Doanh nhân Nguyễn Như So sinh năm 1957 trên quê hương Tiên Du, Bắc Ninh. Trải qua những năm tháng khó khăn, nhọc nhằn thưở bé đã tôi rèn và hun đúc nên bản lĩnh kiên cường, sự quyết đoán trong lãnh đạo cùng sự sáng tạo nhạy bén trong lao động nơi người trí thức doanh nhân Nguyễn Như So. Trong những câu chuyện của ông về con đường sự nghiệp vẫn ánh lên tinh thần thép của người sáng lập và có hơn 20 năm dẫn dắt Dabaco vượt qua nhiều sóng thương trường.
Sau khi xuất ngũ và lấy được tấm bằng cử nhân kinh tế, năm 1988, ông được điều về làm Phó Giám đốc Công ty Vật tư Hà Bắc. Năm 1996, khi đanh làm tốt công việc thì ông được tỉnh điều chuyển về làm Giám đốc Công ty Dâu tằm tơ Hà Bắc - một doanh nghiệp làm ăn bết bát và đang nằm trong diện giải thể. Về thực chất là được lên chức nhưng thực ra chẳng khác gì “án kỉ luật” đối với ông So.
Sau khi ông So về, tỉnh đổi tên Công ty Dâu tằm tơ Hà Bắc thành Công ty Nông sản Bắc Ninh. "Mác mới" nhưng "ruột" cũ. “Khi đó, Công ty không còn hoạt động sản xuất, chỉ còn lại vài công nhân. Cơ sở vật chất hầu như không có gì ngoài mấy cái máy hàn trị giá 2,5 triệu và khu đất cỏ mọc xanh um”, ông So nhớ lại.
Mục tiêu đầu tiên ông đặt ra là xây dựng được một nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi và một trại gà giống, nhưng việc triển khai kế hoạch này khó khăn hơn nhiều so với dự liệu ban đầu. Đề án xây dựng nhà máy có tổng vốn đầu tư 20 tỷ đồng (thời giá 1996) thì Tỉnh chỉ đồng ý cấp kinh phí 1 tỷ đồng. Ông lập hồ sơ dự án xin vay vốn ngân hàng, song ngân hàng cũng từ chối nốt. Phải đến khi có sự bảo lãnh của UBND tỉnh, ông mới vay được 500.000 USD từ ngân hàng để nhập khẩu dây chuyền sản xuất và thiết bị.
Khi có được kinh phí hoạt động, ông đã cùng đội ngũ kỹ thuật sang Thái Lan và một số nước có công nghệ nông nghiệp tiên tiến để tham quan, học hỏi kinh nghiệm. Khi đã nắm được công thức pha trộn chuẩn, Công ty thực sự đi vào giai đoạn phát triển sản xuất và chỉ một năm sau đó, sản lượng đã tăng lên gần gấp đôi. Đến cuối năm 1998, ông Nguyễn Như So tiếp tục đầu tư xây dựng nhà máy thứ hai.
Đến nay, sản phẩm của công ty chiếm 25% thị phần tại các tỉnh miền Bắc và miền Trung, chiếm 8% tổng thị trường của cả nước. Tập đoàn Dabaco Việt Nam có hệ thống các trang trại chăn nuôi gia công gà, gia công lợn với qui mô lớn, trang thiết bị hiện đại, tự động hóa và thân thiện với môi trường. Sản phẩm gà thịt, lợn thịt đảm bảo các tiêu chuẩn vệ sinh thú y và vệ sinh an toàn thực phẩm theo qui định của pháp luật và tiêu chuẩn HACCP, cung cấp cho thị trường và đáp ứng nguồn nguyên liệu đầu vào cho nhà máy chế biến thực phẩm của Tập đoàn.
Tại tỉnh Bắc Ninh, Dabaco hiện có 6 Nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi với công nghệ đồng bộ và đã hoạt động hết công suất, sản phẩm được người chăn nuôi tin dùng và đánh giá là có chất lượng tốt. Tháng 8/2017, Tập đoàn hoàn thành việc đầu tư và đưa vào hoạt động Nhà máy TACN công suất 350.000 tấn/năm tại tỉnh Hà Nam, đây là nhà máy tự động hóa hoàn toàn với công nghệ tiên tiến nhất hiện nay.
