Sở Xây dựng Hà Nội vừa công bố thông tin dự án và thời gian tiếp nhận hồ sơ đăng ký mua, thuê mua nhà ở xã hội đợt một dự án nhà ở xã hội tại ô đất HH-02A thuộc dự án nhóm nhà ở Đông Nam, đường Tố Hữu, phường Trung Văn (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội). Theo công bố, dự án này có diện tích hơn 2.726 m2, quy mô dân số 560 người. Chủ đầu tư là Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng NHS với tổng mức đầu tư hơn 570 tỷ đồng.
Dự án là một khối chung cư cao 32 tầng và 2 tầng hầm, tổng số căn hộ là 275 căn, trong đó có 225 căn nhà ở xã hội và 50 căn để kinh doanh thương mại. Tại đợt đầu tiên tiếp nhận hồ sơ đăng ký mua, thuê mua, chủ đầu tư nhận hồ sơ cho 157 căn nhà ở xã hội để bán và 68 căn nhà ở xã hội để cho thuê. Diện tích các căn hộ từ 69,9-76,8 m2.
Theo thông báo, giá bán là hơn 19,5 triệu đồng/m2 (đã gồm VAT) và phí bảo trì 371.869 đồng/m2, còn giá thuê căn hộ khoảng 99.000 đồng/m2/tháng. Như vậy, với mức giá bán này, để có thể sở hữu căn hộ chung cư có diện tích nhỏ nhất là 69,9 m2, người dân phải bỏ ra số tiền khoảng 1,4 tỷ đồng. Với diện tích lớn nhất là 76,8 m2, số tiền phải bỏ ra gần 1,5 tỷ đồng/căn hộ.
Đây là mức giá bán dự án nhà ở xã hội lần đầu cao nhất từ trước đến nay tại Hà Nội. Trước đây, mức giá được phê duyệt thường dao động 13-17 triệu đồng/m2.
Chia sẻ với Tạp chí Doanh nghiệp & Hội nhập, ông Nguyễn Chí Nghĩa, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Dịch vụ và Địa ốc Đất Xanh Miền Bắc cho rằng, theo thị trường hiện nay, trong tổng chi phí xây nhà ở xã hội, phần chi nhiều nhất là vật liệu xây dựng và phần đất.
“Do vậy, giá bán dự án nhà ở xã hội lần đầu cao nhất tại Hà Nội (19,5 triệu đồng/m2) là có thể xem xét. Với cách tính này, giá nhà ở xã hội không bao gồm các chi phí phát sinh khác giống như các sản phẩm bất động sản khác”, ông Nghĩa nói.
Bàn về sự hỗ trợ doanh nghiệp bất động sản làm nhà xã hội của ngân hàng, ông Nghĩa cho rằng, ngân hàng cũng là một công ty kinh doanh, cũng phải cân đối làm sao để có lãi. Tuy nhiên, các nguồn vốn của Nhà nước vẫn có để hỗ trợ cho việc xây nhà ở xã hội nên việc ngân hàng giải ngân được nguồn vốn đó cho những người nghèo là cần thiết.
Liên quan đến giá mới của nhà ở xã hội tại Hà Nội mà Sở Xây dựng Hà Nội vừa công bố, tại Hội thảo “Gỡ vướng địa ốc - Thúc đẩy tăng trưởng”, ngày 19/4, TS Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia cũng cho rằng, thị trường bất động sản của Việt Nam rất khác với thị trường bất động sản của Trung Quốc. Bất động sản của Việt Nam đang là một thị trường thiếu nguồn cung, trong khi nhu cầu lớn kể cả trong ngắn hạn và dài hạn.
Cho dù thị trường có thể thiết lập mặt bằng giá mới, xu hướng mặt bằng giá sẽ tiếp tục tăng và các nhà hoạch định chính sách mong là tăng ổn định, lành mạnh và chấp nhận được. Hơn nữa, chính mặt bằng giá mới này sẽ cấu trúc lại thị trường bất động sản một cách hiệu quả nhất. Lúc đó, doanh nghiệp nào, nhà đầu tư nào chịu được mặt bằng giá thì tồn tại, còn không chịu được thì tự phải tái cấu trúc theo nguyên tắc thị trường.
Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) mong muốn Chính phủ sẽ xử lý chính sách nhanh hơn, chi tiết hơn, đặc biệt với nhà ở xã hội. Trong giai đoạn này, đây là sản phẩm này sẽ kích hoạt giao dịch tốt hơn trên thị trường, vốn đang trong tình trạng thiếu giao dịch trầm trọng. Có sản phẩm phù hợp thì chỉ số giao dịch sẽ tăng lên, các guồng quay được kích hoạt, ổn định trở lại.
Hoài Anh