Đồng Nai: Thiếu hụt lao động tại các công trình xây dựng là vấn đề đang rất cấp bách

08:31 26/10/2021

Theo phản ánh của một số chủ đầu tư cũng như nhiều đơn vị thi công xây dựng tại một số dự án đầu tư công, hiện nay trên địa bàn tỉnh Đồng Nai có tình trạng thiếu lao động nghiêm trọng. Các đơn vị doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn về việc tuyển dụng lại lao động để phục vụ tái thi công trong tình hình mới.

Cùng với vướng mắc về mặt bằng, thiếu hụt lao động tại các công trình xây dựng đang là hai vấn đề cản trở lớn nhất đối với tiến độ các dự án, đối với nỗ lực thúc đẩy giải ngân đầu tư công.
Cùng với vướng mắc về mặt bằng, thiếu hụt lao động tại các công trình xây dựng đang là hai vấn đề cản trở lớn nhất đối với tiến độ các dự án, đối với nỗ lực thúc đẩy giải ngân đầu tư công.

Cụ thể như tại Gói thầu số 7 thuộc Dự án Cải tạo, nâng cấp Đường tỉnh 768 (đoạn từ cầu vượt Thủ Biên đến giao với Đường tỉnh 767, huyện Vĩnh Cửu), công trình xây dựng cầu Vàm Cái Sứt (TP. Biên Hòa)…

Ông Nguyễn Bắc Nam, Chỉ huy trưởng công trình thuộc Tổng công ty Xây dựng số 1, nhà thầu thi công Gói thầu số 7 Dự án Cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 768 (đoạn từ cầu vượt Thủ Biên đến giao với đường tỉnh 767, TT.Vĩnh An. H.Vĩnh Cửu) cho biết, trước thời điểm đợt dịch bệnh Covid-19 lần thứ 4 bùng phát có khoảng 50 công nhân tham gia thi công. Tuy nhiên, trong thời gian thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội để phòng, chống dịch, số lượng công nhân thi công giảm chỉ còn chưa đến 30 người. Trong vòng nửa tháng qua, để phục vụ mục tiêu tăng ca, đẩy nhanh tiến độ dự án, đơn vị đã tuyển thêm công nhân để tăng cường thi công trên công trường. Tuy nhiên, việc tìm kiếm, bổ sung thêm công nhân gặp rất nhiều khó khăn.

Theo ông Nguyễn Bắc Nam, hiện nay nhu cầu về quê của phần lớn người lao động vẫn còn rất lớn nên việc tuyển thêm công nhân cho công trường rất khó khăn. “Chúng tôi đã sử dụng nhiều kênh như đăng thông báo tuyển dụng, tìm kiếm thông qua mối quan hệ của lực lượng công nhân đang tham gia thi công trên công trường, nhưng hiệu quả không cao. Hiện công ty chỉ tuyển thêm chưa tới 10 lao động mới. Trong khi đó, việc huy động công nhân từ các địa bàn khác đến Đồng Nai rất khó khăn do người lao động vẫn lo ngại tình hình dịch bệnh” - ông Nguyễn Bắc Nam cho hay.

Phương án trước mắt của Đồng Nai chính là tăng ca, thi công cả vào ban đêm ngay tại các công trình với số lao động hiện hữu. Tuy nhiên, đó chỉ là giải pháp tạm thời do tỷ lệ lao động, công nhân trên công trường chỉ đáp ứng từ ½, thậm chí chỉ còn 1/3 so với trước, việc tăng ca, thi công ban đêm sẽ không đảm bảo chất lượng công trình, an toàn cho người lao động.

Ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam cho hay: "Lao động ngành xây dựng có đặc thù là hộ khẩu không ở địa phương mà có công trình. Ngoài ra, công ty làm nhà thầu cũng không có địa chỉ đăng kí ở địa phương nơi có dự án. Vì vậy, trong quá trình xem xét tiêm vaccine, lực lượng xây dựng lại không trong diện được quan tâm".

Tổ công tác đặc biệt thúc đẩy giải ngân nguồn vốn đầu tư công được UBND tỉnh Đồng Nai thành lập ngày 20/10/2021 ngay khi kiện toàn sẽ thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, giám sát, xử lý các điểm nghẽn trong giải ngân; tổ chức giao ban định kỳ với các cơ quan, đơn vị liên quan để kịp thời nắm bắt, tháo gỡ vướng mắc trong quá trình giải ngân.
"Cùng với vướng mắc về mặt bằng, thiếu hụt lao động tại các công trình xây dựng sẽ là ưu tiên hàng đầu để Tổ công tác kịp thời có giải pháp, trong đó có việc đưa người lao động trở lại nhằm thúc đẩy tiến độ các công trình trong điều kiện an toàn"- ông Hồ Văn Hà, Giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Đồng Nai cho biết.
Diệu Hồng (tổng hợp)