Logistics là lĩnh vực tiềm năng của cả Việt Nam và Ấn Độ với vị trí địa lý thuận lợi, cửa ngõ của các tuyến vận tải biển quốc tế, với đường bờ biển dài hàng nghìn km, được hai nước xác định là khâu đột phá để đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững. Tuy nhiên, logistics có thể là điểm nghẽn khiến thương mại hai nước chưa tương xứng với tiềm năng và kỳ vọng khi chi phí logistics của cả Việt Nam và Ấn Độ vẫn ở mức cao so với thế giới, năng lực vận tải biển, đội tàu cả hai nước chưa mạnh, còn phụ thuộc nhiều vào nước ngoài, sự hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực này còn hạn chế, nhiều vụ việc tranh chấp thương mại xảy ra liên quan vấn đề logistics.
Ấn Độ là thị trường logistics tiềm năng với giá trị 150 tỷ USD, đóng góp 14,4% GDP. Đối với vận tải quốc tế, vận tải đường biển tại Ấn Độ chiếm khoảng 95% về khối lượng và 70% về giá trị. Ấn Độ có 12 cảng chính (Mumbai, Chennai, Visakhapatnam, Kolkata…) và 205 cảng nhỏ và trung gian. Trong năm tài chính 2020-2021, 12 cảng chính đã vận chuyển 672 triệu tấn hàng hóa.
Chính phủ Ấn Độ xác định vận tải biển và logistics là khâu đột phá để phát triển đất nước nên đưa ra các chính sách, chiến lược và biện pháp thúc đẩy. Ấn Độ thành lập bộ phận logistics thuộc Bộ Công Thương do 1 thứ trưởng phụ trách, đảm nhiệm tất cả các vấn đề liên quan logistics nhất là trong việc phối hợp các bộ, ngành và các bang. Ấn Độ cũng đã dự thảo chính sách logistics quốc gia với nhiều nội dung toàn diện nhằm nâng cao hiệu quả lĩnh vực này thông qua việc tối ưu hóa toàn bộ hệ thống logistics từ cảng biển, kho lạnh, đội tàu biển, vận tải nội địa, đường sắt, đường thủy, đảm bảo sinh kế cho người dân các làng chài… đưa ra các khâu đột phá là ứng dụng công nghệ thông tin số hóa lĩnh vực logistics, nâng cao hiệu quả khâu đóng gói, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Ấn Độ đã miễn thuế 10 năm cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực phát triển, bảo trì và khai thác cảng, đường thủy nội địa và cảng nội địa. Ấn Độ cũng cho phép tư nhân mua nhượng quyền quản lý tại các cảng do Nhà nước sở hữu với thời hạn 30 năm và có các điều khoản gia hạn tiếp theo. Chính phủ Ấn Độ cho phép nước ngoài thành lập doanh nghiệp FDI 100% theo lộ trình tự động cho các dự án liên quan đến xây dựng và bảo trì các cảng và bến cảng ở Ấn Độ.
Ông Rajeswara Sastry, Giám đốc Công ty Vipra Associates, người có kinh nghiệm hơn 30 năm trong lĩnh vực logistics, thông quan và các thủ tục liên quan khác. Vipra Associates bắt đầu hoạt động vào năm 2014 và cung cấp các dịch vụ chuyên biệt trong lĩnh vực hàng không và đường biển, thông quan tại tất cả các sân bay và cảng nội địa tại vùng thủ đô Delhi, Mumbai và Nhava Sheva.
Ông cho rằng: "Với mong muốn phát triển các hình thức vận tải đa phương thức với mục tiêu cắt giảm chi phí vận tải và giảm thời gian vận chuyển, Ấn Độ cần nhanh chóng nâng cấp cơ sở hạ tầng giao thông vận tải để đạt được mục tiêu trở thành nền kinh tế lớn thứ ba thế giới vào năm 2030. Đây là cơ hội lớn cho các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có Việt Nam đầu tư vào lĩnh vực logistics tại Ấn Độ để hưởng các ưu đãi của Chính phủ".
Ngoài ra, Vipra cung cấp các dịch vụ giúp đỡ các doanh nghiệp trong việc thực hiện các thủ tục đăng ký kinh doanh, hỗ trợ tìm những yêu cầu về mặt pháp lý khi doanh nghiệp Việt Nam muốn hoạt động kinh doanh tại Ấn Độ. Ông cũng nhấn mạnh những yêu cầu về mặt tiêu chuẩn mà các sản phẩm cần đạt được. Ấn Độ yêu cầu các chứng chỉ, đối với nhóm hàng công nghiệp cần đáp ứng chứng chỉ BIS, đây là điều kiện tiên quyết khi muốn xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Ấn Độ, chứng chỉ FSSAI đối với các mặt hàng thực phẩm, nông sản. Vipra cung cấp dịch vụ liên quan tới phân tích thị trường và đáp ứng các chứng nhận chứng chỉ mà thị trường Ấn Độ yêu cầu.
Minh Châu