Doanh nghiệp và bài toán hàng rào kỹ thuật trong chuỗi cung ứng toàn cầu

15:43 04/10/2021

COVID-19 như một công tắc kích hoạt của nền kinh tế thế giới. Ở thời điểm hiện tại, khi giải pháp Vaccine đẩy lùi đại dịch đã làm cho nền kinh tế phục hồi. Nhiều chuyên gia kinh tế đã đánh giá kinh tế Châu Âu và toàn cầu thời gian tới dự đoán sẽ được tái khởi động hoàn toàn. Vậy bài toán cho doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng toàn cầu như thế nào?

“Bài toán cơ hội lớn” tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu

Xét về bối cảnh đại dịch hiện nay, việc vận chuyển hàng hóa và lưu thông mùa dịch đã gặp không ít khó khăn cả trong nước và quốc tế, ảnh hưởng lớn đến chuỗi cung ứng toàn cầu. Tuy nhiên, phủ rộng toàn cầu tiêm vaccine, các nước trên Thế giới đang dần mở cửa với hoạt động kinh tế trong đó có hoạt động xuất nhập khẩu quốc tế. 

Việt Nam có cơ hội rất lớn để tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu
Việt Nam có cơ hội rất lớn để tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Việt Nam có lợi thế là Chủ tịch của ASEAN, khẳng định vị thế của Việt Nam tại các quốc gia Đông Nam Á, cùng với đó Hiệp định EVFTA đã được thông qua đã góp phần mang đến cho doanh nghiệp Việt Nam cơ hội dễ dàng vào thị trường châu Âu, thị trường rộng lớn với khoảng 500 triệu người tiêu dùng. Ngược lại, người tiêu dùng Việt Nam cũng được tiếp cận với hàng hóa, dịch vụ chất lượng cao và sáng tạo của châu Âu thông qua việc ứng dụng và phát triển khoa học công nghệ vào sản xuất phù hợp với xu thế toàn cầu, đồng thời, sản phẩm Việt sẽ nâng lên một tầm cao mới về chất lượng.

Sau 9 năm đàm phán, Nghị quyết phê chuẩn EVFTA và EVIPA được Quốc hội thông qua được xem là một thành công lớn của Việt Nam, mở ra cơ hội vô cùng lớn cho kinh tế Việt Nam. Để vừa chủ động tiếp cận vừa có thể tham gia thành công vào chuỗi cung ứng toán cầu và thị trường khó tính như EU thì các doanh nghiệp Việt Nam cần một bài toán cần có phương pháp giải cụ thể.

Các hoạt động cụ thể của từng ngành, từng lĩnh vực nền kinh tế xã hội của đất nước cũng sẽ có những điều kiện thuận lợi để thụ hưởng những ưu đãi trong tiếp cận với thị trường quốc tế, về đổi mới công nghệ để giải bài toán hàng rào kỹ thuật, thị trường lao động trong đó nhân lực ngành logistics là một trong những yếu tố vô cùng quan trọng, về cả tín dụng, thị trường hàng hóa, dịch vụ,…

Những ngành dệt may, da giày, đồ nội thất, thủy sản ... có quy mô lớn và kinh doanh bài bản đều có thể vào thị trường EU và các nước Đông Nam Á. Một số doanh nghiệp xuất khẩu trong lĩnh vực máy móc, hóa chất và thiết bị vận tải, đều là những mặt hàng cần thiết cho sự chuyển đổi mô hình phát triển và hiện đại hóa của nền kinh tế Việt Nam. 

Hiệp định EVFTA đã được thông qua đã góp phần mang đến cho doanh nghiệp Việt Nam cơ hội dễ dàng vào thị trường châu Âu
Hiệp định EVFTA đã được thông qua đã góp phần mang đến cho doanh nghiệp Việt Nam cơ hội dễ dàng vào thị trường châu Âu.

Tuy nhiên, bên cạnh những điểm lợi thế và cơ hội là những thách thức cần phải đối mặt như: Nhiều doanh nghiệp đang xuất khẩu vào các thị trường khó tính toàn cầu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ với nguồn lực hạn chế, quy trình sản xuất chưa đạt chuẩn, chưa có sự đầu tư thích đáng cho R&D, chưa khai thác hiệu quả tài sản sở hữu trí tuệ, thương hiệu, thiếu nhân lực có ngoại ngữ và kỹ năng đàm phán xúc tiến thương mại chuyên nghiệp để thực hiện hoạt động xuất khẩu vào thị trường EU và các thị trường quốc tế khác.

Các quy định về mức độ bảo đảm chất lượng với hàng rào kỹ thuật cần được thay thế hoặc đưa vào sử dụng mới... Áp lực cạnh tranh giữa các doanh nghiệp nội địa với các doanh nghiệp nước ngoài vào sản xuất kinh doanh, tạo ra các sản phẩm giả hàng Việt Nam để xuất khẩu.... Đó là hàng loạt bài toán cần tháo gỡ cho việc tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.

