Đến giữa tháng 9, nhập khẩu than đạt mức cao nhất kể từ năm 2021

15:31 26/09/2023

Kim ngạch nhập khẩu than có xu hướng giảm từ tháng 4 đến tháng 7. Sang tháng 8 và 9, xu hướng giảm đã không còn, chủ yếu do lượng than nhập khẩu tăng cao, tăng lần lượt 95% và 68% so với cùng kỳ năm trước.

Đến ngày 15/9, tổng giá trị nhập khẩu than của Việt Nam đã đạt 5,1 tỷ USD. So với cùng kỳ năm trước (YoY), kim ngạch nhập khẩu than của Việt Nam tăng 53% về lượng, nhưng lại giảm 8,9% về trị giá.

Trong các tháng đầu năm 2023, mặc dù lượng than nhập khẩu của Việt Nam đã tăng (ngoại trừ tháng 1), kim ngạch nhập khẩu lại có xu hướng giảm từ tháng 4 đến tháng 7. Tính riêng 7 tháng đầu năm 2023, giá trung bình của than nhập khẩu đạt 147 USD/tấn, trong khi cùng kỳ năm 2022, giá nhập khẩu lên đến 255 USD/tấn.

Đến giữa tháng 9, nhập khẩu than đạt mức cao nhất kể từ năm 2021
Đến giữa tháng 9, nhập khẩu than đạt mức cao nhất kể từ năm 2021.

Tuy nhiên, sang tháng 8 và 9, xu hướng giảm đã không còn, chủ yếu do lượng than nhập khẩu tăng cao, tăng lần lượt 95% và 68% so với cùng kỳ năm trước. Điều này có liên quan đến việc Trung Quốc tăng cường sử dụng nhiên liệu hóa thạch để sản xuất điện, nhằm bù đắp cho tình trạng giảm sản lượng của các nhà máy thủy điện do hạn hán.

Trung Quốc đã nhập khẩu 246 triệu tấn than nhiệt từ tháng 1 đến giữa tháng 9/2023, nhiều hơn so với mức 232 triệu tấn cùng kỳ năm trước.

Giá than nhiệt giao ngay đã đạt hơn 159 USD/tấn tại cảng Newcastle của Australia (cảng xuất khẩu than lớn nhất thế giới) vào ngày 15/9. Giá này đã tăng trong bảy tuần liên tiếp và đạt mức cao nhất kể từ giữa tháng 5/2023, tăng 31% so với mức thấp gần đây vào cuối tháng 6/2023.

Về thị trường nhập khẩu, Australia là thị trường lớn nhất của Việt Nam với 14,1 triệu tấn than nhập khẩu trong 8 tháng đầu năm 2023. Đứng sau đó là Indonesia với 12,7 triệu tấn và Nga với 2,7 triệu tấn. Tổng lượng nhập khẩu từ ba thị trường này chiếm 85% lượng nhập khẩu than của Việt Nam.

P.V (t/h)