Hơn 30 doanh nghiệp hoạt động đầu tư, sản xuất vi mạch và chip bán dẫn, trong đó có 10 doanh nghiệp nước ngoài có thương hiệu lớn đã trực tiếp tham gia sự kiện.
Ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng nhìn nhận, lĩnh vực vi mạch bán dẫn là lựa chọn mũi nhọn đầu tư của địa phương với mục tiêu trở thành Trung tâm Vi mạch bán dẫn khu vực miền Trung Việt Nam. Địa phương đã và đang đầu tư, xây dựng nhiều khu vực hạ tầng kỹ thuật, trung tâm đào tạo nhân lực về vi mạch bán dẫn để nhanh chóng thúc đẩy phát triển lĩnh vực đầu tư này, thu hút nhiều nhà đầu tư thế giới và khu vực tham gia. Tính đến nay, Đà Nẵng đã hình thành và lựa chọn 10 phân khu, khu công nghiệp tập trung phục vụ cho hướng hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, đánh giá cơ hội và cung cấp nguồn nhân lực chất lượng, ổn định cho lĩnh vực vi mạch và chip bán dẫn.
Hưởng ứng kêu gọi của địa phương, đã có các đơn vị ký kết tham gia, triển khai các dự án đầu tư, đào tạo, hỗ trợ chuyên ngành về vi mạch bán dẫn tại Đà Nẵng, như Tập đoàn Sovico, Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội Viettel, Công ty TNHH Công nghệ Marvell Việt Nam, Công ty TNHH FPT IS…
Trong khuôn khổ sự kiện, địa phương cũng tổ chức hội nghị kết nối cung cầu với các kế hoạch hợp tác đào tạo nguồn nhân lực chuyên sâu với 6 trường đại học tại địa bàn, và 5 doanh nghiệp đầu tư, phát triển vi mạch bán dẫn lớn. Địa phương cũng trao chứng nhận hoàn thành bồi dưỡng thiết kế cho 22 giảng viên nguồn của thành phố Đà Nẵng; công bố 17 giảng viên trúng tuyển chương trình đào tạo giảng viên nguồn về kiểm thử, đóng gói vi mạch, bán dẫn của Đại học bang Arizona (Hoa Kỳ) tổ chức. Đà Nẵng nhận định đây sẽ là những lực lượng nhân lực chuyên môn đầu tiên, tạo nền tảng cho định hướng phát triển đào tạo nhân lực chuyên sâu về vi mạch bán dẫn của địa phương.
Nguyên Đức