Đừng để nguồn lực “nằm chết”

00:00 12/10/2020

Trong bối cảnh nguồn lực có hạn, lại phải căng mình chống đỡ với dịch bệnh, cần phải sử dụng tối đa các nguồn lực hiện có để tìm kiếm cho mình cơ hội vươn lên. Đừng để bất cứ nguồn lực nào “nằm chết”.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa ký ban hành Nghị quyết về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Gói hỗ trợ người lao động, bảo đảm an sinh xã hội được bố trí khoảng 62.000 tỷ đồng từ ngân sách trung ương và ngân sách địa phương. Lao động mất việc được hỗ trợ 1,8 triệu đồng/tháng; Hộ nghèo, hộ cận nghèo nhận 250.000 đồng/khẩu/tháng; Người có công với cách mạng và các đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng được hỗ trợ thêm 500 nghìn đồng/người/tháng… Dự kiến khoảng 20 triệu người sẽ nhận được tiền từ chính sách hỗ trợ này.

Ảnh minh họa

Tại Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các bộ, ngành và địa phương hôm 10/4, Thủ tướng cũng thống nhất chủ trương triển khai đồng loạt các gói hỗ trợ cả về tài khóa và tiền tệ nhằm nhanh chóng phục hồi nền kinh tế. Về chính sách tài khóa: Gói giãn, hoãn thuế với tổng số tiền khoảng 180.000 tỷ đồng và 98% số DN sẽ được thụ hưởng. Gói chính sách miễn, giảm thuế, phí, lệ phí được Bộ Tài chính dự kiến ban đầu khoảng 40.000 tỷ đồng.

Về chính sách tiền tệ, phát biểu tại Hội nghị, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết, theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, ngành Ngân hàng triển khai sớm và rất quyết liệt nhiều giải pháp hỗ trợ người dân, DN bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Đến nay, tổng số tiền cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ và miễn giảm lãi cho vay mới của các TCTD đã, đang triển khai khoảng trên 300.000 tỷ đồng. Trong đó cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ là khoảng 18.000 tỷ đồng, miễn giảm lãi và điều chỉnh lãi suất là khoảng 126.500 tỷ đồng và cho vay mới với doanh số cho vay là khoảng xấp xỉ 180.000 tỷ đồng.

Nhằm tạo thuận lợi để người dân, DN tiếp tục duy trì, phát triển sản xuất, góp phần phục hồi guồng quay của nền kinh tế, tuần qua các NHTM tiếp tục tung ra nhiều gói tín dụng với lãi suất ưu đãi. Có thể nói chưa khi nào ngân hàng lại triển khai nhiều chương trình hỗ trợ lớn, giảm sâu lãi suất cho vay như hiện nay: HDBank triển khai gói tín dụng Swift SME 5.000 tỷ đồng dành cho khách hàng SME với lãi suất ưu đãi đặc biệt cạnh tranh, linh hoạt chỉ từ mức 6,5%/năm. MSB triển khai gói tín dụng 7.000 tỷ đồng với lãi suất 6,99%/năm, áp dụng cho khách hàng có nhu cầu vay tiêu dùng. Techcombank công bố gói hỗ trợ toàn diện lên đến 30.000 tỷ đồng, bao gồm miễn, giảm lãi suất (cho cả các khoản  vay cũ và mới), giãn nợ, gia hạn nợ đối với các khách hàng bị tác động bởi dịch Covid-19 tùy theo từng khách hàng, tối đa lên đến 2%. VPBank triển khai gói hỗ trợ thứ hai với mức giảm lãi suất tới 2%/năm cho khách hàng DN; giảm tối đa 3% cho khách hàng cá nhân. Đặc biệt, BIDV dành 50 ngàn tỷ đồng để triển khai hai gói hỗ trợ: cho vay vốn trung và dài hạn với quy mô 20.000 tỷ đồng, lãi suất chỉ từ 7,3%/năm, nhằm đáp ứng nhu cầu mua nhà, xe ôtô hay sản xuất kinh doanh của khách hàng cá nhân. Và gói 30.000 tỷ đồng, lãi suất chỉ từ 6,5%/năm, dành cho khách hàng cá nhân vay phục vụ sản xuất kinh doanh...

“Trong bất cứ tình huống nào, NHNN cũng sẽ điều hành hoạt động ngân hàng để đảm bảo cung ứng đầy đủ vốn cho nền kinh tế, kể cả trong giai đoạn phòng chống dịch cũng như phục hồi sau dịch với mức lãi suất cho vay thấp hơn”, Thống đốc Lê Minh Hưng khẳng định.

Tuy nhiên, như nhiều chuyên gia đã phân tích, những biện pháp hỗ trợ của Chính phủ cũng như từ phía các ngân hàng chỉ làm giảm phần nào những khó khăn của DN hiện nay chứ không thể giải quyết tận gốc những khó khăn này. Trong khi đó, việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công được xem là giải pháp hỗ trợ tăng trưởng hàng đầu hiện nay, bởi lẽ đầu tư công sẽ giảm bớt áp lực đầu tư từ khu vực tư nhân. Chưa kể vốn đầu tư công sẽ là “vốn mồi” để lôi kéo thêm vốn đầu tư của khu vực tư nhân và khu vực FDI, qua đó tăng tổng vốn đầu tư toàn xã hội và giải quyết thêm nhiều việc làm, thu nhập cho người lao động trong điều kiện các DN tư nhân gặp nhiều khó khăn như hiện nay.

Thế nhưng, hiện giải ngân nguồn vốn này rất chậm. Theo Bộ Tài chính, ước giải ngân kế hoạch vốn đầu tư năm 2020 của các bộ, ngành, địa phương đến hết ngày 31/3 là hơn 61.591 tỷ đồng, đạt 13,09% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, cao hơn so với cùng kỳ (cùng kỳ đạt 11,21% kế hoạch Quốc hội giao và đạt 12,97% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao); trong đó, vốn trong nước giải ngân là hơn 58.595 tỷ đồng, vốn nước ngoài là hơn 2.995 tỷ đồng.

Bởi vậy, phát biểu tại Hội nghị trực tuyến, bên cạnh các gói hỗ trợ về tài khóa và tiền tệ, Thủ tướng nêu rõ tinh thần là giải ngân hết số vốn còn lại của năm 2019 và vốn kế hoạch năm 2020 (khoảng 700.000 tỷ đồng), không để dồn vào cuối năm… Đây là số vốn mà Chính phủ đã chuẩn bị cho năm 2020. Trong bối cảnh nguồn lực có hạn, lại phải căng mình chống đỡ với dịch bệnh, cần phải sử dụng tối đa các nguồn lực hiện có để tìm kiếm cho mình cơ hội vươn lên. Đừng để bất cứ nguồn lực nào “nằm chết”.

An Bình