Đồng Nai: 65 vụ vi phạm trong kinh doanh vật tư nông nghiệp

18:16 21/01/2022

Theo Cục Quản lý thị trường Đồng Nai, trong năm 2021, lực lượng chức năng và các đoàn kiểm tra liên ngành đã kiểm tra 155 trường hợp, trong đó phát hiện 65 vụ vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh vật tư nông nghiệp

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Kiểm tra, kiểm soát thị trường kinh doanh vật tư nông nghiệp là một trong những chiến dịch quan trọng được Cục Quản lý thị trường tỉnh Đồng Nai phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan tăng cường triển khai trong chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại...

Những mặt hàng vi phạm gồm: phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y… trên địa bàn tỉnh. Tổng số tiền phạt nộp ngân sách khoảng 533 triệu đồng. Tổng số hàng hóa vi phạm bị buộc tiêu hủy là 213 sản phẩm với trị giá hàng hóa ước tính hơn 91 triệu đồng.
Trong đó, các nội dung vi phạm chủ yếu liên quan đến nhãn hàng hóa, hoạt động niêm yết giá, hàng hóa kém chất lượng... Kinh doanh vật tư nông nghiệp là một trong những lĩnh vực kiểm tra chuyên đề của lực lượng quản lý thị trường và các sở, ngành liên quan. Cụ thể, có 8 vụ vi phạm về hàng giả, xâm phạm quyền, 53 vụ vi phạm về nhãn hàng hóa, 3 vụ vi phạm về hàng kém chất lượng…

Về nguyên nhân dẫn tới tình trạng nêu trên, theo ông Nguyễn Trường Sơn, Chánh Thanh tra Bộ NN&PTNT là do công tác tuyên truyền, vận động người dân, doanh nghiệp, nhất là cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ tuân thủ các quy định bảo đảm an toàn thực phẩm chưa thật sự hiệu quả. Nhiều địa phương chưa xử lý nghiêm các vụ việc vi phạm trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp. 

Theo Thứ trưởng Bộ NN& PTNT Lê Quốc Doanh, để khắc phục tình trạng vi phạm chất lượng vật tư nông nghiệp, các địa phương cần giảm bớt việc thanh tra theo kế hoạch, tăng cường kiểm tra đột xuất nhằm tránh tình trạng các cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp đối phó, từ đó sớm phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm việc kinh doanh vật tư nông nghiệp không bảo đảm chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Thời gian tới, Bộ NN&PTNT sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc tổ chức sản xuất các sản phẩm chủ lực quốc gia, sản phẩm chủ lực địa phương theo chuỗi giá trị gắn với ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ và hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến nhằm nâng cao chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm. Mặt khác là nhân rộng các chuỗi cung ứng nông, lâm, thủy sản an toàn gắn với truy xuất nguồn gốc. Trước mắt, việc cần làm ngay là phải loại bỏ các loại vật tư nông nghiệp kém chất lượng, không an toàn ra khỏi danh mục được phép sử dụng.

Diệu Hồng