Chuyển đổi số đang là xu hướng của các ngành kinh tế, trong đó mạnh mẽ nhất là lĩnh vực du lịch, tạo thuân lợi và hiệu quả cho công tác quản lý, nhất là tạo thuận lợi cho du khách tiếp cận, lựa chọn điểm đến, dịch vụ du lịch theo nhu cầu của mình. Lào Cai là tỉnh giàu tiềm năng du lịch, coi du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, vì vậy, cần đẩy nhanh chuyển đổi số trong lĩnh vực này, nhằm đạt mục tiêu đề ra.
Những khó khăn, thách thức lớn hiện nay của Du lịch Lào Cai khi thực hiện chuyển đổi số chủ yếu đến từ: thiếu hụt nguồn lực (bao gồm nguồn lực tài chính, công nghệ và nhân lực), nhất là sau 2 năm chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh COVID-19; rào cản trong văn hóa doanh nghiệp; thiếu hụt dữ liệu (bao gồm các báo cáo, phân tích thông tin); nhận thức, tầm nhìn người lãnh đạo; tâm lý trong việc tiếp cận và ứng dụng,… Các doanh nghiệp du lịch Lào Cai chủ yếu là quy mô nhỏ, siêu nhỏ (với 1300 cơ sở lưu trú có tới 75% cơ sở là nhà nghỉ, homestay) khi họ tiến hành chuyển đổi số sẽ phải áp dụng công nghệ mới dẫn đến vấn đề chi phí đầu tư bước đầu khá lớn. Chi phí đó bao gồm chi phí cho máy móc công nghệ, thay đổi hệ thống quản lý, con người, hệ thống đào tạo. Trong đó, yếu tố về con người là trọng tâm hàng đầu. Các giải pháp công nghệ, sự hạn chế hiểu biết trong sử dụng công nghệ thông tin để thực hiện chuyển đổi số, sự liên tục phát triển giúp cho sự chuyển đổi ngày càng trở nên nhanh chóng hơn. Tuy nhiên, chính những nhu cầu tức thời phát sinh các giải pháp cũng tức thời, ngắn hạn lại là điểm yếu cho sự chuyển đổi bền vững, đòi hỏi cần có chiến lược chuyển đổi số trong du lịch thực sự hiệu quả. Hệ thống cơ sở hạ tầng nền tảng cho việc ứng dụng du lịch thông minh hiện chưa được đầu tư đồng bộ, nhiều công cụ để giải quyết vấn đề quản trị doanh nghiệp du lịch đã xuất hiện trên thị trường, song việc giải quyết đơn lẻ từng bài toán với nhiều công cụ khác nhau sẽ gây ra nhiều khó khăn cho người quản lý. Doanh nghiệp dùng quá nhiều phần mềm với tính năng riêng biệt, khiến dữ liệu không được đồng bộ, chi phí tăng cao.
Thực hiện chuyển đổi số Du lịch Lào Cai đã bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Bộ 3 sản phẩm du lịch thông minh: Cổng thông tin du lịch thông minh www.laocaitourism.vn; Ứng dụng du lịch trên thiết bị thông minh (App Du lịch Lào Cai) và Phần mềm quản lý lưu trú trực tuyến www.luutrulaocai.vn đã hình thành nên tảng bước đầu trong thực hiện chuyển đổi số của Du lịch Lào Cai. Hiện tại, ngay trên Cổng thông tin du lịch Lào Cai, người truy cập có thể tham khảo những thông tin chính thức về du lịch của tỉnh Lào Cai, truy cập bản đồ số du lịch để tra cứu cơ sở lưu trú, địa điểm du lịch, nhà hàng, khách sạn, lữ hành và đặt tour,… Cổng thông tin cũng tích hợp tính năng chuyển đổi ngôn ngữ tự động để khách du lịch nước ngoài truy cập và khai thác thông tin hiệu quả. Người truy cập cũng có thể tham khảo trực quan thông tin một số tour, điểm du lịch, nhà hàng, khách sạn thông qua hình ảnh 3D, ảnh 360 độ trực tiếp trên cổng trước khi lựa chọn tour. Việc các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ thông tin nhằm số hóa và hiện đại hóa các quy trình quản lý doanh nghiệp là một xu hướng tất yếu. Không chỉ có vậy, việc số hóa và tự động hóa còn được ứng dụng vào cả quy trình quản lý kinh doanh dựa trên nền tảng internet. Việc ứng dụng nền tảng do doanh nghiệp cung cấp giúp phân phối các sản phẩm du lịch được dễ dàng, rút ngắn quy trình phân phối sản phẩm đến tay người dùng, tiết kiệm chi phí bán hàng, tăng doanh thu. Thông qua nền tảng, doanh nghiệp điều hành hoạt động kinh doanh một cách chủ động, kết nối đến nhiều kênh bán hàng, tăng trải nghiệm khách hàng thông qua sự hiểu biết về hành vi và thói quen của họ. Khách du lịch có thể tự đặt phòng, đặt vé, tự thanh toán, check-in và check-out thông qua nền tảng công nghệ. Việc thực hiện chuyển đổi số sớm và có hiệu quả đã mang lại nhiều kết quả kinh doanh tích cực cho các cơ sở lưu trú, đặc biệt là giai đoạn phục hồi du lịch sau khi du lịch Việt Nam mở cửa hoàn toàn như hiện tại.
