Hiện nay, các tổ chức tín dụng tại Việt Nam đang nỗ lực hỗ trợ các doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi sang mô hình kinh doanh bền vững thông qua các gói tín dụng ưu đãi.
Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã triển khai một gói tín dụng trị giá 10.000 tỷ đồng, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư mới hoặc cải tạo các "Công trình Xanh". Doanh nghiệp tham gia chương trình sẽ có cơ hội tiếp cận lãi suất ưu đãi, được giải ngân nhanh chóng và nhận sự tư vấn từ các chuyên gia có kinh nghiệm trong lĩnh vực tài trợ dự án xanh. Trước đó, BIDV cũng đã triển khai gói tín dụng xanh 4.200 tỷ đồng dành riêng cho các doanh nghiệp dệt may trong quá trình chuyển đổi xanh. Bên cạnh đó, BIDV còn có sản phẩm "tiền gửi xanh", với số vốn huy động hơn 5.000 tỷ đồng, dành riêng cho các hoạt động tín dụng xanh.
Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) cũng đã ra mắt gói tín dụng trị giá 5.000 tỷ đồng dành riêng cho các dự án xanh, với lãi suất 0% trong ba tháng đầu cho các dự án năng lượng tái tạo, giao thông vận tải, và nông nghiệp bền vững. Chính sách này được TPBank đưa ra nhằm thực hiện cam kết quản lý rủi ro môi trường và thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế ít carbon.
Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) cũng dành 5.000 tỷ đồng trong chương trình tài chính xanh Green UP để cấp vốn cho các dự án mang lại lợi ích cho cộng đồng và xã hội. Trong khi đó, Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) đã triển khai gói tín dụng xanh trị giá 3.000 tỷ đồng với lãi suất cạnh tranh, nhằm hỗ trợ nhu cầu vốn của doanh nghiệp trong việc phát triển bền vững.
Ngoài ra, Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) đã triển khai gói tín dụng xanh/xã hội trị giá 2.000 tỷ đồng từ đầu năm 2024, với nhiều ưu đãi dành cho các doanh nghiệp có phương án kinh doanh có lợi cho môi trường và xã hội. Các ngân hàng khác như Agribank, MBBank, HDBank, Nam A Bank cũng có các chương trình ưu đãi riêng dành cho các dự án xanh, trong đó HDBank là một trong những ngân hàng tiên phong trong việc đánh giá rủi ro về môi trường và xã hội trong cấp tín dụng, đồng thời đã hỗ trợ nhiều dự án năng lượng tái tạo và nông nghiệp hữu cơ trên toàn quốc.
Dù có nhiều nỗ lực từ phía các ngân hàng, việc thực hiện các chương trình này vẫn gặp phải nhiều khó khăn, đòi hỏi sự hỗ trợ thêm từ chính sách và sự hợp tác chặt chẽ từ các doanh nghiệp để đạt được mục tiêu phát triển bền vững.
P.V (t/h)