Như Doanhnghiephoinhap.vn đã đưa tin, sáng nay (11/12), TAND TP. Hà Nội mở phiên xét xử kín, xét xử sơ thẩm vụ án “Chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước” liên quan đến vụ án Công ty Nhật Cường.
Phiên tòa do thẩm phán Trương Việt Toàn làm chủ tọa, hai Kiểm sát viên giữ quyền công tố là ông Khuất Hữu Ánh và Đỗ Minh Tuấn.
Cựu Chủ tịch UBND TP. Hà Nội - ông Nguyễn Đức Chung cùng 3 đồng phạm hầu tòa về tội “Chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước”.
Sau buổi sáng xét xử kín, trưa cùng ngày, TAND TP. Hà Nội đã tuyên các mức án đối với Cựu chủ tịch TP. Hà Nội và các đồng phạm.
Trong vụ án này, cáo trạng cuả Viện KSND tối cao xác định bị can Nguyễn Đức Chung có vai trò chủ mưu, Phạm Quang Dũng là người thực hành và Nguyễn Hoàng Trung, Nguyễn Anh Ngọc là người giúp sức.
Tại phiên xét xử, bị cáo Nguyễn Đức Chung thừa nhận hành vi phạm tội như cáo trạng truy tố, thành khẩn khai báo và có thái độ ăn năn. Căn cứ theo đó, TAND TP. Hà Nội tuyên bị cáo Nguyễn Đức Chung mức án cao nhất 5 năm tù về tội “Chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước”.
Bị cáo Phạm Quang Dũng (37 tuổi), nguyên là cán bộ công an của C03 (Bộ Công an) bị tuyên phạt 4 năm 6 tháng tù.
Bị cáo Nguyễn Hoàng Trung, tài xế riêng của ông Chung, bị tuyên phạt mức án 24 tháng tù.
Bị cáo Nguyễn Anh Ngọc, 46 tuổi, cựu Phó trưởng Phòng thư ký biên tập (Văn phòng UBND TP. Hà Nội) lãnh 18 tháng tù cùng về tội danh “chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước”.
Ông Chung có nhiều tình tiết giảm nhẹ như được các cấp khen thưởng vì có thành tích xuất sắc trong công tác, được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, có tiền sử bị bệnh ung thư… nên Tòa án tuyên mức hình phạt dưới khung hình phạt so với cáo trạng truy tố.
Tương tự, ba bị cáo còn lại cũng thành khẩn khai báo, có nhiều tình tiết giảm nhẹ nên cũng được Hội đồng xét xử tuyên mức án dưới khung hình phạt so với cáo trạng truy tố.
Điều 337. Tội cố ý làm lộ bí mật nhà nước tội chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu hủy vật hoặc tài liệu bí mật nhà nước: 1. Người nào cố ý làm lộ bí mật nhà nước, chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu hủy vật hoặc tài liệu bí mật nhà nước, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 110 của Bộ luật này, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm: a Bí mật nhà nước thuộc độ tối mật b Lợi dụng chức vụ, quyền hạn c Gây tổn hại về quốc phòng, an ninh, đối ngoại, kinh tế, văn hóa. 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm: a Có tổ chức b Bí mật nhà nước thuộc độ tuyệt mật c Phạm tội 02 lần trở lên d Gây tổn hại về chế độ chính trị, độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ. 4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Trần Linh