Với quan điểm lấy khách du lịch và doanh nghiệp du lịch là trung tâm của chuyển đổi số và xuất phát từ nhu cầu và mang lại giá trị cho người dân và doanh nghiệp du lịch, mục tiêu chuyển đổi số của Du lịch Lào Cai đến năm 2025: Tất cả các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch (doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh du lịch) ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kinh doanh; tiếp cận và tham gia vào các hoạt động giao dịch điện tử trên môi trường mạng. Các doanh nghiệp lĩnh vực du lịch có thể dễ dàng gửi nhận hóa đơn điện tử với nhau và với cơ quan thuế sử dụng nền tảng công nghệ số. Chuẩn hóa, số hóa dữ liệu trên 100% số cơ sở lưu trú hiện có trên địa bàn tỉnh. Chuẩn hóa, số hóa dữ liệu trên 100% số doanh nghiệp lữ hành hiện có trên địa bàn tỉnh. Chuẩn hóa, số hóa dữ liệu trên 100% số hướng dẫn viên du lịch của tỉnh. Chuẩn hóa, số hóa dữ liệu đối với khu, điểm du lịch, trong đó ưu tiên số hóa dữ liệu 01 Khu du lịch quốc gia; 02 Khu du lịch cấp tỉnh; 5 điểm du lịch cấp tỉnh hấp dẫn nhất; Dữ liệu tài nguyên du lịch phục vụ hiệu quả cho công tác quản lý nhà nước và phát triển hệ thống các sản phẩm du lịch trên địa bàn tỉnh.
Để đạt được mục tiêu trên, Du lịch Lào Cai đã xác định trong thời gian tới sẽ đẩy nhanh việc hoàn thiện đề án chuyển đổi số trong ngành Du lịch; phát triển du lịch thông minh; xúc tiến, quảng bá, xây dựng thương hiệu du lịch Lào Cai - Sa Pa; đặc biệt là công tác quản lý khách du lịch đến Khu du lịch quốc gia Sa Pa. Cải tiến hệ thống thu phí thông minh và tăng cường nguồn thu ngân sách lĩnh vực du lịch, quản lý tốt tài nguyên du lịch, kiểm soát, giám sát và cảnh báo ô nhiễm trên cơ sở ứng dụng khoa học, công nghệ hiện đại và nền tảng công nghệ số. Phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh; ứng dụng công nghệ số để kết nối nhằm hỗ trợ và tăng trải nghiệm cho khách du lịch. Ứng dụng rộng rãi công nghệ trong thanh toán dịch vụ du lịch hướng tới giảm thiểu thanh toán bằng tiền mặt. Ứng dụng công nghệ thông tin để hoàn thiện hệ thống thống kê du lịch; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu ngành du lịch. Thực hiện liên kết, hợp tác trong chuyển đổi số bằng việc nâng cao hiệu quả phối hợp giữa ngành du lịch với các ngành địa phương trong tỉnh trong chuyển đổi số. Tích cực phối hợp với các Sở chuyên ngành của các tỉnh, thành phố trong khu vực, cả nước, các đơn vị thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong thực hiện chuyển đổi số; tăng cường hợp tác với các tập đoàn, công ty lớn về viễn thông, công nghệ thông tin tạo nguồn lực cho phát triển công nghệ thông tin – truyền thông trên địa bàn tỉnh.
Hà Thắng