Uniqlo: Công ty mẹ nâng dự báo thu nhập

18:05 14/07/2022

Bất chấp các ảnh hưởng từ lạm phát và COVID-19 ở Trung Quốc, doanh số bán hàng gia tăng mạnh mẽ ở các thị trường như châu Á và các nước phương Tây đã góp phần khiến chủ sở hữu của Uniqlo - Fast Retailing điều chỉnh lại dự báo thu nhập cả năm của mình.

Fast Retailing hiện ước tính lợi nhuận ròng trong năm tài chính này sẽ tăng 47% so với năm trước. (Ảnh của Shihoko Nakaoka)

Fast Retailing ước tính lợi nhuận trong năm tài chính này sẽ tăng 47% so với năm trước. (Ảnh của Shihoko Nakaoka).

Takeshi Okazaki, Giám đốc tài chính của Fast Retailing cho biết: "Dự báo thu nhập cả năm của chúng tôi sẽ cao kỷ lục. Ngay cả khi loại trừ ảnh hưởng của tỷ giá hối đoái, thì đó sẽ vẫn là mức cao kỷ lục".

Okazaki đã nói chuyện với giới truyền thông sau khi Fast Retailing nâng dự báo thu nhập cả năm của mình lên mức kỷ lục 250 tỷ yên (tương đương 1,8 tỷ USD) so với dự báo lãi ròng 190 tỷ yên trước đó.

Fast Retailing hiện ước tính lợi nhuận trong năm tài chính này sẽ tăng 47% so với năm trước, trong khi doanh thu dự kiến ​​đạt 2,25 nghìn tỷ yên, tăng 5,5% so với năm ngoái. Trước đó họ đã dự báo doanh thu là 2,2 nghìn tỷ yên.

Việc nâng mức dự báo được thúc đẩy bởi đồng yên yếu, làm tăng lợi nhuận kiếm được ở nước ngoài khi chuyển đổi trở lại sang đồng tiền Nhật Bản. 

Đồng yên yếu hơn cũng đồng nghĩa với việc tăng chi phí vận chuyển hàng hóa nhập khẩu vào Nhật Bản. Chi phí nguyên liệu thô và hậu cần tăng cũng đè nặng lên nhà sản xuất quần áo này. Okazaki giải thích rằng Fast Retailing đã quản lý những chi phí này bằng cách cải thiện hiệu quả vận chuyển và cắt giảm doanh thu chiết khấu ở cả thị trường trong nước và thị trường nước ngoài. Okazaki nhấn mạnh kết quả tích cực này là thành quả của lập trường kinh doanh không dựa vào chiết khấu.

Takeshi Okazaki, Giám đốc tài chính của Fast Retailing, phát biểu tại một hội nghị về thu nhập vào thứ Năm. (Ảnh của Kosuke Imamura)
Takeshi Okazaki, Giám đốc tài chính của Fast Retailing, phát biểu tại một hội nghị vào ngày 14/7. (Ảnh của Kosuke Imamura).

Trong quý 2, hoạt động kinh doanh cốt lõi của Uniqlo đã chứng kiến ​​sự tăng vọt về doanh thu và lợi nhuận hoạt động tại Nhật Bản và các thị trường quốc tế. Doanh số bán hàng ở các cửa hàng tại nhiều quốc gia tại châu Á như Malaysia, Philippines, Indonesia và Singapore, cũng như Bắc Mỹ và châu Âu đã vượt quá mức ở thời điểm trước khi xảy ra COVID-19. 

Ngoại lệ duy nhất là Trung Quốc, một thị trường bán lẻ lớn. Công ty bị ảnh hưởng bởi đợt phong tỏa nghiêm ngặt ở Thượng Hải, thành phố lớn nhất của đất nước. Thượng Hải bị phong tỏa vào ngày 28 tháng 3 và các hạn chế đã được dỡ bỏ vào ngày 1 tháng 6. Việc phong tỏa tạm thời đã làm khoảng một nửa số cửa hàng của họ ở Thượng Hải đóng cửa hoàn toàn và có tới 169 cửa hàng ở Trung Quốc đóng cửa tạm thời từ tháng 3 đến tháng 5.

