Việc áp dụng đồng thời nhiều biện pháp tiết kiệm năng lượng có thể giúp các doanh nghiệp sản xuất cắt giảm chi phí lên đến hàng tỷ đồng mỗi năm. Trong bối cảnh kinh tế thế giới biến động, chuỗi cung ứng gián đoạn tác động đáng kể tới ngành sản xuất Việt Nam, trong đó bao gồm dệt may, Công ty Cổ phần - Tổng Công ty Dâu tằm tơ Việt Nam xác định một trong những “chìa khóa” vượt qua khó khăn là giảm thiểu chi phí, đặc biệt chú trọng tiết kiệm năng lượng trong sản xuất.
Tiết giảm chi phí giúp Công ty Cổ phần - Tổng Công ty Dâu tằm tơ Việt Nam vượt qua cơn “bĩ cực”. |
Theo ông Lê Văn Đồng – Trưởng phòng Khoa học - Công nghệ và Chất lượng sản phẩm, Công ty Cổ phần - Tổng Công ty Dâu tằm tơ Việt Nam, hiện doanh nghiệp sở hữu 4 nhà máy tại khu vực Bảo Lộc (Lâm Đồng), chuyên xe tơ, dệt lụa và gia công hàng hóa cho đối tác Nhật Bản. Các yêu cầu về hình thức, mẫu mã đều do đối tác đưa ra, còn công ty thực hiện theo hợp đồng ký kết.
“Đối tác đặt ra tiêu chuẩn rất khắt khe, từ độ dài mảnh của tơ, độ mềm, mịn cho tới bề mặt của lụa… Chúng tôi vừa phải đáp ứng những yêu cầu chất lượng nghiêm ngặt, vừa nỗ lực giảm chi phí, tối ưu nguyên vật liệu cũng như năng lượng tiêu thụ,” ông Đồng chia sẻ.
Do hệ thống máy móc đã được chế tạo từ lâu, tuy vận hành ổn định nhưng tiêu tốn nhiều năng lượng, công ty đã đưa ra quy trình lao động chặt chẽ nhằm nâng cao ý thức tiết kiệm điện của công nhân. Tại mỗi xưởng, luôn có quy định rõ ràng: chỉ bật điện trong giờ sản xuất và phải tắt ngay khi kết thúc, rời dây chuyền.
Ông Đồng cho biết thêm: “Mỗi năm chúng tôi sử dụng khối lượng điện lên đến hàng triệu kWh, nên bất kỳ biện pháp tiết kiệm nào, dù là nhỏ nhất, cũng giúp doanh nghiệp duy trì sức cạnh tranh. Ngoài việc giảm tiêu thụ điện lưới, chúng tôi còn lắp hệ thống điện mặt trời trên mái xưởng. Khu vực Bảo Lộc có tiềm năng năng lượng mặt trời dồi dào vào mùa nắng, giúp công ty tiết kiệm đáng kể chi phí. Hiện chúng tôi tiếp tục mở rộng hệ thống này, vừa ‘xanh hóa’ dây chuyền sản xuất vừa cắt giảm tiêu hao năng lượng.”
Các diễn giả dự Tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Tiết kiệm năng lượng trong các ngành công nghiệp: Bài toán công nghệ và chính sách” do Tạp chí Công Thương tổ chức mới đây. (Nguồn: Tạp chí Công Thương) |
Chia sẻ tại Tọa đàm trực tuyến “Tiết kiệm năng lượng trong các ngành công nghiệp: Bài toán công nghệ và chính sách” do Tạp chí Công Thương tổ chức mới đây, ông Nguyễn Quốc Dũng - Trưởng ban Kinh doanh Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) nhấn mạnh, việc sử dụng năng lượng tiết kiệm trong sản xuất có tác động lớn đến toàn xã hội. Tiềm năng tiết kiệm năng lượng tại các doanh nghiệp sản xuất hiện rất dồi dào.
Theo khảo sát của Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030 (VNEEP3), các ngành công nghiệp Việt Nam đang chiếm hơn 50% tổng mức tiêu thụ năng lượng trên cả nước, với khả năng tiết kiệm lên tới 30% - 35%. Tại Tọa đàm, ông Mạch Đình Khoa – Giám đốc Phát triển chiến lược kinh doanh và hoạt động thương mại, Công ty TNHH Schneider Electric Việt Nam, nhấn mạnh vai trò quan trọng của tiết kiệm năng lượng đối với doanh nghiệp. Trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt, tối ưu chi phí sản xuất giúp doanh nghiệp có thể hạ giá bán hoặc giữ giá bán ổn định, tạo lợi thế trên thị trường.
“Nếu doanh nghiệp không chú trọng đến tiết kiệm năng lượng, chi phí sản xuất sẽ tăng cao, kéo theo giảm khả năng cạnh tranh cả ở thị trường trong nước lẫn xuất khẩu. Bên cạnh đó, nhiều thị trường lớn như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản đang ưu tiên tiêu chuẩn về phát thải carbon, nên việc sản xuất tiết kiệm năng lượng đồng nghĩa với giảm lượng khí thải carbon, giúp doanh nghiệp nâng cao vị thế cạnh tranh,” ông Khoa nêu dẫn chứng.
Trong năm 2023, Dự án “Thúc đẩy thị trường đầu tư tiết kiệm và hiệu quả năng lượng trong lĩnh vực công nghiệp và hỗ trợ Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh Việt Nam” do Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) khởi xướng, đã lựa chọn 10 doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực như sản xuất giấy, thép, sợi, điện... để tiến hành kiểm toán năng lượng dưới sự giám sát của các chuyên gia Hàn Quốc. Mỗi doanh nghiệp đã được đề xuất hàng chục giải pháp tiết kiệm năng lượng.
Các khảo sát của Chương trình Quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 - 2030 cho thấy, tiềm năng tiết kiệm năng lượng trong công nghiệp có thể đạt từ 20%-30%. |
Ông Trịnh Quốc Vũ – Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, cho biết mục tiêu của dự án là đóng góp vào mục tiêu quốc gia trong việc giảm cường độ năng lượng, thông qua việc cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng trong khu vực công nghiệp; đảm bảo an ninh năng lượng cho phát triển kinh tế - xã hội; và giảm phát thải khí nhà kính nhằm hiện thực hóa cam kết của Việt Nam về mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Tham gia dự án, các doanh nghiệp có thể tiếp cận nguồn vốn từ Quỹ Chia sẻ rủi ro (RSF) – hỗ trợ bảo lãnh tín dụng tới 50% giá trị khoản vay thương mại cho các dự án tiết kiệm năng lượng đủ điều kiện. Ngoài ra, doanh nghiệp còn có cơ hội tiếp cận khoản tín dụng 220 triệu USD từ Chính phủ Hàn Quốc thông qua Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc (K-EXIM) phối hợp với các ngân hàng thương mại Việt Nam, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nhập khẩu trang thiết bị và dịch vụ từ Hàn Quốc.