Cụ thể, đại diện Amazon Global Selling nhận định, sau 3 năm có mặt thị trường Việt Nam thì chúng ta có nhiều ưu thế và tiềm năng phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới. Amazon sẵn sàng làm bệ phóng cho các doanh nghiệp nội địa khai thác cơ hội này. Theo đó, đơn vị dự kiến tiếp tục triển khai nhiều hoạt động nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, nhà sản xuất Việt tham gia xuất khẩu qua thương mại điện tử trong năm 2022. Vị đại diện cho biết, yếu tố cạnh tranh quan trọng khi tham gia thị trường quốc tế là nắm bắt thị hiếu khách hàng quốc tế. Doanh nghiệp có thể xây dựng câu chuyện thương hiệu cho sản phẩm của mình. Amazon sẽ kết nối doanh nghiệp và nhà bán hàng với hơn 300 triệu khách hàng quốc tế. Không để doanh nghiệp "tự thân vận động", đơn vị còn cung cấp các công cụ, dịch vụ, hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng thương hiệu trên nền tảng trực tuyến, kết nối khách hàng, tạo sự dấu ấn "Made-in-Vietnam". Đồng thời, Amazon Global Selling cũng đồng hành giúp doanh nghiệp đảm bảo sản phẩm "Made-In-Vietnam" đạt tiêu chuẩn chất lượng quốc tế, tính tuân thủ của sản phẩm và xây dựng kế hoạch kinh doanh dài hạn.
Việt Nam là một trong những quốc gia dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng kinh tế số trong khu vực Đông Nam Á. Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã nắm bắt cơ hội này và phát triển mạnh trên thị trường quốc tế thông qua thương mại điện tử xuyên biên giới. Sắp tới, IDEA sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác với Amazon Global Selling, hỗ trợ các thương hiệu Việt Nam nắm bắt và phát huy tiềm năng này. Trong tương lai, nền kinh tế số sẽ tạo ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp tiếp cận thị trường toàn cầu. Những hoạt động trên được Amazon Global Selling nhận định là bước đệm cho sự phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới của các doanh nghiệp Việt, đặt nền móng cho việc đưa sản phẩm "Made-in-Vietnam" vươn xa trên trường quốc tế.
Bất kể ảnh hưởng đại dịch, kinh tế Việt Nam ở các lĩnh vực nhất định vẫn ghi nhận nhiều tín hiệu lạc quan, là một trong số ít các nước đạt tăng trưởng dương trong hai năm qua. Trải qua đợt giãn cách xã hội diện rộng trong quý III, GDP Quý IV/2021 vẫn trên đà tăng trưởng. Chuyên gia dự đoán, quý này sẽ kéo mức GDP trung bình cả năm chạm ngưỡng 3%. Trong 12 tháng (từ 1/9/2020 đến 31/8/2021), gần 7,2 triệu sản phẩm của các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam được bán cho khách hàng Amazon trên khắp thế giới, tăng 34% so với cùng kỳ năm ngoái. Số lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt bán hàng qua các cửa hàng Amazon trên toàn thế giới vượt mốc doanh số 100.000 USD, 500.000 USD và 1 triệu USD, tăng lần lượt hơn 18%, 53% và 40% chỉ sau một năm. Bên cạnh đó, top 5 mặt hàng Việt bán chạy nhất trên nền tảng này đều thuộc nhóm gia dụng, dụng cụ nhà bếp, sản phẩm dệt may, tiện ích gia đình, sản phẩm chăm sóc sức khỏe và cá nhân. Các con số ấn tượng trên phần nào thể hiện sự tiếp nhận của khách hàng toàn cầu với năng lực sản xuất Việt Nam, mở ra cơ hội cho doanh nghiệp Việt vươn tầm quốc tế.
Mai Hạnh