“Dọn đường” cho sầu riêng sang Trung Quốc

07:32 14/01/2021

Việt Nam đang xúc tiến đàm phán để có thể xuất khẩu chính ngạch sầu riêng sang Trung Quốc, khi đó, cơ hội cho trái sầu riêng Việt Nam sẽ rộng mở hơn.

Đến nay, Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của sầu riêng Việt Nam. Tuy nhiên, do tác động của dịch Covid-19, xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc trong năm 2020 gặp nhiều khó khăn.

Sầu riêng là nông sản có giá trị cao, năng lực sản xuất sầu riêng của Việt Nam ngày càng gia tăng

Sầu riêng là nông sản có giá trị cao, năng lực sản xuất sầu riêng của Việt Nam ngày càng gia tăng. (Ảnh: minh hoạ)

Số liệu thống kê cho thấy, trong 8 tháng đầu năm 2020, sản lượng sầu riêng xuất khẩu qua Trung Quốc của Việt Nam giảm tới 66,3%, nhập khẩu sầu riêng tươi và đông lạnh của Trung Quốc trong nửa đầu năm 2020 đạt 397.000 tấn, trị giá 1,62 tỷ USD, tăng 10,8% về lượng và tăng 73,5% so với cùng kỳ năm 2019.

Trị giá nhập khẩu sầu riêng của Trung Quốc nửa đầu năm 2020 tăng mạnh do giá nhập khẩu tăng mạnh. Giá sầu riêng tươi nhập khẩu đạt 3,98 USD/kg, tăng 59,5% so với cùng kỳ năm 2019. Sầu riêng tươi chiếm 93,7% trong tổng trị giá nhập khẩu sầu riêng của Trung Quốc nửa đầu năm 2020. Trong đó, Trung Quốc nhập khẩu sầu riêng đông lạnh từ Thái Lan đạt 63,43 triệu USD với giá nhập khẩu bình quân đạt 5,8 USD/kg; nhập khẩu sầu riêng đông lạnh từ Malaysia đạt 40,37 triệu USD.

Việt Nam vẫn chưa được phép xuất khẩu sầu riêng chính ngạch sang thị trường Trung Quốc. Các chuyên gia trong ngành cho biết rằng, những năm gần đây, sầu riêng Việt Nam cũng chiếm một phần quan trọng trong thị trường sầu riêng Trung Quốc.

Mã số vùng trồng là điều kiện cần thiết và bắt buộc đối với những thị trường khó tính và là một trong những yếu tố phục vụ cho truy xuất nguồn gốc sản phẩm

Mã số vùng trồng là điều kiện cần thiết, bắt buộc đối với những thị trường khó tính và là một yếu tố phục vụ cho truy xuất nguồn gốc sản phẩm. (Ảnh: minh hoạ)

Để xuất khẩu chính ngạch, ngoài việc đáp ứng các điều kiện tiêu chuẩn xuất khẩu sầu riêng về quy trình sản xuất sạch, an toàn vệ sinh thực phẩm, vấn đề truy xuất nguồn gốc như mã số vùng trồng, mã số cơ sở chế biến đóng gói, tem nhãn bằng tiếng Anh hoặc tiếng Trung Quốc cần phải được nhanh chóng thực hiện.

Mã số vùng trồng là điều kiện cần thiết và bắt buộc đối với những thị trường khó tính và là một trong những yếu tố phục vụ cho truy xuất nguồn gốc sản phẩm, đặc biệt với những loại sản phẩm trái cây tươi. Tại tỉnh Lâm Đồng, việc khảo sát vùng trồng đã được ngành chức năng thực hiện. Tuy nhiên, để được cấp chứng nhận mã số vùng trồng cho sản phẩm trái cây sầu riêng vẫn còn trong tương lai.

Cùng với đó, người nông dân phải thay đổi phương thức sản xuất từ tự phát sang trồng sầu riêng có kiểm soát.

Ngành nông nghiệp cần tăng cường công tác tuyên truyền, vận động cho bà con nông dân và doanh nghiệp trồng sầu riêng thực hiện canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, đảm bảo đạt các tiêu chuẩn quốc tế về ATVSTP và truy xuất nguồn gốc xuất xứ. Đây là các điều kiện cơ bản cho việc xuất khẩu chính ngạch sầu riêng ra thị trường nước ngoài. Ngoài ra, các liên kết phát triển chuỗi giá trị sản phẩm sầu riêng cũng cần được củng cố, nâng cấp.

Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sầu riêng dưới dạng múi, đã tách vỏ và được cấp đông. Trung Quốc là thị trường tiêu thụ sầu riêng tươi nhiều nhất của Việt Nam nhưng chủ yếu là xuất tiểu ngạch, còn chính ngạch vẫn đang đàm phán. Trong năm nay, thị trường này đóng cửa tiểu ngạch nên xuất khẩu sầu riêng nước ta gặp nhiều khó khăn.

Chính vì vậy, trong Kế hoạch phát triển thị trường và xúc tiến thương mại nông sản năm 2021, Bộ NN&PTNT đặt mục tiêu sẽ tiếp tục đàm phán, trao đổi với Trung Quốc để được phép xuất khẩu chính ngạch nhiều loại nông sản sang thị trường này, ưu tiên sầu riêng, khoai lang, tổ yến, bưởi, chanh leo, bơ, na, roi, dừa, thảo quả và dứa; tôm sú/thẻ ướp đá, sứa ướp muối, hải sâm khô, cá bống bớp…

Bảo Ngân