc kinh doanh của gia đình. Từ năm 1860-1864, ông làm đại diện cho Công ty J. Pierpont Morgan & Company của cha tại New York. Với vai trò này, ông phát triển quan hệ với giới tài chính tại Hoa Kỳ và Anh, 2 cường quốc nắm giữ sức mạnh kinh tế và chính trị thế giới thời bấy giờ.
Năm 1870, J.P. Morgan cho Chính phủ Pháp vay tiền trong cuộc chiến tranh chống lại Ottovon Bismarck, người lập nên đế chế Giéc-manh. Sự kiện này làm cho J.P. Morgan trở thành tập đoàn đầu tiên tìm đến đối tác mới đầy tiềm năng: Chính phủ các nước.
Một số nguồn tin cho biết, nhà Morgan đã cấp tới 500 triệu USD cho chiến tranh ở châu Âu chỉ với lãi suất 1%.
Năm 1871, ông cùng gia đình Drexels ở Philadelphia thành lập Ngân hàng Drexel-Morgan tại New York. Anthony J. Drexel trở thành người thầy của Morgan. Hãng Drexel-Morgan cho nhà đầu tư xây đường ray xe lửa vay những khoản tiền khổng lồ.
Đồng thời, hãng cũng là chủ nợ của các tập đoàn công nghiệp lớn ở Hoa Kỳ trong những năm 1880. Sau cái chết của Anthony Drexel, công ty đổi tên thành J.P. Morgan & Company vào năm 1895.
Thời gian này, bên cạnh mảng tài chính, ngân hàng, gia đình Morgan bắt đầu quan tâm tới những mảng kinh doanh khác mà đầu tiên là đường sắt. Năm 1869, JP Morgan đã cạnh tranh khốc liệt để giành quyền kiểm soát Albany và Susquehanna Railroad và là nhân vật quan trọng trong hoạt động phát triển và cung cấp tài chính ngành đường sắt Mỹ. Quá trình thâu tóm và tái cấu trúc của Morgan trong lĩnh vực này được biết đến với tên gọi “Morgan hóa”.
Năm 1889, Morgan bắt đầu tham gia lĩnh vực hợp nhất các ngành công nghiệp, thành lập US Steel - công ty có giá trị tỷ USD đầu tiên trên thế giới.
Morgan cũng được mệnh danh là “Napoleon của Phố Wall”. Suốt nửa sau thế kỷ 19, các ngân hàng của Morgan đã biến nền kinh tế non trẻ của Hoa Kỳ thành một cường quốc công nghiệp mạnh nhất thế giới. Đến đầu thế kỷ 20, Morgan đã thành lập những tập đoàn công nghiệp khổng lồ cho Hoa Kỳ và khiến trung tâm tài chính thế giới dịch chuyển từ London sang New York.
Ngày nay, gia tộc Morgan đang sở hữu kho dự trữ vàng tư nhân lớn nhất thế giới. Nhiều tin tức bên lề cho rằng, kho vàng này có đường hầm nối thông tới Tòa nhà Ngân hàng Cục dự trữ Liên bang tại New York. J. P. Morgan & Co cũng có mối liên hệ chặt chẽ với các ngân hàng trung ương trên thế giới hơn bất cứ ngân hàng nào khác.
Lưu Ly