BCTC hợp nhất quý I/2023, Tổng Công ty Thương mại Xuất nhập khẩu Thanh Lễ (TLP/UpCOM) ghi nhận doanh thu thuần gần 5.511 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, do giá vốn tăng nhanh hơn doanh thu (tăng 25%) nên lãi gộp chỉ thu về 157 tỷ đồng, giảm 13%.
Kỳ này, doanh thu tài chính của TLP tăng đột biến, đạt gần 42 tỷ đồng, gấp 7 lần cùng kỳ, nhờ khoản lãi chênh lệch tỷ giá hơn 37 tỷ đồng. Đối trọng là chi phí tài chính, cũng cao gấp 2 lần, lên gần 72 tỷ đồng, do chi phí lãi vay và lỗ chênh lệch tỷ giá đều tăng mạnh.
Cộng thêm chi phí bán hàng tăng 16%, đạt gần 79 tỷ đồng; chi phí quản lý doanh nghiệp biến động không đáng kể; TLP báo lãi ròng quý I đạt gần 26 tỷ đồng, giảm 58% so với cùng kỳ.
ĐHĐCĐ thường niên 2023 của TLP đã thông qua kế hoạch lãi sau thuế hơn 219 tỷ đồng. Sau 3 tháng đầu năm, Công ty thực hiện được 12% mục tiêu lợi nhuận năm. Cần nhấn mạnh rằng trong quý I/2023, TLP ghi nhận dòng tiền kinh doanh thâm hụt mạnh, âm gần 2.216 tỷ đồng, cùng kỳ chỉ âm 222 tỷ đồng. Nguyên nhân do Công ty tăng các khoản phải trả cho nhà cung cấp, đồng thời tăng chi các khoản khác cho hoạt động kinh doanh.
Dù vậy, với việc thanh lý tài sản cố định, tài sản dài hạn khiến dòng tiền đầu tư của Công ty đạt hơn 70 tỷ đồng. Dòng tiền tài chính ghi nhận hơn 2.285 tỷ đồng bởi doanh nghiệp đi vay hơn 5.020 tỷ đồng, đồng thời trả 2.720 tỷ đồng nợ gốc vay.
Liên quan tới vấn đề thị trường, nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước quý II/2023 và dự kiến trong quý II/2023 được đảm bảo. Giá xăng dầu thế giới hiện vẫn có xu hướng diễn biến phức tạp. Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Tài chính theo dõi tình hình thị trường xăng dầu trong nước và thế giới để thực hiện việc điều hành giá xăng dầu, trích lập và chi Quỹ Bình ổn giá xăng dầu một cách linh hoạt, hợp lý, tạo dư địa để điều hành giá xăng dầu hài hòa lợi ích giữa các chủ thể kinh doanh và sử dụng xăng dầu, nhà nước, nhân dân.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, Bộ đang tiếp tục hoàn thiện dự thảo Nghị định theo phương án đã được báo cáo Phó Thủ tướng Lê Minh Khái.
Trên cơ sở tổng hợp ý kiến của các bộ, ngành, địa phương, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, việc sửa đổi, bổ sung Nghị định sẽ tập trung vào một số nội dung trọng tâm, thực sự cấp bách và phù hợp với tình hình thực tiễn.
Cụ thể bao gồm: Sửa đổi về công thức giá và phương thức điều hành giá xăng dầu; thời gian điều hành/công bố giá; vấn đề đại lý bán lẻ xăng dầu được lấy từ nhiều nguồn; cắt giảm khâu trung gian trong hệ thống phân phối xăng dầu; yêu cầu cửa hàng bán lẻ xăng dầu thực hiện hóa đơn điện tử và kết nối dữ liệu hóa đơn điện tử các với cơ quan thuế; quy định cụ thể hơn về dự trữ lưu thông bắt buộc; quy định phù hợp hơn về việc thu hồi giấy xác nhận đủ điều kiện đối với thương nhân kinh doanh đầu mối xăng dầu và thương nhân phân phối xăng dầu.
PV (t/h)