Cộng đồng doanh nghiệp gồng gánh "cơn khát" nhân lực và áp lực giá nguyên vật liệu, chi phí logistics

00:03 28/06/2022

Đơn giá nhân công tăng 20-30% nhưng doanh nghiệp xây dựng vẫn không tìm được lao động; lao động trong ngành du lịch sụt giảm khoảng 55-60%, nhiều khách sạn 5 sao thận trọng chưa dám mở lại. Nguyên liệu thiếu nguồn cung và tăng giá, chi phí logistics cao, thiếu hụt lao động, tiếp cận tín dụng còn bất cập…

Cam kết đồng hành, hỗ trợ tối đa!

"Hội nghị về tình hình và đề xuất nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ sản xuất kinh doanh 06 tháng cuối năm 2022" do Bộ Kế hoạch & Đầu tư tổ chức đã diễn ra hôm qua, 27/2/2022.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chủ trì Hội nghị về tình hình và đề xuất nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ sản xuất kinh doanh 6 tháng cuối năm 2022

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chủ trì Hội nghị về tình hình và đề xuất nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ sản xuất kinh doanh 6 tháng cuối năm 2022.

Hội nghị là dịp để gần 20 Hiệp hội, ngành hàng và nhiều cơ quan liên quan, những nhà làm chính sách cùng trao đổi, chia sẻ, tìm hiểu rõ hơn về cơ hội và thách thức, đồng thời đề xuất các giải pháp, kiến nghị chính sách tháo gỡ khó khăn nhằm tạo mọi điều kiện thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp thiết thực và hiệu quả hơn nữa trong 06 tháng cuối năm 2022.

Chủ trì Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nêu đánh giá cho biết tình hình kinh tế - chính trị thế giới, khu vực có nhiều biến động và tiềm ẩn nhiều phức tạp, khó lường như xung đột vũ trang, giá xăng dầu, nguyên vật liệu tăng cao; lạm phát cao đi kèm điều chỉnh chính sách tiền tệ khác nhau ở nhiều nước; gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu; nhu cầu tiêu dùng sụt giảm ở một số nền kinh tế lớn; nguy cơ khủng hoảng an ninh năng lượng, lương thực, suy thoái kinh tế ở một số quốc gia.

Tình hình kinh tế xã hội nước ta 6 tháng đầu năm 2022 tiếp tục có nhiều khởi sắc, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn trước những biến động lớn của tình hình khu vực thế giới, khu vực; nhiều ngành, lĩnh vực có sự phục hồi ấn tượng sau dịch, nhất là hàng không, du lịch, bán lẻ…

Ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thông tin cho biết, nền kinh tế đang đối mặt với nguy cơ lạm phát lớn, trong khi khả năng giảm thuế, phí xăng dầu thì từ nay đến cuối năm là khó.

Bên cạnh đó, xuất nhập khẩu dù đang thuận lợi nhưng cũng tiềm ẩn thách thức. “Xuất nhập khẩu của chúng ta phụ thuộc và tương tác cực lớn với thị trường Trung Quốc, do đó tiềm ẩn khó khăn thời gian tới”, ông Đậu Anh Tuấn nói.

Đáng chú ý, Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế VCCI nhấn mạnh về một thách thức lớn mà chúng ta phải đối mặt trong năm tới. Đó là việc bắt đầu từ năm 2023, Việt Nam sẽ thực hiện áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu.

“Các tập đoàn lớn rất quan ngại xu hướng này. Vốn FDI vào Việt Nam chủ yếu nhờ chi phí giảm. Trong xu thế lương, chi phí nhân công tăng, thuế cũng tăng do áp dụng chính sách thuế tối thiểu toàn cầu, Chính phủ cần lập tổ công tác đặc biệt về vấn đề này”, ông Tuấn đề nghị.

Cũng tại Hội nghị, ông Tuấn đề nghị các hiệp hội chủ động đề xuất, các cơ quan thúc đẩy cải cách thể chế, cắt giảm điều kiện kinh doanh để giảm bớt khó khăn, chi phí cho doanh nghiệp.

