Giới phân tích nhận định, năm 2024 sẽ mở ra cơ hội cho cuộc cạnh tranh thu hút nhân tài trong lĩnh vực sản xuất thiết bị bán dẫn. Theo dự báo, sản phẩm chip nhớ sẽ dẫn đầu mức tăng trưởng chung của thị trường trong năm 2024, với doanh số dự kiến tăng 44,8% so với năm 2023. Nhật Bản hứa hẹn sẽ là một thị trường tiềm năng cho lĩnh vực này.
Để theo kịp đà tăng trưởng của thị trường, mới đây, hãng chế tạo thiết bị sản xuất chip hàng đầu Nhật Bản - Tokyo Electron cam kết sẽ tăng lương khởi điểm hàng tháng của những người mới được tuyển dụng lên khoảng 40%. Đây là nỗ lực mới của Tokyo Electron nhằm tìm cách thu hút nhân tài bằng cách đưa mức lương khởi điểm ngang bằng với các công ty nước ngoài.
Thời gian qua, Nhật Bản đã đón nhận một loạt khoản đầu tư lớn liên quan đến ngành công nghiệp chip, bao gồm cả khoản đầu tư của nhà sản xuất bán dẫn TSMC của Vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc). Các nhà sản xuất chip đang đưa ra mức lương cao để thuê nhân công lành nghề và xu hướng này cũng đang tiếp cận các nhà sản xuất thiết bị.
Tokyo Electron có kế hoạch tiếp nhận khoảng 400 sinh viên mới tốt nghiệp vào mùa Xuân 2024 và sẽ tăng dần số lượng nhân viên mới lên 500 người trong vài năm tới.
Mặc dù Tokyo Electron cho rằng, tổng thu nhập hàng năm của người lao động tại công ty, bao gồm cả tiền thưởng mùa hè và mùa đông, tương đương hoặc cao hơn so với các đối thủ cạnh tranh nước ngoài, nhưng doanh nghiệp vẫn lo ngại rằng thông tin tuyển dụng - vốn chỉ đưa ra mức lương khởi điểm - có thể khiến lời mời làm việc của họ trông kém hấp dẫn hơn.
Nhiều nhà sản xuất thiết bị và chất bán dẫn nước ngoài hoạt động tại Nhật Bản đưa ra mức lương khởi điểm trên 300.000 yên cho những người có bằng đại học.
Applied Materials đang đưa ra mức lương khởi điểm là 370.000 yên cho sinh viên mới tốt nghiệp đại học tại Nhật Bản. Mức lương khởi điểm tại Lam Research là khoảng 300.000 yên, trong khi Micron Technology - công ty có nhà máy ở tỉnh Hiroshima trả khoảng 310.000 yên.
Theo một cuộc khảo sát mùa Xuân năm 2023 của Cơ quan Nhân sự quốc gia, mức lương khởi điểm trung bình hàng tháng tại các công ty thuộc khu vực tư nhân ở Nhật Bản là khoảng 210.000 yen đối với sinh viên tốt nghiệp đại học và 230.000 yen đối với những người có bằng cấp cao hơn.
Nhật Bản đang cung cấp các khoản trợ cấp để khởi động lại ngành sản xuất chip của mình. TSMC dự kiến sẽ bắt đầu sản xuất tại một nhà máy mới ở Kumamoto vào cuối năm 2024, trong khi nhà sản xuất chip được chính phủ hỗ trợ Rapidus đang hoàn tất một nhà máy ở Hokkaido vào năm 2025. Khi đầu tư vào nghiên cứu và sản xuất tăng lên đồng nghĩa với việc cạnh tranh về nhân tài sẽ nóng dần lên.
Thị trường bán dẫn toàn cầu dự kiến tăng trưởng 13,1% trong năm 2024, đạt trị giá kỷ lục 588,36 tỷ USD, sau sự suy giảm trong năm 2023, nhờ nhu cầu ngày càng tăng đối với sản phẩm chip sử dụng trong Trí tuệ Nhân tạo (AI).
Tổ chức Thống kê Thương mại Sản phẩm Bán dẫn trên Thế giới - một tổ chức do các nhà sản xuất chip lớn thành lập đưa ra dự báo trên. Tổ chức này đã điều chỉnh nâng mức dự báo so với mức dự báo tăng trưởng 11,8% đưa ra hồi tháng Sáu vừa qua.
Nếu đạt được mức tăng trưởng nói trên, quy mô thị trường chip toàn cầu về giá trị sẽ vượt qua kỷ lục trước đó là 574,08 tỷ USD của năm 2022. Năm 2023, thị trường này giảm 9,4% xuống còn 520,13 tỷ USD do nhu cầu chip nhớ suy giảm.
Phương Linh (t/h)