Trong đó có 13 đoàn khách quốc tế, hơn 150 doanh nghiệp trong nước và quốc tế hoạt động lĩnh vực sâm và hương liệu, dược liệu.
Lễ hội "Sâm và Hương liệu, Dược liệu quốc tế TP.HCM 2024" được kỳ vọng sẽ tạo ra môi trường giao lưu, quảng bá, xúc tiến thương mại và đầu tư cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Sự kiện sẽ diễn ra từ ngày 24 – 26/5.
Ở lần tổ chức đầu tiên, lễ hội quy tụ sự tham gia của 15 quốc gia và 20 tỉnh, thành của Việt Nam, 160 doanh nghiệp trưng bày sản phẩm, mô hình trải nghiệm sâm và hương liệu, dược liệu, 40 gian hàng trải nghiệm ẩm thực. Ấn tượng là các gian hàng đến từ các địa phương Quảng Nam, Kon tum, Gia Lai, Lâm Đồng, Thừa Thiên Huế, Nghệ An, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên với việc bố trí các mặt hàng, trưng bày các sản vật địa phương. Đặc biệt, Lễ hội thu hút 13 đoàn khách quốc tế và 32 doanh nghiệp đến từ các nước Canada, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật bản, Ấn Độ và một số quốc gia Đông Nam Á có sản phẩm sâm và hương liệu, dược liệu tham gia.
Phát biểu khai mạc Lễ hội "Sâm và Hương liệu, Dược liệu quốc tế TP.HCM năm 2024", Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan nhấn mạnh, Việt Nam là nước có nhiều loại dược liệu quý được thế giới công nhận như cây hồi, cây quế, atiso, sâm Ngọc Linh, sâm Lai Châu, lan kim tuyến, tam thất hoang, thông đỏ, hoàng liên gai…... với việc hình thành những vùng trồng, sản xuất cây dược liệu có tính chuyên canh.
"Hiện tổng sản lượng dược liệu trồng ở Việt Nam hiện ước đạt khoảng 100.000 tấn/năm. Trong đó, có nhiều loài cây dược liệu quý, hiếm, đặc hữu, vừa có giá trị kinh tế cao vừa có công dụng chữa bệnh như sâm Ngọc Linh đã được công nhận là quốc bảo của Việt Nam. Tuy nhiên, các sản phẩm phần nhiều mang tính tự cung tự cấp, thiếu sự liên kết và đặc biệt là thiếu thông tin về thị trường quốc tế. Do đó, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách, cơ chế khuyến khích đầu tư, phát triển ngành sâm và hương dược liệu", ông Võ Văn Hoan cho biết.
"Với xu thế sử dụng các dược liệu thiên nhiên để chăm sóc sức khoẻ trên thế, chúng ta cần nắm bắt cơ hội để thúc đẩy sự phát triển của ngành sâm, hương liệu, dược liệu. Qua đó đưa Việt Nam trở thành một trong các quốc gia chủ lực, nổi tiếng về sâm và hương liệu, dược liệu trên thế giới, đặc biệt với các loài sâm bản địa như sâm Ngọc Linh - loại nhân sâm thứ 20 được tìm thấy trên thế giới và được xem như là Quốc bảo của Việt Nam”, ông Võ Văn Hoan chia sẻ.
Để đạt được mục tiêu trên, ngành sâm, hương liệu, dược liệu Việt Nam cần vượt qua các thách thức, hiện đại hoá công nghệ chế biến, sản xuất, thương mại hoá hiệu quả các sản phẩm.
"Dự án Eden Farm đang theo đuổi là trồng Cỏ Voi sản xuất viên nén sinh khối. Sau một dòng đời của Cỏ Voi khoảng 5 năm, với phương thức canh tác sử dụng chủ yếu là phân bón hữu cơ, vùng đất sẽ được cải tạo để sẵn sàng cho việc canh tác hữu cơ dược liệu, nông nghiệp hữu cơ", ông Nguyễn Văn Đức, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nông trang Eden cho biết.
Được biết, Việt Nam có hơn 7.500ha trồng sâm, tập trung chủ yếu ở các tỉnh Quảng Nam, Kon Tum, Gia Lai… Trong đó, 8 vùng dược liệu trọng điểm của Việt Nam theo quy hoạch của Chính phủ bao gồm: Tây Bắc, Đông Bắc, Đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung bộ, Duyên hải Nam Trung bộ, Tây Nguyên, Đông Nam bộ và Tây Nam bộ.
Theo Chương trình Phát triển Sâm Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 đã được Chính phủ phê duyệt tháng 6/2023, đến năm 2030, Việt Nam sẽ phấn đấu nâng diện tích trồng sâm đạt khoảng 21.000ha, 100% diện tích trồng được cấp mã số vùng trồng và chỉ dẫn địa lý.
Hiện sản lượng khai thác Sâm Việt Nam từ năm 2030 đạt khoảng 300 tấn/năm (diện tích khai thác khoảng 1.000 ha/năm), đảm bảo nguồn gốc xuất xứ, đạt tiêu chuẩn GACP - WHO (thực hành tốt nuôi trồng và thu hái) hoặc tương đương.
Ước tính tổng giá trị thị trường sản phẩm từ thảo dược toàn cầu năm 2021 khoảng 230 tỷ USD và dự kiến có thể đạt 430 tỉ USD vào năm 2028.
Mị Dung