Theo Okazaki, kể từ khi các hạn chế được nới lỏng, doanh số bán hàng ở Trung Quốc đã có dấu hiệu phục hồi. Mặc dù một số khu vực trong nước vẫn đang bị khóa và tương lai còn chưa chắc chắn, Fast Retailing tin rằng công ty có thể trở lại đà tăng trưởng khi nền kinh tế Trung Quốc phục hồi. Công ty kỳ vọng doanh thu và lợi nhuận ở Trung Quốc sẽ tăng trong quý 4, mặc dù điều này sẽ không thể bù đắp cho sự sụt giảm đáng kể về doanh thu và lợi nhuận trong 9 tháng qua.

Mặc dù doanh số bán hàng tăng mạnh và dự báo thu nhập đạt mức kỷ lục, lạm phát và đồng yên yếu được cho là sẽ tiếp tục đè nặng lên thương hiệu quần áo này.

Vào tháng 6, có thông tin cho rằng Fast Retailing sẽ tăng giá một số mặt hàng quần áo mùa đông chủ chốt tại thị trường nội địa. Áo khoác lông cừu và áo khoác siêu nhẹ hàng đầu của Uniqlo nằm trong số những sản phẩm bị tăng giá. Công ty bắt đầu bán áo khoác lông cừu vào năm 1994 và đây là lần đầu tiên công ty tăng giá sản phẩm, theo Okazaki chia sẻ.

Hoạt động kinh doanh tại Trung Quốc của Uniqlo, một nguồn thu nhập lớn, đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi COVID. © Reuters
Hoạt động kinh doanh tại Trung Quốc của Uniqlo đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi COVID-19. Ảnh: Reuters.

Okazaki cho biết khách hàng vẫn nhạy cảm với giá cả trong bối cảnh lạm phát. "Chúng tôi không lạc quan về việc tăng giá. Chúng tôi tăng giá trong tâm thế khá lo lắng", Okazaki nói.

Một làn sóng lạm phát cũng kéo theo chi phí lao động gia tăng. Okazaki cho biết công ty đang gặp phải tình trạng thiếu hụt lao động, đặc biệt là ở Bắc Mỹ, và việc làm thế nào và liệu công ty có thể giữ chân được nhân tài hay không đang ngày càng trở nên quan trọng. Ở Nhật Bản, có vẻ như tăng lương theo giờ có thể phải tăng lên tới 30% kể từ mùa thu này để có thể cạnh tranh.

Okazaki cảnh báo rằng nền kinh tế Mỹ đang rất khó khăn và ngày càng có nhiều khả năng nước này có thể rơi vào tình trạng lạm phát khiến việc kinh doanh đình trệ. Okazaki cho biết thêm rằng, công ty vẫn còn nhiều mảnh đất trống để khai thác và phát triển ở thị trường Bắc Mỹ rộng lớn, và đó không phải là điều sẽ thay đổi đi trong bối cảnh kinh tế vĩ mô trở nên xấu đi.

Fast Retailing đã công bố ý định mở 300 cửa hàng mới trên toàn cầu trong năm tài chính tới. Okazaki cho biết công ty vẫn duy trì mục tiêu đó bất chấp những ảnh hưởng từ lạm phát, đặc biệt là công ty sẽ tập trung vào Trung Quốc và Đông Nam Á.

Trong khi đó, công ty tạm thời đóng cửa 50 cửa hàng Uniqlo ở Nga từ ngày 21 tháng 3. Okazaki cho biết công ty vẫn chưa thấy có triển vọng để mở cửa trở lại. “Chúng tôi cố gắng theo dõi tình hình một cách cẩn thận,” Okazaki nói thêm.

Bảo Bảo