Cuộc khủng hoảng dạy thêm của Trung Quốc làm tiêu tan giấc mơ tỷ phú của giới kinh doanh giáo dục

10:20 26/07/2021

Phía nhà chức trách Trung Quốc tăng cường đàn áp những trung tâm dạy thêm sau giờ học bằng cách công bố một loạt các quy định mới cấm doanh nghiệp kiếm lợi nhuận và huy động vốn từ thị trường nước ngoài.

Michael Yu (trái) của New Oriental và Zhang Bangxin (phải) từ TAL Education
Michael Yu (trái) của New Oriental và Zhang Bangxin (phải) từ TAL Education. (Ảnh: getty)

Được công bố vào hôm thứ bảy, những quy định mới yêu cầu các công ty gia sư hiện phải đăng ký kinh doanh như một tổ chức phi lợi nhuận đồng thời bị cấm huy động vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài hoặc thông qua niêm yết công khai. Hơn thế nữa, chính quyền sẽ ngừng phê duyệt cấp phép cho những công ty mới và yêu cầu các doanh nghiệp hiện đang hoạt động phải trải qua các đánh giá theo quy định và xin giấy phép. Công ty bị phát hiện vi phạm sẽ buộc phải sửa chữa hoặc xóa bỏ quyền kinh doanh theo quy định.

Ngành công nghiệp gia sư dạy thêm sau giờ học vốn là một hiện tượng nhức nhối trong xã hội Trung Quốc. Trước những “cuộc chiến” chi phí và quảng cáo quá mức, Bộ Giáo dục nước này đã phải lên tiếng: “Điều này đi ngược bản chất và làm tổn hại đến hệ sinh thái giáo dục”.

Những tin đồn trước đây về cuộc đàn áp theo quy định đã gây ra những làn sóng chấn động trong lĩnh vực giáo dục của đất nước tỉ dân. Cổ phiếu của ba công ty giáo dục Trung Quốc được niêm yết tại Hoa Kỳ bao gồm Gaotu Techedu (trước đây là GSX Techedu), New Oriental Education & Technology và TAL Education Group đều giảm hơn 50% vào thứ sáu sau khi các báo cáo về các hạn chế theo kế hoạch được công bố.

Người sáng lập của Gaotu, Larry Chen, có giá trị tài sản ròng 10,2 tỷ đô la đã từng có mặt trong danh sách tỷ phú thế giới vào tháng tư vừa qua nhưng hiện ông thậm chí không đủ điều kiện để xếp hạng vì tài sản đã giảm sâu chỉ còn khoảng 390 triệu đô la. Các đối thủ trong ngành là Michael Yu của New Oriental và Zhang Bangxin từ TAL Education dường như cũng đang trên đà rời khỏi danh hiệu tỷ phú hằng ao ước. Tài sản của Yu đã giảm 70% kể từ tháng 4 xuống 1,3 tỷ đô la, trong khi Zhang giảm gần 90% xuống 1,4 tỷ đô la trong cùng kỳ.

Trong thời kỳ đại dịch khi các trường học phải đóng cửa, học sinh lên mạng nghiên cứu đã giúp củng cố cổ phiếu của các công ty gia sư. Năm ngoái, các công ty giáo dục trực tuyến đã huy động được tổng cộng 103,4 tỷ nhân dân tệ (16 tỷ đô la Mỹ) từ các nhà đầu tư như SoftBank, Temasek và DST Global để cạnh tranh trong ngành được định giá 257,3 tỷ nhân dân tệ vào năm 2020, theo công ty tư vấn iResearch có trụ sở tại Bắc Kinh.

Tuy nhiên bước sang năm nay, các khiếu nại về quảng cáo sai sự thật và gây hiểu lầm bắt đầu xuất hiện, khiến giới quản lý buộc phải hạ lệnh phạt hàng triệu đô la. Các nhà chức trách cũng lo ngại rằng các dịch vụ dạy thêm đã và đang làm căng thẳng tài chính của các bậc cha mẹ Trung Quốc vào thời điểm chính phủ đang tìm cách tăng tỷ lệ sinh.

Guo Jingwen, một nhà phân tích tại công ty nghiên cứu Blue Lotus Capital Advisors, cho biết: “Những quy định hà khắc như vậy có lẽ liên quan đến cuộc điều tra dân số gần đây. Nhìn vào bài học của Nhật Bản hay Hàn Quốc, mất đi thị phần nhân khẩu học là một viễn cảnh thực sự tồi tệ đối với Trung Quốc”.

TL