Đề nghị các đại biểu, đại diện hiệp hội, doanh nghiệp đi sâu vào trao đổi các khó khăn, đưa ra các đề xuất cần tháo gỡ trong thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh: “Chúng tôi cũng muốn khẳng định lại là, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng như các Bộ, ngành cam kết đồng hành, hỗ trợ tối đa cho hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, làm sao nhanh chóng vượt qua khó khăn, nắm bắt được các cơ hội".

"Cơn khát" nguồn nhân lực

Thảo luận tại Hội nghị, một trong những khó khăn chung mà cộng đồng doanh nghiệp đang phải đối mặt là "cơn khát nhân lực". Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Việt Nam cho hay, do tính chất đặc thù nên lĩnh vực xây dựng sử dụng nhiều lao động thời vụ, nông nhàn. Tuy nhiên, sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, công nhân xây dựng đã đi làm những công việc khác. Đơn giá nhân công tăng 20-30% nhưng doanh nghiệp xây dựng vẫn loay hoay, không tìm được lao động.

Quang cảnh Hội nghị

Quang cảnh Hội nghị.

Cùng cảnh ngộ, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cho biết lượng lao động ngành du lịch sụt giảm khoảng 55-60%. Hiện nay nhiều khách sạn, đặc biệt là khách sạn 5 sao thận trọng, chưa dám mở lại đang là thực tế diễn ra tại nhiều địa phương.

Riêng đối với ngành hàng không – một trong những ngành bị tác động nặng nề nhất, TS Bùi Văn Nề - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không nhấn mạnh thực trạng một bộ phận lao động kỹ thuật, quản lý có trình độ cao nghỉ việc đang là nguyên nhân gây thiếu hụt lao động dù thị trường đang đà phục hồi.

Những ngành sản xuất cần nhiều lao động chất lượng cao như điện tử, chế biến, chế tạo… cũng không phải là ngoại lệ. Đại diện Liên minh Hỗ trợ công nghiệp Việt Nam - bà Phạm Thị Tình phản ánh, sau thời gian dài nghỉ việc, tay nghề của lao động đi xuống, doanh nghiệp phải mất thời gian và chi phí đào tạo lại. Dù giá nhân công trong lĩnh vực này tăng nhưng vẫn không đủ sức "giữ chân" lao động. Việc tìm kiếm các lao động mới cũng đang là thách thức lớn đối với các doanh nghiệp.

Áp lực giá nguyên vật liệu, chi phí logistics

Tác động từ sự tranh chấp và xung đột quốc tế làm giá nhiên liệu tăng cao. Đây là gánh nặng chung của các Hiệp hội, ngành hàng và cộng đồng doanh nghiệp như hàng không, vận tải, dệt may, logistics, xây dựng… Đại diện Hiệp hội Hàng không, ông Bùi Văn Nề cho biết nhiều tuyến đường bay phải điều chỉnh, làm tăng giờ bay dẫn đến tăng chi phí. Sự cạnh tranh trên các đường bay quốc tế trở nên khốc liệt hơn trong khi tiềm lực các doanh nghiệp hàng không Việt Nam còn hạn chế.

Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu cho biết, giá cả nguyên vật liệu đồng loạt tăng gây áp lực khiến giá thành tăng khoảng từ 18-30% so với cuối năm 2020. Theo ông Trương Văn Cẩn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, giá bông, xăng, dầu đều tăng. Trong khi tỷ giá ngoại tệ như nhân dân tệ, đồng won và yên đều giảm trên 15% thì VNĐ chỉ giảm 1,8%. Điều này gây bất lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu.

Nói về sức ép chi phí logistics đối với doanh nghiệp, ng Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam chia sẻ: Tổng chi phí vận chuyển 1 container 40 feet hàng thủy sản đông lạnh sang Bờ Đông nước Mỹ (ví dụ như bang Florida) trong giai đoạn đỉnh dịch và tắc nghẽn cảng là 400 triệu đồng. Tại thời điểm tháng 6 hiện nay, chi phí khoảng 390 triệu đồng/container, có giảm nhưng vẫn là mức cao gấp 4-5 lần bình thường.

