Cơ hội kinh doanh đến từ tình yêu, niềm đam mê và khủng hoảng Covid

08:32 03/01/2023

Vượt biên đến Hoa Kỳ từ năm một tuổi với mối quan hệ yêu-ghét các món ăn truyền thống, Thủy Phạm chưa bao giờ học qua trường dạy nấu ăn, nhưng sau khi bắt đầu ăn chay trường vào năm 2019, cô ấy đã trở thành một người tự học nấu ăn các món Việt Nam thuần chay yêu thích của mình.

Thủy Phạm, bà chủ của Mama Đút (nguồn Brian Feinzimer)
Thủy Phạm, bà chủ của Mama Đút (nguồn Brian Feinzimer).

Vào tháng 3 năm 2020, đại dịch Covid đã khiến sự nghiệp tạo mẫu tóc hàng chục năm của Thủy Phạm phải tạm dừng. Không còn công việc kinh doanh, cô quyết định hoàn thiện công thức món thịt ba chỉ thuần chay của mình. Thủy Phạm đã thực hiện một buổi phát trực tiếp trên Instagram để chuẩn bị món ăn theo yêu cầu của cô con gái nhỏ Kinsley. Chưa đầy một tháng sau, cô bắt đầu công việc kinh doanh ẩm thực của mình, Mama Đút, được đặt tên theo cụm từ Việt-Anh mà cô và con gái sử dụng, có nghĩa là “mẹ ơi, cho ăn”.

Mama Đút là doanh nghiệp thuần chay đầu tiên trong sê-ri “Thức ăn đường phố” của Netflix, một thành tích mà Thủy Phạm rất tự hào vì cô cảm thấy những người ăn chay không thường có chỗ trên bàn ăn. Năm 2022, cô được Tổ chức James Beard đề cử là Đầu bếp mới nổi, giải mà cô nói rằng cô không nhận ra đó là “giải Oscar về ẩm thực”. 

Rời Việt Nam khi mới một tuổi

Năm 1981, gia đình Thủy Phạm ra đi vào lúc nửa đêm trên chiếc thuyền đánh cá của bà và bị cướp biển bắt giữ. Cuối cùng cô và mẹ được giải cứu và đưa vào một trại tị nạn ở Indonesia trong khi chờ đợi sự bảo lãnh đến Hoa Kỳ. Năm 1982, hai mẹ con cô đến Portland, Oregon.

Những khó khăn, nguy hiểm mà người nhập cư như cô trải qua đã xây dựng nên sự gan góc qua nhiều thế hệ. Những năm đầu tiên của cuộc đời Thủy Phạm là chiến đấu để sinh tồn - trên chiếc thuyền đánh cá giữa đại dương, sau đó là ở một vùng đất xa lạ, đấu tranh để không bị đói, để học ngôn ngữ và để hòa nhập.

Thủy Phạm lớn lên theo đạo Công giáo cùng với truyền thống Phật giáo. Ban đầu cô nghĩ rằng nếu ăn chay, cô sẽ không thể ăn thức ăn Việt Nam. Khi cô nhận ra các tác động khủng khiếp của môi trường và sự tàn ác của việc ăn thịt động vật, cô đã quyết định trở thành người ăn thuần chay.

Hai cuốn sách dạy nấu ăn mà Thủy Phạm tìm thấy ở Hoa Kỳ không phải do người Việt Nam viết, mà do người phương Tây viết. Anh họ của cô ở Sài Gòn đã gửi cho cô những cuốn sách dạy nấu ăn thuần chay của Việt Nam, mẹ cô và cô thử nghiệm các công thức nấu ăn.

Giống như nhiều người Việt Nam vượt biên sang Mỹ từ khi còn bé, Thủy Phạm đã phải vật lộn với chính bản thân để hòa nhập, như cô nói, trong tôi không đủ chất Mỹ cũng như chất Việt Nam. Trở thành người thuần chay và đam mê nấu món ăn chay đã giúp cô kết nối lại với bản sắc người Việt Nam của mình, tìm ra chính mình - một cô gái Mỹ, cũng là một người phụ nữ Việt Nam.

Câu chuyện đằng sau cái tên Mama Đút là gì?

Vào tháng 4 năm 2020, con gái cô Kinsley, bảy tuổi, đã hỏi liệu có thể phát trực tiếp cách làm món ba chỉ heo thuần chay trên Instagram không. Cô đã có 3.000 người theo dõi và không thể tưởng tượng được Instagram Live sẽ trở thành một ngành kinh doanh bùng nổ. Mama Đút phản ánh tình yêu của Thủy Phạm dành cho con gái Kinsley bởi khi cho cô bé ăn, cô nói "mẹ đút". Biểu tượng của Mama Đút mà em cô Cathy Phạm minh họa cũng là cô đang cho con gái ăn.