Giải bài toán về hàng rào kỹ thuật

Theo thông tin của Cục xuất nhập khẩu - Bộ Công thương cho biết, các mặt hàng Việt Nam đang có thế mạnh và có tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu hiện nay chủ yếu là các sản phẩm công nghiệp, sử dụng nhiều lao động như dệt may, da giầy, đồ gỗ, điện tử, cơ khí... Với những sản phẩm này, mặc dù sản lượng sản xuất và giá trị xuất khẩu rất lớn, nhưng sự tham gia của doanh nghiệp Việt Nam vẫn ở những công đoạn có giá trị thấp, hàm lượng công nghệ chưa lớn, chưa xây dựng được những thương hiệu tầm cỡ quốc tế đối với sản phẩm.

Nhìn vào quá trình các quốc gia khác đi trước như: Nhật Bản là thế hệ đầu tiên chuyển sản xuất hàng dệt may ra nước ngoài để tập trung vào những sản phẩm công nghệ và dịch vụ, thế hệ tiếp theo là Hàn Quốc, Đài Loan, Hong Kong cũng dần dần chuyển từ sản xuất sang đầu tư. Rất nhiều nhà máy dệt may, da giầy, đồ gỗ lớn ở Việt Nam hiện nay là thuộc những nhà đầu tư đến từ những nước và vùng lãnh thổ này. Hiện nay, Trung Quốc cũng đang dần dần chuyển dịch những cơ sở sản xuất có công nghệ lạc hậu, tác động xấu đến môi trường ra khỏi đất nước của họ.

Việc tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu trong thời gian qua đã giúp doanh nghiệp chúng ta làm quen, có kiến thức nhất định về chuỗi cung ứng, sản xuất hàng hóa, với việc phân công lao động và chuyên môn hóa sản xuất. Các doanh nghiệp cũng phải tự đổi mới, hoàn thiện quy trình sản xuất để đáp ứng những tiêu chuẩn về lao động, môi trường mà khách hàng đưa ra. Chúng ta cũng đào tạo được một lực lượng lao động có tay nghề thuần thục trong các ngành này và tiếp thu được một số thành tựu, công nghệ để nâng cao giá trị sản phẩm”, ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu khẳng định. 

Ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương
Ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương.

Ông Trần Thanh Hải nhấn mạnh: “Chuyển đổi là quá trình của doanh nghiệp. Nhưng trong quá trình đó, Nhà nước sẽ đóng vai trò xúc tác, định hướng, giúp cho quá trình đó diễn ra nhanh hơn, đúng hướng. Thông qua các công cụ chính sách (thuế, ưu đãi, đào tạo, thông tin, xúc tiến...), Nhà nước sẽ giúp cho doanh nghiệp của chúng ta hội nhập hiệu quả hơn nữa.”

Việt Nam là nước có tốc độ xuất khẩu cao (năm 2019 đạt 8%), đồng thời cũng đã ký kết nhiều FTA với các khu vực và các nước, do vậy hàng rào kỹ thuật được xem là yếu tố then chốt giúp doanh nghiệp ứng phó phù hợp với chuỗi cung ứng toàn cầu. Chưa nói tới việc tham gia vào tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay, thị trường thế giới được mở cửa ngày càng rộng thông qua cắt giảm thuế quan thì các hàng rào kỹ thuật lại được áp dụng một cách phổ biến, tinh vi, tạo ra những cản trở cho hoạt động thương mại.

Bài toán ở đây chính là quy trình công nghệ sản xuất sản phẩm, kỹ thuật bảo đảm an toàn và chất lượng sản phẩm, và một việc rất quan trọng là nhận diện xuất xứ sản phẩm, các doanh nghiệp có cơ hội tìm kiếm và mở rộng hợp tác để tận dụng hiệu quả nguồn vốn vào việc chuyển giao công nghệ từ các tập đoàn lớn quốc tế, trong đó có thể nói tới việc chuyển giao công nghệ sản xuất Vaccine. Các hàng rào kỹ thuật là một cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam phải đổi mới mạnh mẽ, áp dụng công nghệ và quản trị tiên tiến, đầu tư thật sự cho chất lượng sản phẩm, quy trình sản xuất đảm bảo các tiêu chuẩn quốc tế...

Một khi đã vượt qua những hàng rào kỹ thuật khó khăn nhất thì việc thâm nhập các thị trường khác sẽ thuận lợi hơn nhiều. Do vậy, cùng với các vấn đề như xúc tiến thương mại, đào tạo nhân lực, thu hút vốn đầu tư thì nâng cao năng lực ứng phó với hàng rào kỹ thuật là một trong những vấn đề lớn mà doanh nghiệp cần quan tâm trong bối cảnh thương mại toàn cầu tác động đến Việt Nam hiện nay.

