'Đế chế' đồ cưới truyền thống giúp doanh nhân trở thành tỷ phú Ấn Độ

14:14 09/06/2024

Ravi Modi đã trở thành tỷ phú của ngành thời trang Ấn Độ một phần nhờ vào việc ngày càng có nhiều người yêu thích mặc trang phục truyền thống trong những ngày trọng đại của họ.

Ảnh minh họa
Tỷ phú Ravi Modi, Chủ tịch kiêm CEO Vedant Fashions.

Vào giữa thập niên 90, sau giờ học, Ravi Modi thường đến chơi tại cửa hàng bán quần áo của cha mình ở Kolkata (Ấn Độ) và phát hiện ra một cơ hội kinh doanh lớn, điều mà sau này đã tạo nên cho ông một sự nghiệp vững vàng.   

Ravi Modi nhận ra rằng, cửa hàng của gia đình ông chủ yếu bán các loại quần jeans, áo phông, quần tây và quần short cho nam giới, nhưng lại thiếu vắng các trang phục truyền thống của Ấn Độ. Nhận thấy khoảng trống kinh doanh này, Ravi bắt đầu suy nghĩ về việc cho ra mắt dòng sản phẩm mới, góp phần phần đa dạng hóa mặt hàng cho cửa hàng, từ đó thu hút nhiều tệp khách ghé đến cửa hàng hơn.

Từ câu chuyện "có cầu nhưng không có cung" Modi kể lại rằng, ông đã cố gắng thuyết phục cha mình bán thêm những trang phục truyền thống của Ấn Độ như áo kurta và quần pajama truyền thống, nhưng không thành công. Do đó, khi cha ông đi hành hương vào năm 1996, Modi đã tự ý mua 100 bộ kurta-pajama nam giới để trưng bày và bán tại cửa hàng của gia đình ông.

Khi cha của tỷ phú này trở về, ban đầu ông rất tức giận, nhưng ông lập tức vui vẻ trở lại khi thấy Modi bán được 80 bộ ngay trong tuần đầu tiên. Đây là bước ngoặt đưa Modi vào ngành thời trang truyền thống. Đến thời điểm hiện tại, Vedant Fashions của Modi đã trở thành công ty hàng đầu trong thị trường quần áo cưới và lễ hội tại Ấn Độ, với doanh số 4 triệu chiếc mỗi năm.

Ảnh minh họa
Đầu năm 2022, Modi đã đưa công ty lên sàn chứng khoán.

Được biết, Vedant Fashions có tiền thân là chuỗi quần áo Manyavar, được Modi sáng lập năm 1999. Thương hiệu này chuyên cung cấp các trang phục truyền thống của Ấn Độ. Vedant Fashions tự thiết kế sản phẩm và đặt gia công từ các nhà cung cấp bên thứ ba. Hiện công ty có 590 cửa hàng tại 228 thành phố ở Ấn Độ và 13 cửa hàng ở Bắc Mỹ và UAE. Chuỗi Manyavar tập trung vào lễ phục nam giới, còn thương hiệu Mohey - ra mắt năm 2015 chuyên về trang phục nữ. Cả hai thương hiệu đều hướng tới phân khúc trung cấp với giá cả hợp lý.

Modi đã xây dựng một mạng lưới bán lẻ rộng lớn, đáp ứng nhu cầu của khách hàng cả trong và ngoài nước, mang đến các sản phẩm thời trang truyền thống chất lượng và đa dạng. Tuy nhiên, Modi trở nên thành công từ việc trở thành người tiên phong trong thị trường quần áo cưới truyền thống may sẵn cho nam giới và phục vụ đa dạng nhóm khách hàng. 

Đầu năm 2022, Modi đã đưa công ty lên sàn chứng khoán, với khối tài sản được định giá 3,75 tỷ USD, giúp ông gia nhập hàng ngũ tỷ phú Ấn Độ. Trong năm tài chính kết thúc vào ngày 31/3, doanh thu của công ty tăng 84%, đạt 10,4 tỷ rupee (tương đương 138 triệu USD tại thời điểm đó). Lợi nhuận sau thuế tăng hơn gấp đôi, lên 3,1 tỷ rupee. Mặc dù kết quả tăng trưởng cao này một phần là do số liệu năm 2021 bị ảnh hưởng bởi đại dịch, nhưng nếu so sánh với năm tài chính 2019, doanh thu vẫn tăng hơn 30% và lợi nhuận tăng 79%.

Quỹ đầu tư Axis Capital tại Mumbai dự báo rằng doanh thu và lợi nhuận của Vedant sẽ tăng khoảng 30-40% trong những năm tài chính kế đó. Modi dự định tăng gần gấp đôi diện tích bán lẻ trong vài năm tới, lên hơn 220.000m2, để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của khách hàng.

H.C (t/h)