Tập đoàn cũng đang triển khai nhà máy tại tỉnh Hà Tĩnh, Bình Phước, sau khi hoàn thành các dự án này tổng công suất TACN của Tập đoàn đạt 1.500.000 tấn/năm. Sản phẩm TACN của Dabaco đạt tiêu chuẩn quốc tế ISO 9001-2008, ISO 22000:2005 và hàng loạt các giải thưởng về chất lượng, thương hiệu của Việt Nam và Quốc tế. Hiện nay, Tập đoàn có 6 thương hiệu thức ăn chăn nuôi, bao gồm: Dabaco, Topfeeds, Kinh Bắc, Khangti Vina, Nasaco và Growfeeds.
Trong sản xuất Thức ăn chăn nuôi, Tập đoàn đầu tư Phòng thí nghiệm đạt tiêu chuẩn quốc gia VILAS 645 được trang bị đầy đủ các thiết bị hiện đại nhất trên thế giới như máy chiết xơ, chiết mỡ của Ý; máy cất đạm của Thụy Điển; máy đo độ ẩm hạt nhanh của Nhật, Mỹ; máy nghiền của Đức; hệ thống thiết bị phân tích thức ăn và nguyên liệu thức ăn bằng tia hồng ngoại gần của Thụy Điển... phân tích tất cả các chỉ số kỹ thuật - dinh dưỡng trong sản xuất TACN. Phần mềm xây dựng công thức TACN giúp cho việc tính toán các chỉ tiêu kỹ thuật - dinh dưỡng và giá thành sản xuất được thuận tiện, nhanh chóng và chính xác.
Nhằm ổn định nguồn nguyên liệu đầu vào, nâng cao chất lượng thức ăn chăn nuôi và cung cấp sản phẩm dầu ăn đảm bảo an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng, hiện Tập đoàn đang triển khai đầu tư dự án Nhà máy ép dầu có công suất 1.000 tấn hạt đậu nành/ngày. Dự kiến mỗi năm sản xuất, tinh chế hơn 80 triệu lít dầu ăn làm thực phẩm và 270 nghìn tấn nguyên liệu khô dầu đậu nành, đậu lành lên men chất lượng cao cho Nhà máy thức ăn chăn nuôi, với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 1.200 tỷ đồng.
Cùng với sản xuất thức ăn chăn nuôi, Dabaco cũng đầu tư mạnh vào sản xuất con giống và chăn nuôi; với giống lợn, ngay từ những năm 2000, Tập đoàn đã là một trong những doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên nhập khẩu đàn giống gốc cụ kị, ông bà từ Đan Mạch về nuôi giữ, lai tạo. Với giống gà, Dabaco nghiên cứu, lai tạo ra một số giống gà màu được thị trường ưa chuộng bởi những đặc tính ưu việt như Gà J-Dabaco, Gà Nòi, Gà 9 Cựa, gà Tân Hồ… Hiện gà giống của công ty đã có mặt trên tất cả các tỉnh, thành của cả nước, được người chăn nuôi đánh giá là giống gà có chất lượng cao, thịt thơm ngon, năng suất cao, giá thành hợp lý, được thị trường đánh giá đây là giống gà tốt nhất hiện nay...
Nếu xem mỗi bước ngoặt cuộc đời là một cuộc hành trình thì với doanh nhân Nguyễn Như So, hành trình đến với Công ty Cổ phần Tập đoàn Dabaco Việt Nam (DBC) và mang lại sự giàu sang cho người chăn nuôi, sự phồn vinh cho đất nước có lẽ là con đường định mệnh với rất nhiều thăng trầm, nơi ông đã cho đi nhiều tâm huyết, trí tuệ của mình để nhận lại nhiều giá trị cuộc sống. Là người lính, mang chất lính trong người nên khi bước vào trận tuyến mới, ông ý thức sâu sắc rằng không chỉ làm việc để vươn lên khẳng định bản thân mà còn làm thay công việc cho những đồng đội đã ngã xuống.
TH