Nạn “công văn”
Ngay phần đầu Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF) giữa kỳ 2018 ngày 4/7, đại diện các DN đã nêu ra các vấn đề tồn tại ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh và môi trường đầu tư của Việt Nam. Chủ tịch Hiệp hội DN Nhật Bản (JCCI) Koji Ito, cho hay: Việt Nam cần có quy định thống nhất về việc sử dụng “công văn” hướng dẫn thực thi luật không có cơ sở pháp lý rõ ràng; tình trạng cán bộ chưa hiểu rõ quy định, giải thích hướng dẫn chưa rõ ràng; thiếu phối hợp giữa các bộ ngành... Những điểm này, ông Koji Ito đã phản ánh tại các diễn đàn trước, nhưng chưa mấy chuyển biến, nên lần này tiếp tục đưa ra, với hy vọng sẽ có chuyển biến thời gian tới.
Ðại diện Nhóm công tác Thuế và Hải quan VBF bày tỏ nhiều quan ngại trong hoạt động thanh kiểm tra, thu thuế của Việt Nam gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Còn Chủ tịch Hiệp hội DN Hàn Quốc tại Việt Nam Kim Heung Soo lo ngại việc các cơ quan hữu quan Việt Nam đơn phương đưa ra các quyết định hành chính ảnh hưởng tới DN. Ông Kim dẫn chứng, có trường hợp hợp đồng hợp tác đầu tư vẫn chưa hết hiệu lực, nhưng lại cấp giấy cho đơn vị khác triển khai; hay đơn phương kết thúc các chính sách ưu đãi dù chưa hết thời gian theo luật định và giấy phép đầu tư. “Đây là vấn đề rất nghiêm trọng, vì các chính sách có thể bị chấm dứt đột ngột ảnh hưởng tới hoạt động của DN tại Việt Nam và các ý định đầu tư”, ông Kim nói.
Ông Michael Kelly, Chủ tịch Hiệp hội DN Hoa Kỳ tại Việt Nam (AMCHAM) đánh giá, Việt Nam đã có những cải thiện đáng kể về thủ tục thông quan. Tuy nhiên, việc hậu kiểm thường xuyên trên diện rộng và không cần thiết đã gây cản trở DN. Ông dẫn chứng, có DN phản ánh chịu hậu kiểm tới 10 lần trong 2 tháng, dù có rất ít lý do công ty này thuộc diện rủi ro cao. “Cả DN Việt và FDI đều cần môi trường kinh doanh mang tính động viên, khuyến khích. Chúng tôi luôn ủng hộ kiểm tra DN có nguy cơ cao, nhưng không phải DN luôn chấp hành pháp luật lại bị kiểm tra thường xuyên”, ông Michael đề nghị.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - đồng Chủ tịch diễn đàn VBF, cho biết: Thời gian qua, dù Chính phủ đã có những biện pháp quyết liệt để cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh nhưng trên thực tế không phải tất cả các bộ ngành, các địa phương đều có hành động cụ thể và thực chất. Chủ tịch VCCI dẫn chứng, sau 4 năm thực hiện cơ chế một cửa quốc gia, mới chỉ 47/245 thủ tục (chiếm 19% tổng số thủ tục xuất nhập khẩu) được thực hiện theo cơ chế đó. Trong số thủ tục đã được thực hiện, không ít trường hợp chưa điện tử hóa đồng bộ, thậm chí còn gây khó khăn hơn cho DN…
Doanh nghiệp FDI. Ảnh minh họa của: Tuấn Nguyễn.
Do đó, thay lời DN, ông Lộc chuyển tới Chính phủ các kiến nghị về giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, như: Tiếp tục thực hiện triệt để các mục tiêu cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tận dụng tối đa cơ hội từ việc hội nhập quốc tế để cải cách toàn diện hệ thống pháp luật.
Có “công thức bí mật” để tính thuế?
