Thực tế cho thấy, tỷ giá ngoại tệ có nhiều biến động khiến doanh nghiệp lo lắng. Dù đồng USD tăng giá khiến doanh thu xuất khẩu khi được quy đổi sang đồng Việt Nam sẽ tăng, giúp cho các doanh nghiệp xuất khẩu được hưởng lợi. Tuy nhiên, doanh nghiệp khi sản xuất phải nhập khẩu nhiều nguyên phụ liệu, giá USD tăng khiến doanh thu bị bội chi về phí nhập khẩu, phí vận tải (logistics) và phải gánh khoản chênh lệch tỷ giá rất lớn nếu vay nợ bằng USD.
Hơn nữa, tiền tệ biến động khiến tình hình lạm phát ở các thị trường chủ lực của Việt Nam là Mỹ, châu Âu… tăng cao, khiến sức mua của người dân giảm sút, tác động không nhỏ tới tình hình đơn hàng của doanh nghiệp.
Theo các chuyên gia kinh tế, đô la Mỹ vẫn là đồng tiền thanh toán chính cho phần lớn các hợp đồng xuất nhập khẩu của Việt Nam, nên diễn biến giá đô la Mỹ tăng mạnh gần đây đã gây ra nhiều biến động cho thị trường.
Trong khi đó, các nhà sản xuất các sản phẩm mà nguyên liệu sản xuất phải nhập khẩu cũng quan ngại không kém trước diễn biến tỉ giá đô la Mỹ tăng cao và nhanh hiện nay. Hàng loạt doanh nghiệp ở ngành hàng sản xuất khác như đồ nhựa, may mặc, thực phẩm, sản phẩm điện tử… cũng nhập nhiều nguyên liệu về sản xuất cho biết đang đau đầu với tiền đô la Mỹ tăng nhanh và cao, khiến việc kinh doanh của họ ngày càng khó khăn.
Nguy cơ tăng giá hàng hóa nhập khẩu
Ở lĩnh vực bán lẻ như hàng hóa tiêu dùng, ô tô, xe máy, hàng điện máy,… nhập khẩu về, giới kinh doanh cho rằng tỉ giá tăng cao chắc chắn sẽ tác động đến hàng tiêu dùng nhập khẩu.
Tuy nhiên, giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng có tăng hay không còn tùy thuộc vào sức mua của thị trường. Bởi lẽ thực tế sức mua trong nước hiện nay được các doanh nghiệp đánh giá là còn yếu, người tiêu dùng đang khó khăn nên thắt chặt chi tiêu, dẫn đến rất khó có thể tăng giá ngay từ bây giờ mà có thể lùi 2-3 tháng tới.
Còn trường hợp một số dòng sản phẩm thị trường tiêu thụ tốt, doanh nghiệp buộc phải tăng giá để bù vào phần chênh lệch tỉ giá.
Đề cập đến vấn đề này, một chuyên gia nhận định, giá đô la Mỹ tăng cao thì các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ có lợi, trong thời gian qua nhiều doanh nghiệp xuất khẩu các mặt hàng như da giày, dệt may, linh kiện điện tử, thủy sản... có thêm lợi thế trên thị trường vì phần lớn các đơn hàng, giao dịch đã được ký kết từ trước.
Nhưng ngược lại doanh nghiệp nhập khẩu sẽ có nguy cơ bị lỗ. Từ đầu năm đến nay, tỉ giá hối đoái biến động quá mạnh sẽ khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn, nhất là các công ty nhỏ không đủ nguồn lực, công cụ để có thể dự phòng rủi ro tỉ giá.
Ngọc Phi (t/h)