Theo thông tin vừa mới công bố, DCM dự sẽ chi cổ tức 2022 với tỷ lệ 30% - tương đương cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu nhận được 3,000 đồng. Với 529.4 triệu cổphiếu đang lưu hành, ước tính ông lớn phân bón cần chi khoảng 1.59 ngàn tỷ đồng để hoàn tất chi trả cho cổ đông. Thời gian thực hiện dự kiến vào 11/09/2023.
Năm 2022, DCM chứng kiến lợi nhuận tăng vọt, hưởng lợi từ cơn sốt hàng hóa kéo dài suốt 2 năm. Trong 5 quý liên tiếp, doanh nghiệp báo lãi ròng trên dưới ngàn tỷ đồng, kết năm bằng mức lãi gấp 2.3 lần năm trước, đạt hơn 4.3 ngàn tỷ đồng.
Tuy nhiên, bước sang năm 2023, trước những thách thức và cơ hội của nền kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, Đạm Cà Mau đặt mục tiêu kinh doanh hợp nhất đi lùi so với thực hiện của năm 2022. Theo đó, tổng doanh thu đạt 13.458 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 1.458 tỷ đồng, giảm lần lượt 17% và 68% so với thực hiện năm 2022.
Đạm Cà Mau phấn đấu sản lượng ure đạt 882.000 tấn, sản lượng NPK đạt 160.000 tấn. Đồng thời, DCM phấn đấu tiêu thụ 760.000 tấn ure, 100.000 tấn sản phẩm từ gốc ure, 160.000 tấn NPK và 211.000 phân bón tự doanh.
Năm 2023, doanh nghiệp dự kiến chia cổ tức với tỷ lệ 16%, tương đương 1.600 đồng/cp với giá trị dự kiến là 847 tỷ đồng.
Về kế hoạch đầu tư, trong năm 2023 doanh nghiệp có 2 dự án chuyển tiếp là “Dự án Trung tâm Nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ sản xuất nông nghiệp công nghệ cao Thạnh Hóa- PVCFC” và “Dự án Mở rộng mái che mưa cho hệ thống xuất sản phẩm (2 line xuất hàng A/D)” cùng 2 dự án mới, 8 dự án chuẩn bị đầu tư, 1 dự án M&A khác.
Tổng Giám đốc DCM – ông Văn Tiến Thanh cho biết, trong 6 nhóm mục tiêu trọng tâm của doanh nghiệp, bao gồm sản xuất, kinh doanh, nghiên cứu phát triển, hợp tác đầu tư mở rộng kinh doanh, phát triển nguồn nhân lực và chuyển đổi số.
Trong đó, ông Thanh nhấn mạnh về vấn đề vận hành Nhà máy Đạm Cà Mau đảm bảo hiệu quả, tiếp tục hoàn thiện các hạng mục cải hoán, tối ưu hóa, nâng cao công suất.
Về hoạt động kinh doanh, ông Thanh đề nghị tiếp tục duy trì hiệu quả các thị trường truyền thống, nghiên cứu phát triển sản phẩm mới theo xu hướng nông nghiệp xanh như NPK hòa tan… Đồng thời, đẩy mạnh chuyển đổi số, tăng cường ứng dụng hệ thống công nghệ thông tin trong hoạt động sản xuất kinh doanh…
Về tầm nhìn trung và dài hạn, Đạm Cà Mau phấn đấu tăng trưởng sản lượng kinh doanh các dòng sản phẩm phân bón từ 6 – 10%/năm, cải thiện tốc độ tăng trưởng doanh thu từ 5 -10%/năm; phấn đấu đến năm 2025, PVCFC là một trong năm đơn vị có quy mô kinh doanh hàng đầu Đông Nam Á về doanh thu.
Trong khi đó, Phó Tổng Giám đốc Petrovietnam - Lê Xuân Huyên đã có những chia sẻ về vấn đề nguồn khí, giá khí cho Nhà máy Đạm Cà Mau vận hành sản xuất. Với kết quả bỏ phiếu 100% từ cổ đông cho tờ trình sửa đổi/bổ sung hợp đồng mua bán khí sẽ tăng thêm cơ sở pháp lý cho DCM về nguồn cung cấp khí và giá khí trong thời gian tới.
P.V (Tổng hợp)