Khi bắt đầu đại dịch, các dịch vụ thẩm mỹ viện đã ngừng hoạt động. Thủy Phạm cần kiếm tiền để tồn tại. Cô nhìn thấy một cơ hội và chớp lấy nó, Mama Đút được bắt đầu chỉ với số tiền 500 đô la, cô nhận đơn đặt hàng với món ba chỉ heo thuần chay, chỉ hy vọng kiếm đủ tiền để mua thức ăn. Cô đã nhận được rất nhiều yêu cầu trong 24 giờ đầu tiên. Khoảng hai tuần sau, cô quyết định chuyển đến nhà bếp cho thuê đầu tiên của mình, phải mất 40 năm để Thủy Phạm tin tưởng và đầu tư cho chính bản thân.

Thủy Phạm trộn kim chi cải xoăn
 (Nguồn pdx.eater.com)
Thủy Phạm trộn kim chi cải xoăn (Nguồn pdx.eater.com).

Làm thế nào mà việc bán thịt ba chỉ thuần chay trên Instagram dẫn đến một nhà hàng?

Mục đích ban đầu của cô là chỉ bán thịt ba chỉ thuần chay, nhưng để làm được như vậy, Thủy Phạm phải có hình ảnh của các món ăn. Những người bạn của cô nghĩ rằng các món ăn rất tuyệt và khuyến khích cô mở pop-up đầu tiên trên Instagram vào tháng 6 năm 2020. Cô đã thông báo về món ăn đó trên Instagram cùng với thực đơn và số lượng khẩu phần cho các đơn đặt hàng trước để đảm bảo ít hàng tồn kho và tránh lãng phí thực phẩm.

Năm trăm phần đã bán hết trong sáu giờ, Thủy Phạm đã khóc. Với tư cách là một người Mỹ gốc Việt và là một người nhập cư, cô cảm thấy hạnh phúc vì món ăn của mình cũng như văn hóa Việt Nam được yêu mến.

Vào mùa thu năm 2020, một người bạn đã cho Thủy Phạm sử dụng không gian bếp trống và quầy bán đồ ăn mang đi để giúp giảm bớt chi phí. Buổi khai trương diễn ra vào ngày 7 tháng 11. Khoảng 30 phút trước khi khai trương, đã có một hàng dài người xếp hàng. Cô nhớ lại là mình đã thò đầu ra và cảm thấy hoảng sợ.

Thành công của Mama Đút

Trong vòng vài tháng, Mama Đút đã trở thành một cái tên quen thuộc trong cộng đồng Portland, không chỉ nhờ bánh mì thịt heo thuần chay nhà làm, mà còn vì các hoạt động xã hội tích cực của Phạm, mang bữa ăn miễn phí cho những người biểu tình tại các cuộc biểu tình Black Lives Matter và lên tiếng chống lại những bất công xã hội trên Instagram. Vào thời điểm Phạm mở nhà hàng của mình trên đường Morrison tháng 11 năm 2020, Mama Đút đã trở thành một cơn sốt thuần chay toàn diện với các món rất được yêu thích như bò hầm thuần việt, sandwich bánh quy thịt heo, bánh bao nấm Chik’n chiên.

Thủy Phạm chưa bao giờ nghĩ mình có đủ tiền để mở một nhà hàng, cô cảm thấy đó là một giấc mơ quá lớn. Khi lớn lên, cô không được bảo phải ước mơ lớn, những giấc mơ của cô luôn có một trần nhà bằng kính. Khi bạn là con của những người nhập cư, lớn lên trong các cộng đồng nghèo đói hoặc bị gạt ra ngoài lề xã hội, ước mơ của bạn khá đơn giản - có thức ăn trên bàn và trả tiền thuê nhà. Nhưng như người ta vẫn nói, nếu cuộc đời ném cho bạn một trái chanh chua chát, đừng cố ăn rồi nhăn nhó. Hãy thêm đường, thêm nước, pha một ly nước chanh thật ngon và tận hưởng. Hãy tin tưởng chính bản thân bạn chắc chắn thành công, nhiều đến mức người khác chỉ còn cách tin rằng bạn sẽ thành công. Thủy Phạm đã làm đúng như thế.

Anh Dũng (Tổng hợp từ Today.com và pdx.eater.com)