Năm 2024, sản lượng cá rô phi toàn cầu đạt khoảng 7 triệu tấn, trong đó Mỹ là thị trường nhập khẩu lớn nhất, với hơn 178.000 tấn. Trong nhiều năm qua, Trung Quốc là quốc gia xuất khẩu cá rô phi hàng đầu thế giới, đồng thời cũng là nhà cung cấp chính cho thị trường Mỹ. Tuy nhiên, những biến động về chính sách thuế quan đã tạo ra thay đổi lớn trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Việc Mỹ áp thuế 25% từ năm 2018, và mới đây tăng thêm 125%, khiến tổng thuế suất lên tới 150%, đã khiến xuất khẩu cá rô phi từ Trung Quốc sang Mỹ gần như tê liệt. Giá cá rô phi tại các vùng nuôi trọng điểm như Quảng Đông, Hải Nam cũng giảm mạnh, do doanh nghiệp chế biến cắt giảm thu mua.
Trong bối cảnh đó, Việt Nam nổi lên như một điểm đến thay thế đáng chú ý. Chỉ trong quý I/2025, xuất khẩu cá rô phi và cá điêu hồng của Việt Nam đạt gần 14 triệu USD, tăng 131% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, riêng thị trường Mỹ chiếm đến 46% tổng kim ngạch. Các đơn hàng từ phía đối tác Mỹ đang tăng đột biến – một tín hiệu rõ ràng cho thấy các nhà nhập khẩu đang dịch chuyển khỏi Trung Quốc, tìm kiếm nguồn cung mới từ Việt Nam.
![]() |
Định hướng xây dựng thương hiệu cá rô phi Việt Nam |
Tuy nhiên, để tận dụng cơ hội này và vươn lên trở thành quốc gia cung cấp cá rô phi chủ lực, Việt Nam cần có chiến lược xây dựng thương hiệu rõ ràng và dài hạn. Như ông Nguyễn Văn Tiến – Trưởng nhóm toàn cầu nghiên cứu phát triển thủy sản của De Heus – nhận định: “Chính sách phải đi trước để phát triển sản phẩm này, chứ không để sản phẩm phát triển rồi mới bắt đầu xây dựng chính sách, khi ấy sẽ có độ trễ và đánh mất thời cơ”.
Một trong những điểm nghẽn hiện nay là mô hình sản xuất cá rô phi tại Việt Nam còn manh mún, thiếu liên kết chuỗi giữa các khâu giống, nuôi trồng, chế biến và tiêu thụ. Dù các trung tâm sản xuất giống như ở An Giang đã được đầu tư bài bản, nhưng việc nhân rộng mô hình và áp dụng đồng bộ các tiêu chuẩn như VietGAP vẫn còn hạn chế. Điều này khiến việc kiểm soát chất lượng gặp khó khăn, làm suy giảm năng lực cạnh tranh và cản trở quá trình xây dựng thương hiệu quốc gia.
Ông Trần Đình Luân – Cục trưởng Cục Thủy sản và Kiểm ngư – cũng thừa nhận, Việt Nam có điều kiện khí hậu và nguồn nước lý tưởng để phát triển cá rô phi, nhưng chưa có chiến lược bài bản từ đầu. Năm 2024, cả nước có khoảng 30.000 ha diện tích nuôi cá rô phi, sản lượng đạt 300.000 tấn, trong đó sản xuất giống đạt 1,09 tỷ con. Đây là nền tảng tốt, nhưng vẫn cần một định hướng chung để quy hoạch vùng nuôi, nâng cấp hạ tầng và chuẩn hóa quy trình sản xuất.
Từ góc độ doanh nghiệp, các chuyên gia của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) nhấn mạnh rằng, cá rô phi Việt Nam cần được xác định là sản phẩm chiến lược, kế tiếp sau tôm và cá tra. Với tiềm năng thị phần toàn cầu dự báo lên đến 14,5 tỷ USD – chỉ sau tôm (25 tỷ USD), cá rô phi không thể tiếp tục là sản phẩm phụ, sản xuất tự phát như trước. Việc đa dạng hóa sản phẩm, tập trung vào chế biến sâu, nâng cao chất lượng và tăng tỷ lệ sản phẩm đông lạnh cũng là hướng đi bắt buộc.
Ngoài ra, khi định hướng thị trường xuất khẩu là Mỹ – vốn yêu cầu rất cao về an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc – các doanh nghiệp Việt Nam cần đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ, quản lý chất lượng và tuân thủ các quy định kỹ thuật. Song song đó, việc đối mặt với các rào cản thương mại, như thuế chống bán phá giá hay hàng rào kỹ thuật, cũng đòi hỏi doanh nghiệp phải chủ động theo dõi chính sách và có chiến lược ứng phó linh hoạt.
Ông Trần Đình Luân nhấn mạnh: “Xây dựng thương hiệu cá rô phi không thể là việc làm riêng lẻ. Phải có sự liên kết đồng bộ giữa hiệp hội, địa phương và doanh nghiệp ngay từ đầu. Đây là bước khởi động quan trọng để tạo ra một thương hiệu mạnh, từ đó giảm chi phí, nâng cao chất lượng và gia tăng sức cạnh tranh”.
Với bối cảnh thuận lợi từ biến động thị trường quốc tế và tiềm năng sẵn có trong nước, cá rô phi đang đứng trước thời điểm “vàng” để chuyển mình thành sản phẩm chủ lực. Tuy nhiên, để làm được điều đó, Việt Nam cần vượt qua chính mình – từ tư duy sản xuất tự phát sang chiến lược xây dựng thương hiệu bài bản, từ liên kết chuỗi đến tiêu chuẩn hóa và chuyên nghiệp hóa toàn bộ hệ thống sản xuất. Đó không chỉ là cơ hội – mà còn là thách thức lớn cần chung tay hành động từ hôm nay.