Ngày 3/8, Chính phủ Ấn Độ thông báo sẽ áp đặt yêu cầu lệnh hạn chế nhập khẩu máy tính xách tay, máy tính bảng và máy tính cá nhân nhằm khuyến khích sản xuất nội địa. Động thái này có thể tác động mạnh đến các thương hiệu như Apple, Dell và Samsung. Đây là những thương hiệu máy tính xách tay lớn tại thị trường Ấn Độ, tuy nhiên, đa số sản phẩm đều nhập từ quốc gia khác như Trung Quốc. Việc Chính phủ Ấn Độ áp đặt lệnh cấm sẽ buộc họ phải tăng cường sản xuất tại địa phương.
Trước đây, quy định Ấn Độ cho phép các công ty nhập khẩu laptop một cách tự do, nhưng quy định mới bắt buộc cần phải có giấy phép đặc biệt cho các sản phẩm này, tương tự như những hạn chế mà Ấn Độ áp dụng vào năm 2020 đối với lô hàng TV nhập khẩu.
Cổ phiếu của các nhà sản xuất hợp đồng điện tử địa phương đã tăng sau thông báo của chính phủ. Amber Enterprises India tăng tới 3,3%, Dixon Technologies India tăng 5,5% và PG Electroplast tăng 2,8%.
Mặc dù thông báo của chính phủ không nêu rõ lý do đằng sau động thái này, nhưng Thủ tướng Narendra Modi đã khuyến khích sản xuất tại địa phương và hạn chế nhập khẩu dưới kế hoạch "Make in India" của ông.
Trong giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 6, tổng giá trị nhập khẩu các thiết bị điện tử của Ấn Độ, bao gồm laptop, máy tính bảng và máy tính cá nhân, đạt 19,7 tỷ USD, tăng 6,25% so với cùng kỳ năm trước.
Laptop, máy tính bảng và máy tính cá nhân chiếm khoảng 1,5% tổng giá trị nhập khẩu hàng năm của Ấn Độ, trong đó gần một nửa số lượng này đến từ Trung Quốc, theo dữ liệu của chính phủ.
Nhiều iPad của Apple và laptop của Dell được nhập khẩu vào nước này, thay vì được sản xuất địa phương.
Chuyên gia kinh tế Madhavi Arora (Công ty tư vấn đầu tư Emkay Global) nhận định, động thái hạn chế nhắm vào số hàng hóa được nhập nhiều.
Ngoài những thương hiệu lớn như Apple, Dell và Samsung thì nhiều hãng khác như Acer, LG, Lenovo, HP cũng là các nhà xuất khẩu laptop chính trên thị trường Ấn Độ.
Ali Akhtar Jafri, cựu Giám đốc điều hành của Hiệp hội Công nghiệp Điện tử MAIT nhận định: "Ý đồ của động thái này là thúc đẩy sản xuất tại Ấn Độ. Đó không chỉ là một lời nhắc nhở, đó là một đòn bẩy".
Thời gian qua Ấn Độ đã và đang cố gắng đẩy mạnh sản xuất trong nước bằng cách tung ra hàng loạt ưu đãi ở hơn 20 lĩnh vực, trong đó có hàng điện tử. New Delhi còn gia hạn thời gian đăng ký tham gia chương trình khuyến khích sản xuất trị giá 2 tỉ USD để thu hút đầu tư lớn vào sản xuất phần cứng công nghệ thông tin chẳng hạn như: máy tính xách tay, máy tính bảng, máy tính cá nhân và máy chủ.
Kế hoạch này là một phần quan trọng trong tham vọng của Ấn Độ trở thành một cường quốc trong chuỗi cung ứng điện tử toàn cầu, với mục tiêu sản xuất hàng năm đạt giá trị 300 tỷ USD vào năm 2026.
Nước này cũng đã từng áp đặt thuế quan cao lên các sản phẩm như điện thoại di động để kích thích sản xuất nội địa.
Mai Anh (t/h)