Ngoài những khó khăn trên, các Hiệp hội, ngành hàng cũng nêu vướng mắc trong tiếp cận gói hỗ trợ tín dụng, cần có cơ chế thúc đẩy kinh tế chia sẻ như kết nối nguồn vốn của doanh nghiệp, huy động sử dụng các nguồn lực.

Đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho rằng, thời gian qua, chính sách tiền tệ, tỷ giá hối đoái ổn định, nhưng với các doanh nghiệp trong ngành xuất khẩu nhiều đang mất lợi thế cạnh tranh với các đối thủ. Vị này đề nghị giữ tiền đồng ở mức giá vừa phải để tạo điều kiện giúp các doanh nghiệp xuất khẩu tăng lợi thế cạnh tranh.

Những đề xuất, kiến nghị giải pháp hỗ trợ

Bàn về giải pháp hóa giải "cơn khát nhân lực", Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình đề nghị hỗ trợ cho doanh nghiệp về đào tạo nguồn nhân lực ở những điều kiện cơ bản nhất, nhờ vậy doanh nghiệp sẽ có nền tảng để phát triển tiếp.

Tổng Thư ký Hiệp hội Logistics Việt Nam Nguyễn Duy Minh

Tổng Thư ký Hiệp hội Logistics Việt Nam Nguyễn Duy Minh.

Theo đại diện các Hiệp hội, cần thúc đẩy chính sách đào tạo nghề và phát huy vai trò trường nghề để đáp ứng nguồn cung lao động. Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo (trường nghề) có thể cùng nhau hợp tác để tăng hiệu quả đào tạo để tạo nên sản phẩm là người lao động lành nghề.

Giải bài toán sức ép chi phí logistics đối với doanh nghiệp, đề xuất, kiến nghị giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, ngành hàng, theo đại diện Hiệp hội Logistics Việt Nam, để bình ổn giá cả thị trường nội địa thì giá xăng dầu đóng vai trò quan trọng. Do đó, Hiệp hội đề nghị Chính phủ có tác động để ổn định giá xăng dầu trong thời gian tới.

Tổng Thư ký Hiệp hội Logistics Việt Nam Nguyễn Duy Minh cho rằng, Bộ KH&ĐT cần quan tâm tái quy hoạch, quy hoạch mới về logistics, trong đó cho các doanh nghiệp chủ hàng đầu tư vào tỉnh/vùng phù hợp. Giải pháp dài hạn chính là quy hoạch ngành hàng, chuỗi giá trị và quy hoạch vùng. Cùng với đó, hỗ trợ chuyển đổi số mạnh cho ngành dịch vụ logistics cũng sẽ giúp cắt giảm chi phí.

Logistics quốc tế liên quan chặt chẽ đến lợi thế cạnh tranh hàng hóa xuất nhập khẩu và thu hút đầu tư FDI. Ông Minh đề xuất Bộ KH&ĐT báo cáo Thủ tướng; phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính để có kế hoạch làm việc với các hãng tàu để bình ổn giá cước và phụ phí vận tải quốc tế.

Đại diện các Hiệp hội, ngành hàng cũng nêu vướng mắc trong tiếp cận gói hỗ trợ tín dụng, cần có cơ chế thúc đẩy kinh tế chia sẻ như kết nối nguồn vốn của doanh nghiệp, huy động sử dụng các nguồn lực.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, từ các ý kiến đa chiều tại Hội nghị, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tổng hợp, báo cáo, tham mưu với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các giải pháp chính sách trọng tâm điều hành 6 tháng cuối năm.

Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT đề nghị trong vòng 2 ngày tới, các hiệp hội có văn bản đề xuất chính thức, gửi Bộ KH&ĐT để tổng hợp, báo cáo Chính phủ tại phiên họp Chính phủ thường kỳ sắp tới. Đối với các nội dung dài hạn, Bộ KH&ĐT tiếp thu và sẽ lựa chọn đề án, nhiệm vụ phù hợp để đưa vào.

Trần Linh