Phiên tòa xử vụ Vinasun kiện Grab vừa được mở lại sáng ngày 22/11. Đây là một trong những phiên tòa gây nhiều chú ý từ cả phía người dân lẫn doanh nghiệp.
Cuộc chiến Vinasun - Grab là cuộc chiến giữa taxi truyền thống với taxi công nghệ.
Định danh taxi “công nghệ” thế nào?
Hiện nay, các ý kiến tranh luận xung quanh vụ viện được chia làm 2 phe. Cụ thể, phe phản đối Grab cho rằng: Với các đặc điểm kinh doanh nội tại thì Grab phải được xếp vào loại hình doanh nghiệp vận tải truyền thống, bị ràng buộc với rất nhiều điều kiện kinh doanh chặt chẽ. Trong khi đó, phe ủng hộ Grab thì cho rằng: Grab chỉ kinh doanh dịch vụ phần mềm kết nối giữa hành khách với tài xế trên mô hình kinh tế chia sẻ, và rằng không thể mang mô hình kinh doanh 0.4 để áp dụng cho tương lai 4.0…
Những tranh cãi này xuất phát từ việc định danh các loại hình công nghệ mới như Uber, Grab hay Go-Viet… Hiện dự thảo nghị định 86 về quản lý các loại hình công nghệ kiểu mới đang được Bộ GTVT tải đưa ra lấy ý kiến lần thứ 6 nhưng vẫn gặp phải sự tranh cãi rất lớn từ dư luận.
Nên tạo hành lang pháp lý chuẩn mực hơn, thông thoáng hơn, phù hợp hơn để làm sao đi vào cuộc sống, giúp các doanh nghiệp thực hiện kết nối, phục vụ lợi ích của người dân, xã hội.
Ông Ngô Vĩnh Bạch Dương, Trưởng phòng kinh tế, Viện Nhà nước và Pháp luật cho rằng “Triết lý của Nghị định 86 dường như đang muốn dìm xe công nghệ xuống giống taxi truyền thống để dễ quản lý”.
"Không nên đeo đá cho anh này, cởi trói cho anh kia"
Trong các cuộc tranh luận ấy, rất nhiều câu hỏi đã được dư luận đặt ra như: Công bằng nào cho taxi truyền thống, quản hay cấm taxi công nghệ…
Theo luật sư Nguyễn Chiến, Phó chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, trên thực tế, người dân không di chuyển bằng phương tiện này thì sẽ sử dụng phương tiện khác, vì là nhu cầu thực không thể kìm hãm.
“Chúng ta đang xóa bỏ điều kiện kinh doanh để doanh nghiệp phát triển. Chúng ta nên xây dựng luật theo hướng làm thế nào để taxi truyền thống hoạt động tự do hơn, bớt rào cản. Nhưng không thể cấm cản xe công nghệ”, ông Chiến nói và nhấn mạnh quan điểm: “Vấn đề đặt ra là nên tạo hành lang pháp lý chuẩn mực hơn, thông thoáng hơn, phù hợp hơn để làm sao đi vào cuộc sống, giúp các doanh nghiệp thực hiện kết nối, phục vụ lợi ích của người dân, xã hội.
Tương tự, ông Từ Sỹ Sùa, nguyên Trưởng bộ môn Vận tải đường bộ và thành phố, Đại học GTVT Hà Nội cho rằng “Không nên đeo đá cho anh này trong khi cởi trói cho anh kia, phương tiện không cần đeo mào nhưng có thể nhận diện bằng logo. Luật Giao thông đường bộ cần sửa đổi, bổ sung mục taxi công nghệ để phù hợp hơn”.
Huyền Trang