Ông Richard Leech, Ủy viên Hiệp hội DN Anh tại Việt Nam (BBGV) chuyển phản ánh của một số DN thành viên liên quan tới cán bộ thuế và hải quan. Theo đó, cán bộ thanh, kiểm tra của 2 cơ quan này có biểu hiện gây cản trở, khó dễ, thậm chí sử dụng hình thức đe dọa DN. Điều này gây lo ngại cho các nhà đầu tư nước ngoài về chính sách, tính minh bạch trong hoạt động quản lý nhà nước. Vì vậy, BBGV đề nghị Chính phủ lập ban độc lập xử lý các kiến nghị như vậy của DN, ban này phải có quyền cao hơn cơ quan thuế, hải quan.
Trưởng Nhóm công tác thuế và hải quan (thuộc VBF) Mark Gillin cho rằng, chi phí thuế của DN tại Việt Nam chiếm tới 38% lợi nhuận, thực tế còn cao hơn do các rào cản “vô hình”.
Ông Mark Gillin dẫn thực tế khảo sát, các cơ quan thuế địa phương thường ấn định chỉ tiêu nộp ngân sách cho từng DN trong quá trình thanh kiểm tra. Kể cả khi cán bộ thuế biết rõ chưa đến kỳ nộp thuế, vẫn cố tình tìm kiếm dấu hiệu vi phạm, thực chất đó là sách nhiễu, cho đến khi DN nộp đủ “chỉ tiêu”. Việc quyết toán thuế cũng tốn nhiều thời gian của DN và tạo kẽ hở để cán bộ thuế tham nhũng. Đó là nguyên nhân cơ quan thuế ngày càng mất tín nhiệm. Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB), thời gian nộp thuế ở Việt Nam hết 498 giờ, cao gần gấp 3 lần Campuchia, gấp 7,75 lần Singapore (chưa thời gian thanh, kiểm tra)...
Theo ông Mark Gillin, cơ quan thuế đang dùng công cụ thanh, kiểm tra để “soi” DN, nhằm loại bỏ chi phí, tăng số tiền thu. Đặc biệt, các thay đổi chi phí, cán bộ thuế thường được dựa trên cách hiểu khác nhau về quy định, hay những lỗi không cố tình của DN.
Theo đó, trong khi ngành thuế thường nói mình ít cán bộ, thiếu thời gian hướng dẫn DN, nhưng lại thừa thời gian ngồi nhiều ngày, nhiều tháng để soi lỗi của DN. Thậm chí, các DN FDI còn “tố” cơ quan thuế có “công thức bí mật” để tính thuế, và
buộc DN phải chấp nhận; hay hóa đơn, chứng từ chỉ sai 1 chữ cái, 1 dấu cũng bị từ chối... “Những bất cập trên còn được tiếp nối với tiền phạt cao (20%), tính lãi chậm nộp cao (4,69%), nên cán bộ thuế thích kéo dài để thu thêm, chỉ giảm nhẹ một phần nếu được hối lộ. Thực tế trên làm gia tăng những hành vi sách nhiễu, dồn ép, đòi hỏi từ phía cán bộ thuế, đặc biệt qua thanh kiểm tra. Điều này làm triệt tiêu các thành quả của cải cách những năm qua”, chủ tịch nhóm công tác thuế và hải quan nói.
“Với tư cách là cơ quan đầu mối của Chính phủ trong việc tổ chức Diễn đàn doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Ðầu tư sẽ tổng hợp những kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để đề nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi luật pháp, chính sách, đồng thời chỉ đạo các Bộ ngành, địa phương xem xét, giải quyết những khó khăn vướng mắc của cộng đồng doanh nghiệp”. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng kết luận |
Chủ tịch Hiệp hội DN Nhật Bản (JCCI) Koji Ito, cho hay: Việt Nam cần có quy định thống nhất về việc sử dụng "công văn" hướng dẫn thực thi luật không có cơ sở pháp lý rõ ràng; tình trạng cán bộ chưa hiểu rõ quy định, giải thích hướng dẫn chưa rõ ràng; thiếu phối hợp giữa các bộ ngành... |
Nhóm PV Kinh tế