Nội địa hóa và bài toán chống hàng giả

Bên cạnh bài toán về hàng rào kỹ thuật thì việc đẩy mạnh nội địa hóa không chỉ đơn thuần là gia tăng số lượng nhà cung cấp Việt mà quan trọng hơn là nâng cao năng lực, chất lượng của nhà cung cấp, từ đó giảm chi phí sản xuất, tăng năng lực cạnh tranh. Chúng ta cần gia tăng số lượng nhà cung cấp nội địa, đồng thời cùng tăng thêm các nhà cung cấp là những đơn vị sản xuất tại nhà máy của hãng. Nhiều doanh nghiệp đã và đang loay hoay tìm cách ứng phó với hàng rào kỹ thuật, cũng chính là một trong những yếu tốt then chốt để nâng cao chất lượng sản xuất, đảm bảo nội địa hóa sản phẩm đạt ở mức tốt.

Đặc biệt là khi vào thị trường quốc tế, các doanh nghiệp lại phải chịu sức cạnh tranh vô cùng lớn, nên việc ưu tiên các mặt hàng nội địa hóa là vô cùng quan trọng đảm bảo tính xuất xứ hàng hóa, đảm bảo về kỹ thuật. Các doanh nghiệp cần những cầu nối, tìm kiếm và đánh giá nhà cung cấp mới, hỗ trợ nhà cung cấp hiện tại trong việc sản xuất, nâng cao chất lượng và số lượng sản phẩm cung cấp với từng ngành và từng nhóm đối tượng doanh nghiệp để tăng cường kết nối hợp tác chuyển giao công nghệ, ưu tiên phát triển các ngành sản xuất phụ trợ có yếu tốt then chốt...

Đồng thời, tham gia các chương trình đào tạo, tập huấn, phổ biến về nâng cao năng lực sản xuất, tìm kiếm các nhà đầu tư để giúp các doanh nghiệp có thể đẩy mạnh nguồn vốn FDI. Đặc biệt nhận định rõ những sản phẩm phụ trợ, những ngành sản xuất còn thiếu hụt để tìm các biện pháp tối đa hỗ trợ, góp ý... giúp doanh nghiệp đảm bảo được thị trường nội địa. 

Ứng dụng Blockchain trong truy xuất nguồn gốc sản phẩm
Ứng dụng Blockchain trong truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Bên cạnh đó là đi kèm với bài toán hàng giả và hàng không rõ nguồn gốc để làm giảm tỉ lệ nội địa hóa, đồng thời chen chân vào thị trường quốc tế. Đây là yêu cầu cấp thiết và tối quan trọng. Với thị trường khó tính này thì nguồn gốc xuất xứ và an toàn kỹ thuật, khoa học cho sản phẩm được đặt lên hàng đầu. Vì vậy, để thực hiện được các công việc này, các doanh nghiệp nên tiếp cận với các công nghệ mới như truy xuất nguồn gốc bằng mã vạch hoặc ứng dụng công nghệ blockchain trong truy suất nguồn gốc suất xứ, hoặc khai báo điện tử với các ngành hàng, sản phẩm được đăng ký và bảo hộ bởi các cơ quan chức năng có thẩm quyền. Việc xuất khẩu hàng hóa quốc tế khi được các cơ quan chức năng có thẩm quyền chứng nhận là một biện pháp an toàn và bền vững.

Cũng theo Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Trần Thanh Hải: “Việc siết chặt các quy định về cấp Giấy chứng nhận xuất xứ (C/O), tăng cường kiểm tra trước và sau khi cấp C/O, theo dõi và phát hiện các trường hợp đầu tư đội lốt, nâng mức chế tài xử phạt các trường hợp vi phạm... là cần thiết, nhưng chưa đủ. Giải pháp chính phải nằm ở ngay tại doanh nghiệp. Thông qua các Hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp cần đoàn kết, nâng cao ý thức kinh doanh đúng pháp luật, không tiếp tay cho các hành vi gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp. Khi phát hiện các trường hợp vi phạm, các doanh nghiệp cần phối hợp với chính quyền để đưa các doanh nghiệp vi phạm ra xử lý, qua đó răn đe những doanh nghiệp có ý định vi phạm.”

Nhận thấy tác động to lớn từ vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 824/QĐ-TTg để khởi động một chiến dịch phòng chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ. Thời gian qua, đã có cảnh báo với một số mặt hàng như thép, tôn, gỗ dán cứng, xe đạp điện, xe tay nâng... Xu hướng mua bán và sáp nhập (M&A) đang phổ biến hiện nay cũng tiềm ẩn một nguy cơ tạo cơ hội cho gian lận xuất xứ. Các Bộ ngành cần khẩn trương rà soát quy định hiện thời, đề ra giải pháp phù hợp để đảm bảo các hoạt động bình thường của thị trường, nhưng có thể nhanh chóng phát hiện và ngăn chặn hành vi gian lận xuất xứ.

Vũ Đào